Nhóm khoa học thuộc USC cho biết: "Những lợi ích thể chất của vaccine Covid-19 như chống lại virus, làm giảm các triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng khi nhiễm nCoV là rất rõ ràng, song tác dụng của vaccine với sức khỏe tâm thần của con người lại ít được xem xét".
Theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 8/9 trên tạp chí PLOS One, người đã tiêm vaccine có tỷ lệ lo lắng, phiền muộn thấp hơn 15% so với người chưa tiêm chủng.
Nhóm nhà khoa học, đứng đầu bởi Francisco Perez-Arce từ Trung tâm nghiên cứu kinh tế và xã hội (CESR) thuộc Học viện Dornsife, USC đã thiết lập một cơ sở dữ liệu tâm lý trước khi được tiêm vaccine của những tình nguyện viên và theo dõi tâm trạng của họ từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những cải thiện lớn về sức khỏe tâm thần của người được tiêm chủng xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021.
Một nghiên cứu khác của Học viện Dornsife cho thấy trạng thái bất ổn tâm lý của người dân xảy ra đỉnh điểm vào tháng 4/2020 và giảm dần sau đó. Các nhà khoa học giải thích: "Việc tiêm liều vaccine đầu tiên giúp cải thiện đáng kể tâm lý của người được tiêm phòng Covid".
Theo Học viện Dornsife, trong 100 triệu người đã tiêm vaccine từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021, khoảng một triệu người chấm dứt tình trạng lo lắng và 700.000 người không còn bị sa sút tâm lý nghiêm trọng.
Các nhà khoa học lý giải đơn giản về mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và vaccine. Theo đó, khi đối mặt với dịch bệnh kéo dài, việc tiêm chủng làm giảm bớt nỗi sợ hãi, lo âu về sức khỏe của mỗi cá nhân. Ngoài ra, người đã tiêm vaccine được khuyến khích duy trì các hoạt động như đi làm, tiếp xúc xã hội.
"Những người đã chủng ngừa bớt lo lắng về việc bị lây nhiễm nCoV, từ đó họ tích cực hơn trong các hoạt động cộng đồng", nhóm khoa học cho biết.
Nhà khoa học Perez-Arce cho rằng mỗi người cảm thấy yên tâm khi gia đình và những người xung quanh đã tiêm vaccine Covid-19. "Tôi nghĩ điều này rất có giá trị cho chiến dịch tiêm phòng", ông nói.
Kiều Oanh (Theo Inquisitr)