Kể từ khi mở cửa, nền kinh tế Việt Nam chuyển sang giai đoạn tăng trưởng vượt bậc. Đó là tổng hòa của nhiều yếu tố cộng lại giúp cho đất nước ta phát triển.
Đời sống giáo dục, văn hóa và y tế được nâng lên rất nhiều. Điển hình là chúng ta thoát khỏi đất nước thuộc nhóm nghèo của thế giới. Chúng ta có chương trình tiêm chủng mở rộng toàn quốc miễn phí.
Nhìn lại cả một quá trình dài như vậy để chúng ta thấy rằng không ai tạo ra giá trị cho chúng ta ngoài chính chúng ta. Không ai chuẩn bị cuộc sống cho chúng ta bằng chính hành động của chúng ta.
Chỉ có giá trị nội lực mới đảm bảo hòa bình, ổn định và đời sống nhân dân thịnh vượng. Mặt khác, cũng không quên tận dụng thời cơ trong giao lưu hợp tác với các nước lớn, với bạn bè thế giới để tăng cường phát triển kinh tế, bảo vệ ổn định kinh tế và an ninh quốc gia. Nói như thế không có nghĩa là cuộc sống hiện nay không có những rủi ro. Bởi thực tế, rủi ro luôn thường trực và là động lực để chúng ta phát triển.
>> 'Tập gym hùng hục, nhưng đi 500 m cũng đòi taxi'
Để đảm bảo rằng cuộc sống của chính mỗi người Việt Nam chúng ta được tốt hơn, mỗi c nhân cần phải chuẩn bị cho cuộc sống của chính mình. Mỗi sáng ta đều có thể bắt gặp nhiều người tập thể dục tại các công viên hay chạy bộ trên đường. Tuy vậy, số người mắc bệnh béo phì, kéo theo đó là hệ lụy khôn lường của bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường type 2 và đột quỵ cũng đang tăng. Đó đều là những căn bệnh liên quan đến lười vận động, đều liên quan đến thói quen ăn nhiều chất đạm và ít chất xơ, sử dụng đồ uống có cồn.
Số người bị bệnh liên quan béo phì ngày càng tăng lên nhanh chóng và có tính trẻ hóa độ tuổi ngày càng cao hơn. Ấy vậy mà hiện nay, có rất nhiều thanh niên béo phì đổ lỗi cho bản thân rằng đặc thù công việc rất bận, phải đi tiếp khách nhiều, di chuyển thường xuyên nên không có thời gian tập luyện thể dục. Kết quả là chỉ sau vài năm đã bị béo phì, rồi tiểu đường hoặc huyết áp thật đáng tiếc. Họ đã chấm dứt tương lai của bản thân một cách hết sức đáng tiếc.
Đưa ra ví dụ trên để tôi thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng, dù công việc có bận đến mấy, áp lực cuộc sống của chúng ta có lớn đến đâu thì cũng cần sắp xếp công việc một cách khoa học. Luôn dành một giờ đồng hồ để rèn luyện sức khỏe, ăn đủ chất (không thừa chất), tăng cường ăn chất sơ. Đặc biệt sáu tháng một lần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Có sức khỏe tốt thôi thì cũng chưa đủ. Mỗi chúng ta cần phải chuẩn bị tri thức cho bản thân để đáp ứng yêu cầu công việc và nâng cao giá trị văn hóa tinh thần.
Tôi có dịp gặp rất nhiều bạn thanh niên là sinh viên mới ra trường đi tìm việc tại một hội trợ việc làm tại Hà Nội. Các bạn ấy đều có sức trẻ, nhiệt huyết nhưng lại thiếu đi sự chuẩn bị tri thức cho công việc các bạn đó đang tìm. Tôi xin không đưa ra nhận định nguyên nhân mà chỉ đưa ra cái nhìn bản thân về sự chuẩn bị bản thân của các tân cử nhân. Có thể đưa ra ba cái nhìn như sau:
Thứ nhất, văn hóa đọc còn yếu và thiếu trong các bạn sinh viên Việt Nam của chúng ta. Học đại học đa phần là tự học. Tôi nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò của giảng viên trên giảng đường. Nhưng thực tế nếu các sinh viên không tận dụng thời gian trên thư viện để đọc tài liệu, học tài liệu và rút ra giá trị bản thân thì đó là một hành động không sáng suốt.
