Đầu Quý ba năm nay tôi tham gia một buổi workshop về đặt lại mục tiêu cho nửa cuối năm 2020. Tôi nhận được một thẻ bài kèm thông điệp "Cho và Nhận".
Chị hướng dẫn buổi học dặn dò chúng tôi: Khi các em bốc được lá bài đang cầm trên tay, nó là một cái duyên, hãy coi nó như bài học của chính bản thân trong khoảng thời gian sắp tới còn lại trong năm. Chúng ta hẹn gặp nhau vào đầu năm sau và cùng nhìn lại.
Tôi giấu lá bài trong ví cùng sự hoang mang vô ngần không hiểu mình sẽ học bài học này ra sao trong tương lai. Tôi vừa nộp đơn nghỉ việc tại công ty lúc bấy giờ, một công việc nhiều người vẫn nhận xét là "việc nhẹ - lương cao".
Tôi không quá bị áp lực khi đi làm, cả sếp và đồng nghiệp đều rất tốt bụng, văn phòng làm việc sạch đẹp và gần nhà tôi. Đây có thể gọi là "việc trong mơ" của cơ số người (tôi trộm nghĩ thế).
Ngay chính bố mẹ tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại cương quyết đòi nghỉ, chính bản thân tôi cũng thế, trong suốt hai tháng sau khi chính thức nghỉ việc. Tháng đầu tiên sau đó, tôi đi du lịch liên tiếp, hết với gia đình là với bạn thân - đứa bạn cũng nghỉ việc sau tôi chừng hai tuần.
>> Những người trẻ 'trầm cảm cười' vì chuẩn mực xã hội
Chúng tôi nương dựa vào nhau, động viên nhau rằng chúng tôi nghỉ là đúng rồi, mặc cho mọi người xung quanh đều nói "Hai con dở hơi, Covid hoành hành lại đùng đùng nghỉ việc".
Bố mẹ giục tôi đi tìm việc suốt do gia đình cũng gặp khó khăn đôi chút, có điều cái chính là bố mẹ không muốn nhìn thấy đứa con gái tới tuổi "cập kê" vẫn độc thân lại còn "vô công rỗi nghề" ở nhà mãi hai tháng. Họ lo chứ, tôi hiểu, tôi đã sửa lại CV (hồ sơ xin việc), đăng kí online trực tuyến bền bỉ trong nhiều ngày. Nhưng tuyệt nhiên không có ai hồi âm, thỉnh thoảng được vài ba cuộc gọi phỏng vấn, hoặc buổi phỏng vấn, tựu chung chỉ dừng lại ở đó, chúng đều không thành công.
Với một đứa cũng có kha khá kinh nghiệm chinh chiến như tôi, những email "xin cảm ơn" kia đã "giáng một cú đánh" đau điếng, tôi không hiểu nổi tại sao mình lại cứ trượt hoài trong khi trước đó, tôi dường như "bách phát bách trúng", làm gì, thi gì, đăng kí gì cũng đều đậu (hầu hết).
Chúng đã biến tôi từ một người cực kỳ bình tĩnh mỗi khi bước vào phòng thi, buổi phỏng vấn trở nên yếu đuối hơn, cứ sợ sệt mọi thứ và cực kỳ lo lắng, tâm trí không yên. Đỉnh điểm là khi bước vào buổi thi Nói một kì thi tiếng Anh, tôi ú ớ không nghĩ nổi câu trả lời Why? (Tại sao?) từ phía giám khảo, tôi lúc đó chỉ muốn đập bàn, chào giám khảo và xông ra ngoài. Chân tay lạnh toát, đổ đầy mồ hôi (có thể vắt ra nước được), đầu óc trống rỗng, tim đập liên hồi, thình thịch, mắt đảo láo liên, miệng liên tục chỉ biết phát ra "à, à" mà không thể nào nói ra được một câu hoàn chỉnh. Tôi không hề kém tiếng Anh (cũng đi nước ngoài rồi cơ).
