Trong dịp kỷ niệm Ngày Các thành phố Thế giới 31/10, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay ký quyết định công nhận Đà Lạt và Hội An cùng 53 thành phố khác trên thế giới vào danh sách "Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO" (UCCN). Hội An là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thủ công - nghệ thuật dân gian còn Đà Lạt là thành phố sáng tạo âm nhạc.
Theo Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Văn hóa, Du lịch & Thể thao, hiện tại Việt Nam đã có ba thành phố sáng tạo được UNESCO công nhận. Năm 2019, Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế.
UCCN thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố có chung mục tiêu coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho phát triển đô thị bền vững. Mạng lưới hiện có 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo gồm Thiết kế, Văn học, Âm nhạc, Thủ công và Nghệ thuật dân gian, Ẩm thực, Điện ảnh và Nghệ thuật truyền thông.
Các Thành phố sáng tạo mới được UNESCO công nhận sẽ thực hiện những cam kết nêu trong hồ sơ gia nhập, cung cấp các biện pháp pháp lý cho những vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng.
Đà Lạt và Hội An nằm trong Đề án phát triển hệ thống các thành phố sáng tạo Việt Nam thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo lộ trình từ nay đến năm 2030, mỗi hai năm sẽ có tối đa hai thành phố Việt Nam xây dựng và nộp hồ sơ ứng cử gia nhập UCCN với mục tiêu có 4-6 thành phố được công nhận là Thành phố sáng tạo UNESCO.
Trả lời VnExpress, Chủ tịch TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết "rất vinh dự khi gia nhập mạng lưới nhưng có trách nhiệm nặng nề".
Theo ông Sơn, Hội An có thế mạnh về lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và văn nghệ dân gian. Với sự gia nhập này, Hội An có điều kiện thúc đẩy phát triển các lĩnh vực truyền thống như bảo tồn, phát huy các làng nghề mộc, gốm, tre, dừa nước Cẩm Thanh, đồng thời thúc đẩy các ngành thủ công nghệ như lồng đèn.
"Thông qua mạng lưới này Hội An học hỏi được các kinh nghiệm của thành phố đi trước, nhất là các thành phố tiên tiến trên thế giới, vì trong mạng lưới có gần 200 thành phố", ông Sơn. Nhiều nơi đi đầu trong lĩnh vực xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo, chuyển đổi số.
Ngoài những thuận lợi, Chủ tịch Hội An cho rằng khi gia nhập thì trách nhiệm cũng lớn, vì có những tiêu chí rất cao về môi trường, phát triển bền vững. "Những cái này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để thành phố phát triển bền vững", ông nói.
Ông Sơn cho hay khi được công nhận Hội An không đặt nặng việc phải thu hút lượng lớn khách du lịch ngay lập tức. Thành phố tham gia vì mục đích thiên về chất lượng phát triển, không phải chạy theo số lượng. Khi uy tín thành phố nâng cao, chất lượng tốt, du khách sẽ đến nhiều hơn, công ăn việc làm của người dân được cải thiện hơn.
Đối với Đà Lạt, trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc là một tin vui ý nghĩa trong bối cảnh năm 2023, thành phố kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển. Thành phố mong muốn bên cạnh du lịch, tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là âm nhạc sẽ đóng vai trò cốt lõi để thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển đô thị bền vững, gắn kết các nhóm xã hội, dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
"Các thành phố trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO đang đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận văn hóa và tăng cường sức mạnh của sáng tạo trong phát triển đô thị bền vững", Tổng giám đốc UNESCO Azoulay cho biết.
Phương Anh - Đắc Thành