Đặc biệt, các sinh viên phải biết đọc tài liệu có trọng điểm liên quan đến ngành học của bản thân mình. Hơn nữa, cần chuẩn bị khả năng ngôn ngữ của bản thân với các ngôn ngữ phổ biến như: tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp. Rất tiếc ngôn ngữ còn yếu và các bạn sinh viên chưa tiếp cận được với tài liệu của nước ngoài. Khi chúng ta tiếp thu được tài liệu viết bằng ngôn ngữ nước ngoài, chúng ta có được một cái nhìn ở góc độ khác với chúng ta. Nó giúp cho chúng ta có cái nhìn đa chiều và sâu sắc.
>> Béo phì, tăng cân - gánh nặng tương lai người trẻ
Thứ hai, sinh viên cần có thực tế. Giáo dục đại học của chúng ta nặng về đại cương nhưng thiếu tính thực tiễn. Tuy vậy nếu các sinh viên chỉ trông chờ vào hệ thống thay đổi thì các bạn sinh viên đã tự đánh mất đi cơ hội của chính mình. Khi đất nước chúng ta mở của, có rât nhiều doanh nghiệp cần nhân công bán thời gian. Tại sao sinh viên chúng ta không xin đi làm theo hình thức bán thời gian hoặc theo thời vụ. Mục đích không phải là kiếm tiền, mà mục đích giúp cho các bạn sinh viên có một lăng kính thực tế khi đi làm cần phải có những gì? Chuẩn bị những gì?
Thứ ba, sinh viên cần đặt sự phát triển của bản thân vào xu thế phát triển của đất nước. Tuân thủ pháp luật, học và hiểu rõ luật pháp.
Khi tôi mới ra trường, tôi đã nghe theo tiếng gọi của đất nước lên vùng biên giới làm việc. Sau một thời gian dài được điều động từ miền núi phía Bắc, miền Trung, rồi Đông Nam Bộ cuối cùng tôi mới trở về Hà Nội làm việc.
Tôi thấy rằng mình thật may mắn vì nhờ đó mà kinh nghiệm sống, văn hóa tinh thần của tôi trở nên đa dạng vì tôi được học tập từ đồng bào, từ đồng nghiệp và từ khách hàng của mình. Đó là cơ hội cho tôi nắm rõ những kiến thức về pháp luật của nhà nước mà công dân cần biết. Từ luật dân sự, luật giao thông, luật tôn giáo... Tất thảy điều ấy giúp tôi thực hiện đúng vai trò của công dân với cả quyền và nghĩa vụ với đất nước, gia đình và bản thân.
>> Để cơ thể không 'gỉ sét' khi bước vào tuổi trung niên
Ấy vậy mà bây giờ, thử hỏi có bao nhiêu sinh viên có thể tìm được công việc ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo chịu về đó làm việc? Câu trả lời là có người về đó làm nhưng con số thì rất rất ít.
Yếu tố cuối cùng tôi xin đề cập đến là chúng ta phải có sự chuẩn bị về tài chính. Cuộc sống sẽ chỉ được đảm bảo khi chúng ta có được sự ổn định về tài chính. Muốn vậy, cần xây dựng kế hoạch tài chính cụ thể cho bản thân. Song song với yếu tố tiết kiệm, chúng ta cũng cần phải đầu tư để nguồn tài chính có thể sinh lời. Thâm căn trong chuẩn bị tài chính cho bản thân chính là công việc. Giá trị cốt lõi của công việc là sức khỏe và tri thức. Chỉ khi có công việc tốt, ổn định mới tạo ra giá trị tài chính vững bền.
Trần Việt Dũng
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.