Trong cuộc họp hôm 18/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tập trung thảo luận về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, theo thông cáo được Nhà Trắng phát ra vài giờ sau đó. Tổng thống Biden đặc biệt "đề cập đến những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga" trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên, thông cáo ngắn gọn của Nhà Trắng không có chi tiết cụ thể nào về thông điệp của Tổng thống Biden và những hành động mà Mỹ có thể thực hiện nếu Trung Quốc thực sự hỗ trợ Nga. "Hiện tại, chúng tôi không chưa thể tiết lộ các chi tiết, chúng tôi đang thảo luận", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên chiều 18/3.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên am hiểu vấn đề, Tổng thống Biden "không đưa ra yêu cầu cụ thể nào cho Trung Quốc" mà chỉ "nêu lên những đánh giá của mình về tình hình và tác động của một số hành động nhất định".
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Ukraine chắc chắn không phải điều Bắc Kinh muốn thấy. "Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiếp tục đối thoại và đàm phán, tránh thương vong cho thường dân, ngăn khủng hoảng nhân đạo, chấm dứt chiến sự càng sớm càng tốt", Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập, thêm rằng Washington và NATO cũng cần duy trì liên lạc với Moskva để giải quyết các quan ngại an ninh của cả Nga lẫn Ukraine.
Mô tả cuộc trao đổi là "mang tính xây dựng", Bắc Kinh cho biết hai bên nhất trí "theo dõi kịp thời, có những hành động thiết thực, phấn đấu đưa quan hệ Trung - Mỹ trở lại con đường phát triển ổn định và nỗ lực giải quyết hợp lý cuộc khủng hoảng Ukraine".
Giới quan sát cho rằng sau gần hai giờ thảo luận, điều mà Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập đạt được là sự thống nhất trong thúc đẩy hòa bình và hỗ trợ nhân đạo trong xung đột Ukraine. Tuy nhiên, phần còn lại chỉ là màn thăm dò thái độ của nhau, khi Tổng thống Mỹ dường như không tạo ra được bất cứ thay đổi nào trong thái độ của Trung Quốc đối với vai trò của Nga.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại lập trường của ông Tập rằng chính Mỹ và châu Âu đã khiến Nga phải mở chiến dịch quân sự ở Ukraine sau khi NATO không ngừng mở rộng về phía đông. Các quan chức Trung Quốc và Mỹ đều không cho rằng Tổng thống Biden đã lay chuyển được quan điểm của Chủ tịch Tập trong vấn đề này.
Cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Tập diễn ra vài tháng sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 11 và là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo Mỹ - Trung kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trước cuộc điện đàm, giới phân tích nhận định đây cũng là cơ hội hiếm hoi để hai bên tìm hiểu ý định tương lai của đối phương liên quan tới cuộc khủng hoảng.
Các chuyên gia cho rằng động thái tiếp theo của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraine đang là vấn đề được quan tâm nhất lúc này.
"Đây thực sự là một cuộc gọi quan trọng và không phải nói quá khi cho rằng nó giống như một bước ngoặt tiềm tàng trong mối quan hệ song phương", Michael Hirson, chuyên gia cấp cao phụ trách về Trung Quốc tại Eurasia Group, nhận xét. "Đó là cơ hội thực sự tốt để Tổng thống Biden đề xuất với Chủ tịch Tập về việc hợp tác hoặc ít nhất không để những tính toán sai lầm xảy ra cho cả hai bên".
Nỗ lực cân bằng quan hệ với Nga và Mỹ cũng đặt ra thách thức lớn với ông Tập, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi Trung Quốc đang chuẩn bị cho đại hội đảng toàn quốc lần thứ 20 vào mùa thu này.
"Thay đổi tiến trình quan hệ Trung - Nga có lẽ là một thách thức chính trị đối với ông Tập trong thời điểm này", Evan Medeiros, chuyên gia về quan hệ Trung - Mỹ tại Đại học Georgetown, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đánh giá. "Ông Tập sẽ phải đối mặt với những lựa chọn rất khó khăn".
Nếu tiếp tục thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Nga, Trung Quốc có thể hứng chịu nhiều rủi ro từ các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây, tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp nước này. Nhưng quay lưng với Nga vào thời điểm này cũng không mang lại lợi ích chính trị cho Trung Quốc và ông Tập, theo Medeiros.
