Mấy hôm nay khi đọc những ý kiến liên quan tới phim truyền hình Việt, tôi không khỏi lắc đầu thở dài. Cho dù ít khi được xem phim Việt, tôi hoàn toàn cảm thông với nhưng ý kiến bày tỏ sự chán ngán. Đó là vì chuyện này nó xưa như trái đất. Từ lúc còn nhỏ và sống ở Việt Nam, tôi đã có những nhận xét tương tự.
Tôi vừa xem vài trích đoạn phim truyền hình được xem là hay ở Việt Nam. Ngoài chuyện kịch bản bị người ta chê thì vài trích đoạn đấy cũng làm tôi ức chế. Hai vị cha mẹ ngồi nói chuyện với nhau về đứa con, người cha làm nghề gì đó thuộc loại sản xuất nhỏ lẻ ở nhà nhưng lời nói văn vẻ còn hơn mấy câu cảm thán mà cô giáo môn Văn của tôi dạy hồi lớp 12.
>> Sáu thứ khiến phim truyền hình Việt ngán tận cổ
Cái sự chê thì ai cũng biết rồi. Tôi chỉ xin góp vài ý về việc phim truyền hình Mỹ làm như thế nào mà hút khách.
Dạo này tôi đang coi vài tập của phim truyền hình Station 19. Câu chuyện xoay quanh các lính cứu hỏa đóng ở đồn 19 trong thành phố Seattle. Tất nhiên là mọi thứ đều không phải chuyện có thật.
Khi dịch Covid-19 ập tới ngoài đời thực, các nhân vật trong phim cũng bị dịch bệnh làm ảnh hưởng theo. Cô đồn trưởng đang hẹn hò người tình đồng tính là bác sĩ. Cô bác sĩ này cách ly, phải ở trong bệnh viện làm việc không được về nhà. Họ gọi điện than thở về nỗi nhớ nhung.
Rồi một hôm cô bác sĩ "trốn trại" tới văn phòng người yêu để tâm tình. Những người ở trong đồn phát hiện và cô đồn trưởng bị khiển trách. Tuy vậy mọi người lại giấu kín chuyện cô bác sĩ vi phạm quy định vì họ muốn bảo về sự nghiệp của cô ấy. Chuyện đó tất nhiên ngoài đời cũng có thể có thật, người ta hay bao che cho nhau. Các nhà viết kịch bản Việt có thể e sợ là viết như vậy thì sẽ bị chê trách là làm hỏng hình tượng các bác sĩ ở trong tâm dịch.
Nếu như cần viết kịch bản xoay quanh các nhân vật ở một đồn cứu hỏa ở Việt Nam thì nên như thế nào? Để bám sát tình hình thực tế thì không có gì khó. Chỉ cần lướt qua mạng xã hội là đã có khối chuyện bi hài rồi.
Chẳng hạn như kể về những lần đi cứu hỏa thì có thể đưa câu chuyện căn nhà xây theo kiểu "chuồng cọp", lửa cháy người trong nhà không kịp thoát ra. Hàng xóm ở ngoài không phá cửa được để mà cứu. Khi xe cứu hỏa tới, lấy kìm cộng lực ra phá cửa thì quá muộn. Vậy là một câu chuyện đau thương lấy nước mắt đã diễn ra, rất thực tế mà không cần phải lên gân cho lắm.
Có thể là một anh lính cứu hỏa trong đồn ghét trẻ em. Anh ấy lấy vợ và đã nói rõ là không muốn có con. Tuy vậy vợ anh ấy vẫn "bẫy" chồng và đứa trẻ ra đời. Người chồng không chịu nỗi tiếng con khóc nên quyết dọn ra ngoài. Người vợ kể lể với nhà chồng nhà đẻ thì bị mắng là cố đấm ăn xôi nhưng xôi lại hỏng.
>> 'Xem phim Việt - mua bực vào người'
Các câu chuyện trên đều có thật ngoài đời. Chuyện cứu hỏa ở nhà bị khóa cửa thì xuất hiện trên tin tức ầm ầm. Còn chuyện sợ tiếng con nít khóc thì tôi mới "lượm" được trên mục tâm tình.
Vậy thôi, đâu cần mẹ chồng con dâu, đâu phải la ó, không cần khóc lóc mà vẫn bi thương. Không cần cù vào nách mà cũng phải buồn cười với cái chuyện vợ chồng anh chị.
Bản chất của phim truyền hình không phải là để kể một câu chuyện. Nó càng không phải đưa đi một thông điệp, một bài học. Phim truyền hình dài nhiều tập là để kể về cuộc sống. Mỗi tập phát sóng cũng giống như một quãng thời gian trong đời thực.
Đời sống không cần phát đi một thông điệp gì hết. Nó chỉ cần phác họa một vài câu chuyện có thực trong đời thường. Những câu chuyện được chọn tất nhiên không phải là những thứ ngày nào cũng diễn ra như nấu cơm, đi làm, quét nhà. Thay vào đó, những câu chuyện có thực sẽ được đưa vào chung một chỗ.
Đó là điểm "vô lý" duy nhất trong các bộ phim truyền hình nhiều tập. Chả có cái đồn cứu hỏa nào lại gặp phải cả đống chuyện kỳ quặc như vậy. Nhưng đó là cách duy nhất để khiến cho câu chuyện hấp dẫn.
Và cũng vì vậy mà các bộ phim truyền hình Mỹ thường hay chọn bối cảnh mà các "drama" dễ diễn ra, như là bệnh viện, đồn cảnh sát, đồn cứu hỏa, nhà tù, các công ty luật, văn phòng công tố, bộ ngoại giao... Hàng ngày, các nơi đó có thể diễn ra các chuyện kịch tính và lồng ghép vài chuyện kích tính riêng tư như là mâu thuẫn vợ chồng, cha mẹ bị nệnh nan y... cho các nhân vật ít trở nên gượng ép.
>> Lời thoại phim Việt: 'Giang hồ nói chuyện như nhà văn'
Đó là phần kịch bản. Kịch bản là linh hồn của các bộ phim. Diễn xuất và làm bối cảnh chỉ cần chịu khó làm cho giống thực tế một chút là chấp nhận được. Bác sĩ có xinh đẹp cũng chả sao nhưng không phải lúc nào cũng cần mặc áo blouse trắng. Lính cứu hỏa thì tha hồ mà đẹp trai, body chuẩn, nhưng phải chịu khó mặc đồ cứu hỏa, còn "ngày thường" thì không thể đi xe đẹp, ở nhà to, vì thực tế lương cứu hỏa sẽ không giàu như vậy.
Phim Việt thật ra chỉ mắc cái bệnh lên gân. Bám sát thực tiễn là biện pháp nhanh nhất để thay đổi. Để có nguyên liệu thì chả có đâu xa, chỉ cần thu thập chất liệu từ cuộc sống là được. Tôi ngồi ở "bên kia thế giới" mà còn nghĩ ra được kịch bản cho một tập phim Việt đó thôi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.