Đây là món ăn khá phổ biến ở khu chợ đêm Đà Lạt, các gian hàng tại đây bày biện hấp dẫn hơn chục món nướng khác nhau từ thịt lợn, hải sản, cánh, đùi gà, lòng lợn, lòng gà, xúc xích, bò cuốn lá lốt... Mỗi xiên nướng có giá từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng tùy loại. Thịt lợn nướng là món được nhiều du khách yêu thích.
Thịt nạc thái mỏng ướp gia vị với mè rang nướng chín trên than hồng tỏa mùi thơm hấp dẫn, thịt thấm vị, ăn kèm với đồ chua và rau răm rất ngon. Ảnh: Huỳnh Nhi
Bánh tráng nướng là món chưa bao giờ hết hot với du khách khi đến Đà Lạt, mỗi cái có giá từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng với đủ loại nhân như phô mai, xúc xích, chà bông... Ở Đà Lạt, các hàng bánh tráng nướng thường kê ghế thấp cho khách ngồi xung quanh. Khách có thể tận mắt thấy chủ quán quạt than, đập trứng gà, tráng bánh, thêm hành lá, ruốc khô, các loại nhân rồi ngồi đợi bánh chín.
Chiếc bánh nóng giòn ăn liền làm thực khách ngon miệng, vừa được cảm nhận hơi ấm lan tỏa từ bếp lò giữa trời đêm se lạnh. Ảnh: Huỳnh Nhi
5 địa chỉ bán bánh tráng nướng cho chiều lang thang Đà Lạt:
Cùng với bánh tráng nướng, các loại sữa nóng là thức uống dường như ngon hơn khi thưởng thức tại Đà Lạt. Đường Tăng Bạt Hổ nổi tiếng với những hàng sữa nóng luôn đông khách, phục vụ đủ loại như sữa đậu nành, sữa đậu xanh, sữa bắp, sữa mè đen, sữa đậu phộng, giá mỗi cốc lại rất phải chăng từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng. Thực khách có thể dùng thêm các loại bánh ngọt như su kem, bánh tiêu, bánh mì nướng với giá từ 5.000 đồng/cái. Ảnh: @tuyettrinh305/Instagram
Nếu muốn có một tối ấm bụng, thực khách có thể nghĩ đến món súp cua nóng hổi, thơm lừng giá từ 20.000 đồng/phần. Món ăn đơn giản kết hợp bột năng với nước hầm thơm ngọt từ xương ống và rau củ quả tươi Đà Lạt như bắp, nấm, cà rốt, thêm thịt ức gà, thịt cua và trứng cút. Chén súp có vị đậm đà, dậy mùi thơm từ ngò gai và ớt cay nồng rất được lòng thực khách. Ảnh: @nghiemthanh.hoanganh/Instagram
Thực khách có thể thưởng thức bánh mì xíu mại như một món nhẹ vào buổi tối. Xíu mại tại các hàng quán thường đựng trong chén nhỏ, chan đầy nước dùng đậm đà, thêm hành cọng, rau thơm và ngò rí lên trên, đôi khi sẽ có thêm da heo hoặc chả cây để món ăn đầy đặn hơn.
