Cứ mỗi chiều, ở quê mẹ tôi và các bà hàng xóm lại rủ nhau xem phim, dĩ nhiên là lúc chưa có dịch. Hơn chục năm trước là làn sóng phim Đài Loan, bây giờ là phim Ấn Độ. Thật sự mà nói tôi rất ngán ngẩm với những bộ phim này.
Bộ nào bộ nấy dài lê thê, tivi chiếu hàng tháng trời, thậm chí cả năm cũng chưa thấy hết. Đó là những bộ phim truyền hình Đài Loan như Khi người ta yêu, Đời sống chợ đêm, Lưu Bá Ôn... phim Ấn thì có Cô dâu tám tuổi, Cuộc chiến của những vị thần...
>> Sáu thứ khiến phim truyền hình Việt ngán tận cổ
Tôi ngán ngẩm vì độ dài của nó. Nhưng có dịp xem cùng mẹ, tôi thấy các bộ phim này ăn đứt các bộ phim Việt hiện tại. Dù nó dài lê thê, nhưng cứ sau 10-15 tập thì lại có xuất hiện nhân vật mới, câu chuyện mới, tình tiết mới khiến người xem cuốn vào khó buông ra. Tôi có đùa với bạn rằng làm diễn viên ở Đài, Ấn sướng quá, một năm diễn một bộ phim và đủ tiền tiêu xài. Nhưng diễn xuất của họ là hoàn toàn tự nhiên. Tôi có cảm giác như họ là nhân vật là một. Cứ đứng trước ống kính là diễn như đời sống bình thường đang xảy ra vậy.
Những bộ phim này dù dài nhưng vẫn níu kéo người xem. Bằng chứng là mẹ tôi và hàng xóm cứ luyện hết bộ này sang bộ khác. Dĩ nhiên là nhà đài thấy rating (số đo lượng người xem) ổn nên mới nhập phim về liên tục.
Tôi có hỏi sao mẹ không xem phim Việt? Mẹ trả lời: Phim Việt xem chán, xem xong chỉ rước bực bội vào trong người. Ờ thì phim Việt chán thật. Những bộ phim truyền hình mấy năm gần đây nếu nổi là do mua kịch bản từ nước ngoài về rồi thêm thắt cho có phong vị của người Việt vào.
Nhưng đó lại là một phiên bản vụng về hơn kiểu "đầu voi đuôi chuột". Khoảng mười tập đầu làm chỉn chu, đúng theo tinh thần remake, khán giả thích thú, tạo hiệu ứng tích cực. Nhưng sau đó các tình tiết lại lê thê, kéo dài quá mức để rồi những tình tiết vô lý, không hợp logic gây ức chế cho người xem.
Trong khuôn khổ phim truyền hình, tôi thấy các nhà làm phim đang bế tắc. Bế tắc ở khâu kịch bản và diễn viên.
Đầu tiên, chúng ta đang thiếu chất liệu để làm nên những bộ phim hay. Trong quá khứ, những bộ phim như Đất Phương Nam, Con nhà nghèo, Sóng ở đáy sông, Đất và người... đều rất hấp dẫn người xem. Những bộ phim này đều dựa trên những tác phẩm văn học nổi tiếng. Một thau bột chất lượng đã làm nên những cái bánh thật ngon. Những phim này không hề tạo dựng drama để câu kéo người xem, nhưng vẫn đi vào lòng người, được nhiều thế hệ yêu thích và nhắc đến.
Sau đó là sự góp mặt của những diễn viên thật xứng tầm. Tôi ấn tượng mãi với nhân vật người cha trong phim Sóng ở đáy sông. Một con người thủ cựu, một người cha vô cảm trước bầy con của người vợ bé. Cụ cả Hàm, Chu Văn Quềnh trong phim Đất và người cũng làm tôi rất thích thú và ấn tượng về những con người với tính cách khác nhau trong cuộc sống.
>> Chất đàn ông biến mất trên màn ảnh Việt 20 năm
Còn bây giờ, bật những phim truyền hình lên là tôi thấy sợ. Tôi sợ những bà mẹ chồng cay nghiệt, chì chiết với con dâu, thậm chí xông vào phòng vợ chồng con trai ngay đêm tân hôn... Tôi chán những cảnh đánh ghen ầm ĩ, những cuộc tình tay ba, ly dị, ngoại tình... nối tiếp nhau. Diễn viên thì đơ đơ, mặt son mày phấn nhưng đóng vai cô lao công, người bán hàng ngoài đường. Những vai đàn ông không nhu nhược thì hám gái, sợ vợ. Biểu cảm của nhân vật cũng rất nghèo nàn. Phim nào cũng dựa vào biểu cảm trừng mắt, quát tháo ầm ĩ để biểu thị cho người xem rằng nhân vật đang rất tức giận...
Tôi đồng ý rằng đánh ghen, mẹ chồng- nàng dâu, ngoại tình, những bà mẹ cay nghiệt... có thể là những câu chuyện hấp dẫn. Nhưng người xem rất ngán ngẩm trước những câu chuyện giống từa tựa nhau, phim này qua phim khác. Hệt như ăn cơm trắng xong lại chuyển qua cơm rang, cơm chiên vậy.
Hoa Kim
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.