Tôi quyết định bỏ lại mọi thứ ở quê nhà, Nam tiến cùng vốn liếng chỉ là một buổi hẹn phỏng vấn và chút tích góp lúc còn làm công việc cũ. Bố mẹ cứ nghĩ tôi chỉ vào phỏng vấn, làm một thời gian rồi lại ra, không hề hay biết rằng lúc đó tôi như muốn trốn chạy thực tại ở Hà Nội.
Vào TP HCM cùng một đầu óc trống rỗng, một trái tim loạn nhịp và một sự băn khoăn nhiều chưa từng có. Trước khi đi, bố hỏi tôi cần tiền không để bố gửi. Tôi chỉ xin bố hai triệu đồng rồi cứ liên tục trả lời "con ổn" khi đã ở trong này được một tuần.
>> Kết hôn ở tuổi 26 là tối ưu
Sự thực không như vậy. Tôi ở chung phòng với anh họ, một căn phòng nhỏ xíu, không cửa sổ, bí bách. Tôi biết ơn anh đã cho tôi ở cùng khi tôi chân ướt chân ráo vào Nam, thậm chí anh còn nhường giường cho tôi còn bản thân anh thì nằm đất.
Mỗi sáng sau khi anh đi làm, tôi đắm mình trong biển sâu suy nghĩ, phần lớn là tiêu cực, không nhìn thấy tia sáng cuối đường hầm, tâm trí tôi không lúc nào thôi nghĩ, trừ khi đi ăn đi cà phê cùng hai đứa em một hai buổi tối.
Tôi tự hỏi tôi đang làm gì ở đây, ngay lúc này, tôi sống vì điều gì, tôi sống để làm gì, mục đích sống của tôi là gì. Trong thế giới quá rộng lớn có quá nhiều người tài này, tôi sẽ phải làm gì để sống, để tiếp tục cuộc hành trình của mình? Thậm chí, có giây lát, tôi còn muốn tự kết thúc tất cả, bỏ lại hết mọi thứ. May thay, tôi không đủ can đảm mà đi order một cốc cà phê vị mắc-ca. Giờ nghĩ lại, tôi cảm ơn bản tính có phần hèn nhát đã cứu lấy tôi, bên cạnh thời tiết nắng tuyệt đẹp, không oi, và cả bác tài xế điện tử đôn hậu đã chở tôi đi ăn hủ tiếu mỳ hôm ấy.
Bình tĩnh lại, gặp em tôi vào lúc 8 giờ tối, hai đứa đèo nhau đi quanh thành phố, ăn bát bún bò dai nhoanh nhoách, gọi trà sữa và bánh ngọt chỉ 20 phút trước khi quán đóng cửa, tôi thấy cuộc sống này còn quá đẹp đẽ, còn quá sắc màu để cho con người ưa sự phiêu lưu mạo hiểm như tôi khám phá.
Tôi từng nhảy dù ở độ cao 15.000 feet ở Bắc Australia chỉ trước khi bay xuống phía nam nước này vài giờ đồng hồ. Dẫu cho bây giờ tôi vẫn chưa giải đáp hết được câu hỏi của bản thân ở trên, tôi chỉ biết cứ cố chấp sống đi rồi thời gian sẽ trả lời tất cả, còn sống là còn có cơ hội.
Vài ngày sau, bố nhắn tin hỏi tôi tình hình như thế nào, còn tiền không để bố gửi. Mẹ gọi điện bảo tôi đi mua một đôi giày thể thao "khỏe khoắn, cá tính, xịn xịn" đi, mẹ cho tiền. Tôi đi dạo quanh tính chỉ "window shopping" (ngắm chứ không mua) lại vơ vội vài ba món đồ đang được giảm giá nhân dịp Black Friday (ngày thứ Sáu đen tối).