Lựa chọn thứ ba, tiếp tục duy trì quan điểm trung lập, sẽ trở nên khó khăn hơn khi Mỹ và các đồng minh phương Tây ngày càng tăng sức ép kêu gọi Trung Quốc thể hiện quan điểm rõ ràng.
Financial Times, có trụ sở ở London, hôm 13/3 đưa tin Nga đã yêu cầu Trung Quốc "cung cấp thiết bị và các loại hỗ trợ quân sự khác" cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhà Trắng lo ngại "Bắc Kinh có thể làm suy yếu các nỗ lực hỗ trợ Ukraine của phương Tây" nếu chấp thuận yêu cầu của Moskva.
Cả Trung Quốc và Nga đều đã bác bỏ thông tin trên. Tuy nhiên, Mỹ dường như vẫn lo ngại về khả năng trên. Theo CNN, một trong những mục tiêu lớn nhất của cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc vẫn là nhằm làm rõ vấn đề này.
Nhà Trắng nhấn mạnh rằng Tổng thống Biden không bao giờ tìm kiếm một lời đảm bảo trực tiếp từ Chủ tịch Tập rằng Trung Quốc sẽ không hỗ trợ Nga. Thay vào đó, Washington chỉ làm rõ những kịch bản và hậu quả mà Bắc Kinh có thể đối mặt nếu đưa ra lựa chọn này.
Theo giới quan sát, vẫn có khả năng Trung Quốc sẽ giúp Nga giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây thông qua hỗ trợ tài chính, mặc dù không chắc nước này có thể vô hiệu hóa hoàn toàn chúng.
Trước cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố "Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm" về bất kỳ hành động hỗ trợ nào đối với Nga và Mỹ "sẽ không ngần ngại áp đặt trừng phạt". Tổng thống Biden dường như cũng nhắc lại điều này khi thảo luận với ông Tập.
Các chuyên gia phương Tây nhận định ông Tập chắc chắn sẽ đặc biệt lưu ý đến những rủi ro kinh tế do các lệnh trừng phạt thứ cấp gây ra. Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu đạt mức 800 tỷ USD vào năm ngoái, trong khi với Nga chỉ chưa đầy 150 tỷ USD.
Ngay cả trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, các quan chức Mỹ vẫn thận trọng theo dõi mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hồi tháng 2, hai lãnh đạo tuyên bố tình hữu nghị Trung - Nga là "không có giới hạn" khi Tổng thống Putin tới thăm Bắc Kinh để hội đàm và dự lễ khai mạc Olympic Mùa đông. Theo thông báo từ Bắc Kinh, Trung Quốc ủng hộ những yêu của Nga đối với phương Tây, và cả hai bên "phản đối việc NATO tiếp tục mở rộng".
Nhưng mối quan hệ đó đã bị thử thách khi khủng hoảng Ukraine tăng nhiệt và bùng phát thành xung đột quân sự từ ngày 24/2. Phản ứng thay đổi của Bắc Kinh, từ chỗ phủ nhận xung đột sẽ xảy ra, đến nỗ lực né tránh những lời chỉ trích từ phương Tây bằng cách thể hiện rằng mình sẵn sàng tham gia hòa giải, cũng được Nhà Trắng giám sát chặt chẽ.
Các quan chức Mỹ đã nhìn thấy những tín hiệu trái chiều. Khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng với nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga, đây được coi là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang thể hiện thái độ thận trọng hơn với Moskva. Một quan chức hàng đầu của Trung Quốc hồi tháng trước đã nói rằng chủ quyền của Ukraine phải được tôn trọng.
Nhưng các dấu hiệu khác lại cho thấy lập trường hòa hoãn hơn của Bắc Kinh, khi các quan chức Mỹ nói rằng việc Trung Quốc không lên tiếng chỉ trích Nga cho thấy họ đang đứng ở phía nào.
Trong cuộc điện đàm với ông Biden, ông Tập đã sử dụng một câu nói quen thuộc của người Trung Quốc để mô tả căn nguyên cuộc khủng hoảng Ukraine. "Kẻ buộc chuông cho hổ sẽ phải cởi nó ra", ông nói.
"Câu nói này có nghĩa là ai gây ra vấn đề sẽ phải giải quyết nó", bình luận viên Christina Wilkie của CNBC nhận định. "Trong quan điểm của ông Tập, NATO chính là bên đã buộc chuông lên con hổ".
Vũ Hoàng (Theo CNN, SCMP)