Bánh mì giòn ăn kèm với xíu mại được viên chắc thịt, nước dùng thơm nóng hổi, mỗi phần ăn từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng. Ảnh: @__hp.le/Instagram
Hai địa chỉ khác:
Lên xứ lạnh ăn món lạnh là trải nghiệm khá thú vị, nhất là khi thưởng thức các loại kem trái cây tươi, được chế biến từ nguyên liệu có sẵn tại Đà Lạt. Kem bơ được xem là món ăn không thể bỏ qua với thực khách hảo ngọt. Bơ được xay nhuyễn rất mịn và dẻo, có mùi thơm dịu, thêm một viên kem dừa lạnh béo ngậy lên trên, bạn có thể gọi thêm sầu riêng để tăng hương vị nếu thích. Ly kem được trộn đều trước khi ăn hoặc múc từng muỗng bơ rồi xắn thêm miếng kem lạnh nhâm nhi. Ảnh: @__hp.le/Instagram
Nếu Sài Gòn có món xoài lắc muối tôm làm rung động thực khách thì Đà Lạt có dâu tây lắc cũng hấp dẫn không kém. Dâu tây được hái tại các nhà vườn Đà Lạt, rửa sạch và chẻ đôi hoặc để nguyên trái, kết hợp với muối xí muội hạt to rồi trộn đều cho thấm gia vị. Quả dâu chua, xen lẫn vị ngọt và có mùi thơm dìu dịu, thêm vị mằn mặn của muối tạo cảm giác lạ miệng, bổ sung vitamin cho thực khách, giá mỗi ly từ 25.000 đồng. Ảnh: @luutkieuvy/Instagram
Quán ăn trên đường 3/4 là một trong những địa chỉ đầu tiên ở Đà Lạt phục vụ món lẩu gà lá é. Lúc mới mở, quán chỉ được người địa phương biết tới. Sau đó, nhờ món lạ miệng và thơm ngon, quán ăn thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi.
Quán chuyên một món lẩu gà ăn kèm lá é, vị thuốc nam chữa các bệnh như cảm mạo, ho do lạnh... Trong không khí se lạnh của phố núi, món ăn lại càng hấp dẫn. Một nồi lẩu gà lá é có giá trung bình 250.000 đồng bao gồm nửa con gà chặt sẵn, một đĩa bún tươi, một đĩa nấm, một đĩa rau lá é.
Nem nướng không quá nổi tiếng như bánh căn hay bánh mì xíu mại nhưng nhờ vị lạ miệng, dễ ăn, giá cả phải chăng, món này được lòng thực khách. Nằm trong khu quy hoạch Hoàng Văn Thụ là quán ăn có thâm niên gần chục năm.
Những miếng nem được nướng thơm, ăn cùng nước chấm có màu vàng, sền sệt được nấu từ nước hầm xương và tương hột xay. Thịt có vị béo, nước chấm có vị mặn ngọt hài hoà. Thêm vào đó, rau sống tươi sẽ giúp bạn không quá ngán nếu muốn ăn nhiều. Mỗi suất ăn có giá 45.000 đồng.
Quán nhỏ của cô Lan trên đường Nguyễn Công Trứ lý tưởng để bạn tạt qua thưởng thức trong lúc khám phá trung tâm Đà Lạt. Là món ăn khá quen thuộc, món bún riêu tại địa chỉ này được nhiều người yêu thích. Điểm nổi bật trong tô bún là miếng riêu cua to được nấu khéo, vị đậm đà. Suất ăn còn có vài miếng huyết và xương heo.
Cà chua chín có vị chua đặc trưng giúp món ăn thêm tròn vị, không bị ngấy. Khách có thể chọn tô bình thường giá 25.000 đồng hoặc tô đặc biệt đắt hơn 10.000 đồng. Suất ăn bưng ra luôn kèm theo một đĩa rau sống cắt nhỏ, tươi rói.
Một địa chỉ bún riêu khác là Bún riêu Dì Cảnh (đường Bà Triệu). Quán của bà Cảnh đã mở bán hơn 30 năm. Do ngoài 90 tuổi, bà chuyển giao quán cho con gái.
Nằm trong hẻm ít người qua lại, quán hầu như bán phục vụ cho dân địa phương và khách quen. Dù vậy, quán luôn đông đúc thực khách, mỗi ngày bán được khoảng 50 kg bún dù chỉ mở cửa từ 6h đến 10h. Xem chi tiết bài: Quán bún riêu 30 tuổi ở Đà Lạt.
Quán nằm ở mặt tiền đường Quang Trung trên ngọn đồi Dã Chiến. Địa danh này nằm trên tuyến đường đi từ trung tâm thành phố Đà Lạt xuống đồi chè Cầu Đất, Trại Mát nên người tới quán đa phần là khách du lịch.