>> Tám kỹ năng cần phải học trước tuổi 30
Tôi mượn xe máy đi một vòng Sài Gòn, trời mây gió thổi hiu hiu, cái nắng nhẹ chẳng gắt gỏng vỗ về lấy tâm hồn tôi, tâm trí tôi thông thoáng hơn, đời lại vẫn đẹp. Suốt bao nhiêu năm, tôi chưa hề mở miệng xin gia đình bố mẹ một cái gì đó hiện hữu, thậm chí vô hình như một không gian yên tĩnh riêng tư. Tôi đi học những nơi rẻ nhất, dùng những món đồ bình dân nhất hay mua ngoài chợ, dùng xe máy của mẹ, chưa từng đi du lịch bằng tiền của bố mẹ, kể cả chuyến du lịch một mình hơn hai tháng trải qua hơn 10 tỉnh thành phố Trung Quốc năm ngoái cũng dùng tiền túi của bản thân.
Ai hỏi gì cũng nói hai chữ "vẫn ổn", hoặc "vẫn trong tầm kiểm soát", trên thực tế không ít lần chẳng được như vậy. Tôi chưa từng dám "nhận", lại chỉ biết "cho". Tôi luôn dành thời gian cho gia đình, bạn bè mỗi khi họ hẹn, hay các em tôi cần tôi nhất (đó là trước mỗi kỳ thi của tụi nó, tôi không bao giờ đi chơi hoặc về quá khuya những dịp này).
Tôi luôn muốn dành cho bố mẹ và các em sự tự hào tuyệt đối về chính mình, rằng tôi là con người rất dũng cảm, rất biết kiểm soát tình hình, tự giải quyết được mọi vấn đề của bản thân.
Tôi chưa từng thổ lộ một lần nào mỗi khi tôi bế tắc nhất, hoang mang nhất, tuyệt vọng nhất. Rồi vũ trụ muôn màu buộc tôi phải biết đón nhận, phải biết mở lòng chia sẻ khó khăn để mọi người "được" giúp đỡ.
Bây giờ, tôi (dù muốn) cũng không thể bảo bố không cần tiền của bố đâu, không "xùy xùy" gạt tay "thôi" với lời đề nghị của mẹ. Thay vào đó, tôi cảm ơn mẹ và nhắn tin cho bố số tài khoản ngân hàng của mình. Khi viết những dòng này, tình hình vật chất vẫn không khá hơn là bao, chỉ có tâm trí tôi sáng hơn, thoáng đãng hơn mà thôi.
>>'Tuổi 30 không có nổi 300 triệu tiết kiệm là do tiêu hoang'
Bài học "cho và nhận" tới vào thời điểm này quá đỗi ý nghĩa với tôi, thật đúng lúc, đúng thời điểm. Tôi vẫn chưa lập gia đình, không học lúc này thì đợi tới lúc nào phù hợp hơn? Tôi hiểu một cá thể (là tôi) không thể sống mãi trong suy nghĩ tự thân, tách mình ra khỏi "đám đông" những người thân quen, tôi vẫn cần họ thật nhiều, không chỉ để trao đi "bản thân" mà còn để đón nhận những gì tốt đẹp nhất họ vẫn sẵn sàng dành cho tôi.
Tôi học được bài học "để đời", vẫn vững niềm tin nơi tôi sau quá nhiều lần định muốn kết thúc tất cả - đó quả là một suy nghĩ đen tối tiêu cực cần tránh xa cứ mỗi năm xuất hiện đôi ba lần. Tôi đã có thêm dũng khí đón nhận tiếp những thử thách, những cám dỗ, và cả những niềm vui, niềm hân hoan, những bài học bổ ích mà cuộc sống chúng ta sắp đem lại.
Cuộc chơi mới chỉ bắt đầu, người chiến thắng là người bền bỉ hơn, cứng đầu hơn, kiên cuờng và ngoan cố hơn. Còn tôi, sẽ chắc chắn quay trở lại buổi học vào đầu năm sau (hoặc giữa năm) để cùng các bạn nhìn lại tháng ngày vừa qua, kèm sự biết ơn tất thảy, lẽ dĩ nhiên cả chị hướng dẫn dễ thương.
Trang Hy
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.