Vợ chồngchị Hoa ở quận Thanh Xuân, kinh doanh một quán ăn nhỏ, hai con ở nhà với ông ngoại. Do giãn cách xã hội, quán đóng cửa, không có thu nhập, chị phải dùng tiền tiết kiệm để chi phí sinh hoạt cho gia đình. Gần đây, ổ dịch tại quận Thanh Xuân bùng phát, gia đình trở thành F0, chị thêm căng thẳng, mất ngủ, sử dụng rất nhiều loại thuốc an thần.
"Cả nhà ở trong khu cách ly tập trung, riêng bố tôi có tiền sử tăng huyết áp, tim mạch, khó thở phải nhập viện nên tôi rất lo, ngày nào cũng thấp thỏm chờ tin từ bác sĩ", chị nói.
Chị Hoa và chồng đã được tiêm đủ một mũi vaccine theo danh sách của phường, đang chờ tiêm mũi hai. Riêng bố chị và hai con chưa đến lượt.
Gia đình chị Lan gồm vợ chồng, hai người con và em chồng, cũng lo lắng, hoảng loạn khi nhận kết quả dương tính. Họ không biết nguồn lây đến từ đâu. "Trước đó tôi ra ngoài một lần gặp 4 người trong vòng 45 phút rồi về nhà. Tôi phòng ngừa, bảo vệ bản thân tối đa nhưng vẫn mắc bệnh", chị nói.
Cả nhà cũng chưa ai tiêm vaccine và chị là người có triệu chứng nặng nhất. Chỉ trong 10 ngày, chồng chị giảm 7 kg, chị xuống 4 kg, mệt mỏi nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cho biết đại dịch khiến nhiều F0 rơi vào lo âu, trầm cảm, tùy thuộc mức độ, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Tình trạng giãn cách, cách ly, giảm thu nhập khiến nhiều người bình thường cũng mắc stress, trầm cảm.
"Nhiều F1, F0 cách ly tại nhà bị rối loạn lo âu, nhất là người đang điều trị trầm cảm thì gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn này", bác sĩ Chung nói.
Hiện chưa có nghiên cứu sâu về tác động của đại dịch đến sức khỏe tâm thần tại Việt Nam, tuy nhiên dựa trên thực tế và đặc tính sinh học, bác sĩ Chung cho rằng nữ dễ bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần nhiều hơn nam giới. "Trong đó, nhóm F0 dễ bị căng thẳng tinh thần gấp 10 lần những người không mắc bệnh", bác sĩ nhận định.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, theo bác sĩ Chung. Một là do yếu tố sinh học, Covid-19 tác động lên hệ thần kinh trung ương. Hiện, chưa có nghiên cứu mức độ cụ thể song Covid-19 ít nhiều ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc của người bệnh. Ví dụ, bệnh nhân bị cảm, cúm thông thường cũng dễ bị chán ăn, mất ngủ, mệt mỏi, uể oải..., thì người bệnh Covid-19 cũng tương tự.
Nguyên nhân thứ hai là yếu tố xã hội. Khi không may trở thành F0, bạn dễ căng thẳng hơn do lo lắng cho sức khỏe bản thân và người nhà, ngại điều tiếng khi mình là nguồn lây... F0 không thể đi làm, giảm thu nhập, không có người chăm sóc gia đình, phải đi cách ly ở xa, không thoải mái... Chưa kể, nhiều phụ nữ không ra ngoài gặp gỡ bạn bè, du lịch, dẫn đến stress, lo lắng, rối loạn cảm xúc.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ tâm lý học Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, dấu hiệu stress thường gặp là cảm giác bồn chồn, lo lắng, cảm nhận nguy hiểm sắp đến với gia đình. Ngoài ra, nhịp tim tăng lên, lúc nào cũng hồi hộp, đổ mồ hôi, run sợ, mất hết năng lượng, mệt mỏi, không còn sinh lực, chỉ muốn nằm dài. Tình trạng này càng kéo dài càng căng thẳng nhiều hơn.
Dấu hiệu khác là cảm xúc lúc nào cũng trầm buồn không lý giải được, kể cả xem phim hài. Một số người còn thay đổi các hành vi thường ngày như đàn ông hút thuốc nhiều, uống rượu; phụ nữ khóc lóc, ăn nhiều, cáu bẳn...
Để giảm căng thẳng và duy trì tinh thần thoải mái khi điều trị, bác sĩ Chung khuyên người mắc Covid-19 phải bình tĩnh. Theo thống kê của Bộ Y tế, 80% người mắc Covid-19 không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng giống cảm cúm thông thường. Ngoài chăm sóc điều trị triệu chứng, bạn nên kiểm soát tinh thần, hạn chế căng thẳng và không làm ảnh hưởng ảnh hưởng đến khả năng hồi phục bệnh.
Cụ thể, F0 nên tránh xem, đọc hoặc nghe nội dung về Covid-19, nhất là trên mạng xã hội. Tránh sử dụng rượu, bia, thuốc lá, ma túy, các loại thức ăn nước uống có chất kích thích. Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn, cố gắng thực hiện một vài hoạt động mà bản thân yêu thích như đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, làm mô hình, nấu ăn (nếu có thể).
Gia đình có F0, F1 tự cách ly tại nhà, cần có sự động viên, khích lệ tinh thần giữa các thành viên. Gọi cho nhân viên y tế phụ trách nếu căng thẳng ảnh hưởng các hoạt động hàng ngày trong thời gian dài.
Hít thở sâu hoặc thực hành thiền, tập thở; cố gắng ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng. Tập thể dục thường xuyên, vừa sức, không thức khuya. Ngủ sớm (trước 23h) và đủ giấc (7-8 tiếng).
Tăng cường giao tiếp, kết nối với những người khác, tâm sự về những lo lắng của mình.
Bác sĩ cho rằng không phải ai là trở thành F0 cũng tiêu cực, bi quan và bị trầm cảm, lo âu. Có nhiều bệnh nhân được bác sĩ Chung điều trị từ xa, khỏi bệnh đã trở thành tình nguyện viên chống dịch.
"Quan trọng là bạn suy nghĩ lạc quan và chăm sóc sức khỏe tốt thì hoàn toàn có thể chiến thắng dịch bệnh", bác sĩ Chung nói.
Phó giáo sư Mạnh Hà nhấn mạnh, mọi người cần tư duy tích cực, tổ chức hoạt động khoa học, hợp lý, đảm bảo nguyên tắc phòng dịch, giữ cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái để vượt qua vấn đề tinh thần.
Hiện, sức khỏe của chị Lan và gia đình ổn định. Chị cho rằng để chiến đấu với Covid-19, cần 40% tinh thần, 40% thể trạng, 20% là thuốc và bác sĩ.
"Lạc quan thì tốt, bi quan cũng không sao nhưng nhất định không được chủ quan và tự tin thái quá. Và nếu có cơ hội hãy tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất thay vì chần chừ", chị nói.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Thùy An