Thực đơn ở đây phục vụ chủ yếu các món ăn từ thịt bò. Lẩu bò được nhiều khách ưng ý vì ngọt thanh, đậm đà. Bên trong nồi lẩu còn có vài loại nấm, ăn chung với bún tươi hoặc mì gói.
Bạn có thể gọi thêm các món nướng. Những miếng bò mềm được ướp kỹ rồi đem nướng trên bếp than hồng, tỏa mùi thơm nức mũi. Khách gọi các món nướng sẽ được phục vụ bếp, đồ gắp để tự tay nướng thịt.
Quán nhỏ nằm ở phía sau vườn hoa ở ấp Ánh Sáng. Ở Đà Lạt, sợi bún được dùng có độ to vừa phải, săn chắc. Đầu bếp khéo léo khi nêm gia vị vừa tay để cho ra tô bún có vị ngọt từ thịt quyện với hơi cay nhẹ nhàng của sa tế.
Tô bún có nước trong veo, thịt đầy đặn bên trên. Bạn có thể gọi thêm giò và rau trụng theo sở thích. Người thích ăn cay có thể cho thêm ớt. Giá mỗi suất ăn từ 30.000 đồng. Địa chỉ này cũng có bán mì Quảng và sữa chua phô mai.
Nếu như ở miền xuôi, món bánh ướt được ăn kèm với chả, nem hay bánh tôm thì trên cao nguyên này, món được biến tấu với thịt và lòng gà. Sự kết hợp giữa miếng bánh dẻo mềm với thịt gà thơm ngọt, vị dai dai của lòng gà khiến cho món ăn trở nên lạ miệng.
Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận trước vị dẻo thơm của bánh ướt, vị ngọt từ miếng thịt, lòng gà quyện trong vị nước mắm vừa phải, thêm chút cay của ớt lẫn mùi thơm nồng từ rau thơm. Ảnh: Phong Vinh.
Chính nhờ sự khéo léo và bản chất phóng khoáng của người dân ở đây mà món ăn trở nên đặc biệt dù cách chế biến không mấy kỳ công. Giá cho một phần dao động từ 35.000 đồng.
Bún thịt nướng mang phong cách núi rừng Tây Nguyên, có thành phần đa dạng, bài trí đẹp mắt trong ống tre lớn.
Quán bún tộ Măng Line trên đường Phù Đổng Thiên Vương, TP Đà Lạt là địa chỉ du khách thường lui tới để thưởng thức các món bún đựng trong tộ lúc nào cũng nóng hổi nghi ngút khói. Tại đây bạn có thể thưởng thức các loại bún khác nhau như bún bò, bún măng, bún thang, bún chả mực, bún riêu, bò kho... với giá từ 45.000 đồng đến 55.000 đồng/phần. Ảnh: @cattien.huynh/Instagram.
Sữa đậu nành nóng phổ biến ở Đà Lạt đến mức bạn có thể dễ dàng mua ở bất kỳ đâu, từ chợ đêm đến các quán cà phê.
Giống như các nơi khác, sữa đậu nành ở Đà Lạt cũng được chế biến theo cách rất bình dân và đơn giản. Những hạt đậu nành được ngâm, xay, sau đó lọc lấy nước và cho lên bếp đun sôi. Sữa đậu nành có giá rẻ, lại giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều năng lượng cho người dân xứ lạnh. Ảnh: @__hp.le/Instagram.
Xem chi tiết Sữa đậu bình dân ấm bụng đêm Đà Lạt
Bánh căn gốc bơ nằm cuối dốc Tăng Bạt Hổ, quán bánh căn chỉ bán duy nhất một loại nhân trứng suốt hơn 10 năm qua. Bánh căn ở quán được đổ trong khuôn và nướng trên bếp bằng đất nung. Bột đổ bánh là bột gạo, thêm trứng cút hoặc trứng vịt lên bên trên.
