Trong lúc tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Moskva cũng tổ chức nhiều vòng đàm phán với Kiev nhằm tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình. Các cuộc đàm phán này được tạo động lực đáng kể hôm 16/3, khi cả hai bên đều tuyên bố quá trình thảo luận đã đạt được những tiến bộ nhất định.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói người Nga đã "thực tế hơn", còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hai bên "gần thống nhất" các điều khoản có thể chấp nhận được về tình trạng trung lập trong tương lai của Ukraine.
Tuy nhiên, bất kỳ nền hòa bình lâu dài nào ở Ukraine cũng phải phụ thuộc vào việc thuyết phục Điện Kremlin rằng họ không thể đạt được chiến thắng bằng cách tiếp tục chiến dịch quân sự trên chiến trường, vốn đã kéo dài sang tuần thứ ba, theo các nhà phân tích. Đây được coi là cơ hội cho một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột, dù khe cửa này vô cùng hẹp.
"Cơ hội là có, nhưng tôi khá nghi ngờ rằng hai bên sẽ đạt được một giải pháp thương lượng trong các cuộc đàm phán đó", Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moskva, nhận xét. "Nga sẽ không chỉ tìm kiếm đòn bẩy cho các cuộc đàm phán về xung đột, mà còn tìm kiếm chiến thắng trên chiến trường".
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua tuyên bố "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Moskva đang diễn ra theo kế hoạch và Nga sẽ đạt được các mục tiêu của mình mà không phải nhượng bộ trước áp lực trừng phạt từ phương Tây.
Ông ví phương Tây với Đức Quốc xã khi tung ra "một cuộc đàn áp" kinh tế chống lại Nga nhằm "làm mất tinh thần xã hội của chúng ta, san phẳng chúng ta". Tổng thống Putin nhấn mạnh một chiến dịch thông tin chống Nga được phát động trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội phương Tây "có những điểm tương đồng với chiến dịch đàn áp người Do Thái của Đức Quốc xã vào những năm 1930".
Tuy nhiên, diễn biến thực tế trên chiến trường, khi lực lượng Nga chưa kiểm soát được thành phố lớn nào của Ukraine ngoài Kherson sau ba tuần tấn công, dường như là yếu tố khiến Nga giảm nhẹ lập trường đàm phán của mình.
Nỗ lực phản kháng của Ukraine tại các thành phố quan trọng như Kharkov và Kiev cùng những áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng được coi là lý do khiến Nga từ bỏ một số yêu cầu ban đầu, trong đó có "thay đổi chế độ" ở Kiev.
Tổng thống Zelensky ngày 16/3 cho biết trong một bài phát biểu được ghi hình rằng "tất cả các cuộc chiến đều kết thúc bằng những thỏa thuận... Như tôi đã nói, những quan điểm trong các cuộc đàm phán nghe có vẻ đã thực tế hơn".
"Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để đưa ra những quyết định có lợi cho Ukraine", ông cho hay.
Các yếu tố của thỏa thuận tiềm năng giữa Nga và Ukraine đã xuất hiện. Một bản thảo tài liệu được Financial Times công bố hôm qua chỉ ra rằng Nga sẽ muốn Ukraine ra một tuyên bố "trung lập" và tự hạn chế quy mô quân đội của mình. Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết dự thảo trên chỉ phản ánh các yêu cầu từ Nga, thêm rằng Ukraine muốn một lệnh ngừng bắn, Nga rút quân và những đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý.
Dù đang giành ưu thế ở miền nam Ukraine và từng bước khép vòng vây ở Kiev, Nga nhiều khả năng vẫn mong muốn một chiến dịch nhanh chóng và ít tốn kém hơn, giới chuyên gia đánh giá. Những tổn thất trên chiến trường có thể ảnh hưởng tới người ra quyết định cuối cùng ở Moskva rằng việc tạm dừng xung đột có thể mang đến lợi ích cho Nga, dù đây không phải giải pháp lâu dài.
"Về cơ bản, tương lai cho một thỏa thuận đều nằm trong tay Tổng thống Vladimir Putin", Sam Greene, giáo sư chính trị Nga kiêm giám đốc Viện Nga tại Đại học Hoàng gia London, bình luận. "Đây không phải câu hỏi về những gì Kiev có thể đưa ra và được Moskva chấp nhận. Vấn đề không nằm ở phương Tây có thể mang đến những gì, mà câu trả lời là ông Putin sẽ chấp nhận điều gì".
Được nâng cao tinh thần từ những thành công ban đầu trên chiến trường, Ukraine cũng tuyên bố họ sẽ không nhượng bộ trước các yêu cầu của Nga.
Theo Orysia Lutsevych, người đứng đầu Diễn đàn Ukraine thuộc Chương trình Nga và Âu - Á tại viện nghiên cứu Chatham House, Ukraine đang truyền đi thông điệp rằng "người Nga nên hiểu họ không thể đạt được những mục tiêu mà họ đặt ra và điều đó khiến chúng tôi lạc quan". "Vị thế của họ vẫn còn rất xa so với một thỏa thuận", ông nói thêm.
Một số câu hỏi như như tình trạng của bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào lãnh thổ hồi năm 2014 hay hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine có thể là những trở ngại trong các cuộc đàm phán tiếp theo. Các yêu cầu của Moskva, được lặp lại trong bài phát biểu hôm qua của Tổng thống Putin rằng Nga muốn "phi quân sự hóa" Ukraine, cũng đặt ra những thách thức nhất định.
Trong khi đó, Ukraine cũng sẽ muốn đạt được những cam kết an ninh vững chắc, có thể được đảm bảo từ phương Tây, vì lo ngại rằng Nga sẽ sử dụng lệnh ngừng bắn làm cái cớ để kéo dài thời gian nhằm củng cố lực lượng trước khi tiếp tục đợt tấn công mới.
Dù vậy, cánh cửa cho một thỏa thuận ở phía Ukraine vẫn hé mở, khi các lãnh đạo nước này nhận ra rằng mục tiêu bảo vệ nhà nước Ukraine và giữ được "càng nhiều lãnh thổ càng tốt" giờ đây quan trọng hơn hết thảy, theo Lutsevych.
Hiện tại, giới phân tích cho biết trong kịch bản lạc quan nhất, họ kỳ vọng các cuộc đàm phán có thể mang lại một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, hơn là bất kỳ quyết định rút quân lâu dài nào của Nga.
Khi một cuộc đàm phán giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin chưa được hai bên đi đến thống nhất, nhiều nhà phân tích lo ngại Nga có thể gia tăng các đợt tấn công trong thời gian trước mắt để tạo lợi thế lớn hơn trên bàn thương lượng. "Về mặt chiến lược, Ukraine hiểu rõ rằng họ vẫn đang ở trạng thái mong manh và thường xuyên đối mặt với nguy cơ tồn vong", chuyên gia Lutsevych nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Guardian)