Ngay từ khi còn là thượng nghị sĩ bang Delaware, ông Joe Biden đã tin rằng Tổng thống Vladimir Putin muốn khôi phục hào quang của nước Nga thời Liên Xô. Trong chiến dịch tranh cử, ông cũng nhiều lần nói rằng Tổng thống Nga không muốn thấy ông giành chiến thắng.
Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, ông Biden đã dựa vào cảm nhận cá nhân về Tổng thống Putin để định hướng cách ứng phó với Nga, theo bình luận viên Edward-Isaac Dovere của CNN.
Các quan chức Nhà Trắng cho rằng không giống như người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Biden đã cố tình né tránh những cuộc gặp mặt đối mặt với ông Putin, điều mà ông cho là Moskva mong muốn đạt được để thể hiện vị thế ngang hàng với Mỹ.
Thay vào đó, ông để cho các lãnh đạo phương Tây khác thảo luận với Tổng thống Nga. Khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, Tổng thống Mỹ không tham gia các nỗ lực ngoại giao trực tiếp với Nga, mà các đợt ngoại giao con thoi đều do lãnh đạo ở châu Âu tiến hành.
"Điều ông Putin muốn làm là gây sức ép với Kiev", nghị sĩ Dân chủ Greg Meeks, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói. "Còn điều Tổng thống Biden đang làm là để cả thế giới gây sức ép với ông Putin".
Một phần bài học mà ông Biden rút ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 là các thành viên NATO cần phản ứng nhanh hơn, gắn kết hơn thay vì phải mất nhiều tháng tranh luận nội bộ để đưa ra những lệnh trừng phạt yếu ớt. Tuy nhiên, quan chức Nhà Trắng cũng thừa nhận nếu ông Putin tiến quân vào Ukraine từ một năm trước, mọi thứ có thể diễn biến khác rất nhiều, sau 4 năm quan hệ Mỹ và NATO rạn nứt dưới thời cựu tổng thống Trump.
Ngay trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Biden từng đề cập tới cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. "Tổng thống Putin có một mục tiêu quan trọng là phá vỡ NATO, làm suy yếu liên minh phương Tây và làm suy giảm hơn nữa khả năng cạnh tranh của chúng ta ở Thái Bình Dương bằng cách hợp tác với Trung Quốc", ông Biden nói trong một cuộc phỏng vấn 2 năm trước. "Nhưng nó sẽ không xảy ra khi tôi nắm quyền".
Cuộc điện đàm gần đây nhất giữa hai tổng thống diễn ra vào ngày 12/2, hơn một tuần trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu. Sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, Mỹ đã định hướng, gây sức ép để các đồng minh, đối tác tung ra loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhắm vào Moskva, dù Tổng thống Biden gần như không ra mặt.
"Tổng thống Biden đã biết ông Putin nhiều thập kỷ và hiểu chính xác ông đang đối phó với ai", một quan chức chính quyền nói.
Điều đó thậm chí còn ảnh hưởng tới cách ông Biden nói chuyện với ông Putin trong các cuộc trao đổi giữa họ. Tổng thống Mỹ sẵn sàng ngắt lời bất cứ khi nào lãnh đạo Nga đưa ra những lập luận mà ông cho là không đúng trọng tâm.
"Không, đó không phải là điều chúng ta đang nói tới", một quan chức chính quyền thuật lại cách ông Biden ngắt lời ông Putin trong một cuộc trao đổi. "Hoặc 'Không, đó không phải là cách mọi thứ diễn ra cách đây 20-25 năm', khi Tổng thống Nga nêu ra những vấn đề trong quá khứ".
Theo quan chức này, chiến thuật đó của ông Biden khiến ông không bị chệch hướng bởi một đoạn khó hiểu trong thỏa thuận Minsk, hoặc bối rối vì một câu ai đó từng nói vào cuối những năm 1990. Sau đó, ông Biden sẽ tìm cách đưa cuộc trao đổi với Tổng thống Putin trở lại đúng hướng mà ông muốn.
Một trợ lý Nhà Trắng từng có mặt trong cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Phòng Tình huống ngày 10/2 cho biết cảm giác của Tổng thống Biden về ông Putin được thể hiện trong cách ông điều hành cuộc họp, trong đó Nhà Trắng đánh giá nguy cơ chiến dịch quân sự của Nga gần như chắc chắn sẽ diễn ra.
"Tổng thống Biden nói rõ rằng ông tin Tổng thống Nga sẽ tiến hành chiến dịch", trợ lý này nói. "Đánh giá đó được ông đưa ra từ kinh nghiệm của một người đã biết và hiểu về ông Putin".
Từ nhận định đó, Tổng thống Mỹ bắt đầu vạch ra chiến lược đối phó với một cuộc khủng hoảng sắp bùng phát thành xung đột. Ông hiểu rằng khó có thể giữ được mức độ đoàn kết hiện tại, cả trong nội bộ Mỹ và giữa các nước phương Tây, nếu tiếp tục cách làm như sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Khi đó, một số đảng viên Cộng hòa đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với Tổng thống Putin, chủ yếu vì ông đang đối đầu với tổng thống Barack Obama.
"Ông Putin muốn chia rẽ chúng ta. Chúng ta phải đoàn kết. Điều quan trọng là chúng ta cần gửi thông điệp cho cả thế giới", Nhà Trắng khi đó tuyên bố.
Để duy trì ủng hộ lưỡng đảng, Tổng thống Biden đã có cuộc trao đổi riêng với cả bốn người đứng đầu quốc hội vào tháng trước. Ông cũng khiến phái đoàn lưỡng đảng tham dự Hội nghị An ninh Munich ở Đức ngạc nhiên khi gọi điện cảm ơn sự ủng hộ của họ.
Trong cuộc gọi đó, Phó tổng thống Kamala Harris đã đưa điện thoại di động của bà vào sát micro để các nhà lập pháp có thể nghe thấy những gì ông Biden nói tại Phòng Bầu Dục.
Kết quả là phần lớn các thành viên đảng Cộng hòa, kể cả những người ủng hộ Trump, đều không tiếp tục công kích Biden mà tập trung vào nỗ lực ứng phó Nga, dù phe Dân chủ và Cộng hòa vẫn tồn tại nhiều bất đồng.
"Đây có thể là giai đoạn dễ chịu nhất trong nhiệm kỳ của Joe Biden, trở thành một tổng thống 'bán thời chiến'", Joel Payne, chiến lược gia đảng Dân chủ, nhận định. "Đây chính là Joe Biden theo đúng bản chất của ông ấy, một cựu ủy viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, xây dựng các mối quan hệ và đưa mọi người đoàn kết lại với nhau".
Thanh Tâm (Theo CNN, CNBC)