Quán mở vào sáng sớm đến xế trưa thì nghỉ, lịch bán có phần thất thường. Giá trung bình cho một suất 10 bánh có giá 30.000 đồng.
Tuy bún sứa nổi tiếng ở các tỉnh vùng biển nhưng đến Đạ Lạt, bạn vẫn có cơ hội thưởng thức với hương vị tương tự. Quán nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, chủ nhân là đôi vợ chồng người Đà Lạt.
Theo lời kể, sứa ở đây được lấy trực tiếp từ Quy Nhơn mỗi ngày nên vẫn đảm bảo được độ tươi ngon. Nước dùng là một trong những điều làm nên sự thành công của món ăn. Nước có vị mặn vừa đủ, ngọt từ cá và xương cá biển, mùi thơm của cà chua và chút cay của ớt.
Bà Tư có quê gốc ở Sài Gòn, lên Đà Lạt buôn bán hơn 60 năm nay nên nhiều người còn biết đến bà qua biệt danh "bà Tư xôi chè Sài Gòn". Hiện tại, bà bán ở góc đường Phan Bội Châu - Nguyễn Văn Trỗi với hai loại xôi mặn, ngọt và bánh da lợn.
Trong tiết trời lành lạnh vào buổi sớm, thưởng thức hộp xôi nóng hổi sẽ là một trong những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình khám phá ẩm thực phố núi.
Món ăn này mới xuất hiện và ‘"àm mưa làm gió" vài tháng ở Sài Gòn, nhưng góc bánh mỳ trước cổng trường Đoàn Thị Điểm (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Đà Lạt) đã có mặt từ 3 năm trước.
Chủ nhân của quán vỉa hè này là một chàng thanh niên Đà Lạt với mục đích ban đầu là bán cho các em học sinh, nhưng dần dần được nhiều người biết đến, nhất là khách du lịch. Bánh mì ở đây chỉ có chà bông, xúc xích, nước sốt mayonnaise và tương ớt nhưng vẫn thu hút đông thực khách ghé ăn.
Nằm ngay ngã 5 Đại Học, trên đường xuất phát đi Lang Biang, bún bò Công là địa chỉ ăn sáng nổi tiếng tại Đà Lạt. Tô bún đậm đà chỉ 35.000 đồng nhưng lớn và có đầy đủ thịt với giò.
Buổi sáng Đà Lạt còn mờ sương, gọi tô bún nghi ngút khói ra kèm ly đậu nành nóng hổi là bạn nạp đủ năng lượng để chuẩn bị leo đỉnh Lang Biang. Ảnh: tumblr.com
Món này rất nổi tiếng với người Đà Lạt. Thịt ốc bươu được nhồi chung với nạc heo, băm nhuyễn, thêm vài lát sả để khử mùi khiến cho bạn muốn ăn ngay khi nhìn thấy thố ốc thơm phức này.
Chính chủ quán cho biết, sở dĩ món này đặc biệt là nhờ vào chén nước chấm với công thức pha chế gia truyền của cụ chủ quán đời thứ nhất. Đôi khi bạn phải chờ 5 – 10 phút mới có chỗ trống. Giá mỗi phần vào khoảng 50.000 đồng. Ảnh: wn.com.vn
Đây là món ăn được nhiều bạn trẻ "truy tìm" khi đến Đà Lạt, được làm như sữa chua thông thường nhưng khéo léo cho thêm phô mai trong nguyên liệu. Sữa chua phô mai có vị béo, dẻo, chua chua, được bán ở số 48 đường Khe Sanh, với giá 7.000 đồng một hũ. Ảnh: diadiemanuong.com
Đà Lạt vào thu là dịp hồng ở các vườn ăn quả, quán cà phê đang vào độ chín mọng.
Nhân viên quán bê khay gà nướng, sử dụng đường trượt zipline dài 45 m đưa đồ tới bàn ăn cho khách.
Người dân biển xa quê lâu ngày hay khách du lịch đến Nha Trang nhất định phải tìm ăn món bún này.