Khi hàng loạt vaccine Covid-19 ra mắt, các nước lớn nhỏ nỗ lực tăng tốc chiến dịch tiêm chủng. Serbia khởi động chương trình ngày 19/1. Đến nay, nước này đứng thứ 8 toàn cầu, thứ ba châu Âu về tỷ lệ dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine. 20% người Serbia đã tiêm chủng đầy đủ, nhiều nhất châu Âu.
Cũng như những nước khác, Covid-19 phủ bóng nỗ lực trở lại cuộc sống bình thường của Serbia trong suốt một năm. Khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, số ca nhiễm hàng ngày là 1.500. Con số tăng lên hơn 5.000 vào tháng 3, phần vì tham vọng mở cửa nền kinh tế của đất nước. Trong khi hầu hết châu Âu thực hiện giãn cách vào mùa đông năm ngoái, các khu trượt tuyết ở Serbia đón lượng khách kỷ lục. Đêm 22/3, các nhà hàng và quán cà phê tiếp tục đông đúc.
Dù vậy, số ca nhiễm trung bình theo ngày giảm mạnh vào tháng 4, còn 2.500 nhờ có vaccine. Covid-19 vẫn còn là một đe dọa, song năng lực tiêm chủng ở Serbia cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác, phần đáng kể nhờ vào chiến lược mua từ mọi nguồn.
Thách thức chính đối với tất cả quốc gia đang phát triển hiện tại là đảm bảo đủ lượng vaccine. Những nước giàu có như Mỹ, Anh, Canada có lợi thế mua bán ngay từ đầu do đã đổ khoản tiền lớn vào công tác nghiên cứu, phát triển. Theo phân tích đăng tải trên tập san y khoa British Medical Journal (BMJ) tháng 11/2020, hơn một nửa trong số 7,48 tỷ liều vaccine thuộc về các nước thu nhập cao, dân số chiếm 14% thế giới.
Vì vậy, chiến lược của Serbia là tìm kiếm nguồn cung đa dạng dựa trên mối quan hệ thương mại và ngoại giao. Nước này ký được hợp đồng mua bán với 4 nhà sản xuất khác nhau: Pfizer-BioNTech (Mỹ-Đức), Sinopharm (Trung Quốc), Sputnik V (Nga) và Oxford-AstraZeneca (Anh).
Theo truyền thống, chính sách đối ngoại của Serbia được đặc trưng bởi sự cân bằng giữa phương Tây và phương Đông. Một mặt, nước này vẫn là ứng viên Liên minh châu Âu (EU), thực hiện các cam kết chiến lược để gia nhập EU. Khối là nhà đầu tư, là đối tác thương mại lớn nhất, có nhiều đóng góp trong hệ thống y tế Serbia. Serbia tham gia cả sáng kiến Covax - chương trình của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm đảm bảo công bằng tiêm chủng.
Tuy nhiên, khi số ca nhiễm nCoV ngày càng tăng, Covax không đưa ra thời gian phân phối vaccine rõ ràng, Serbia sử dụng quan hệ ngoại giao truyền thống với Nga và Trung Quốc để đảm bảo nguồn cung.
Tổng thống Aleksandar Vučić hồi tháng 1 tuyên bố: "Ngày nay, có được vũ khí hạt nhân còn dễ hơn vaccine Covid-19".
Kể từ đó đến nay, Serbia củng cố kho dự trữ bằng hàng chục nghìn liều Sputnik V của Nga, ký thỏa thuận sản xuất vaccine Sputnik V tại nước này từ ngày 20/5. Kế hoạch sẽ được chia làm nhiều giai đoạn và giai đoạn đầu tiên là vận chuyển các nguyên liệu sản xuất từ Nga, đóng gói và phân phối.
Serbia thậm chí đủ mạnh để bắt đầu thực hiện chính sách ngoại giao vaccine của riêng mình, cung cấp hàng nghìn liều cho các nước láng giềng như Bắc Macedonia, Montenegro hay Cộng hòa Srpska.
Giữa một thị trường cực kỳ khan hiếm, khi 130 nước vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng, Serbia nổi lên như "kẻ dẫn đầu" bằng cách tận dụng sự cạnh tranh địa chính trị. Chính phủ sẵn sàng giải quyết các rào cản pháp lý để tiếp cận hàng triệu liều vaccine một cách nhanh chóng.
Vuk Vuksanovic, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế London và Trung tâm Chính sách An ninh Belgrade, cho biết: "Mua sắm vaccine là biểu tượng cho chính sách đối ngoại của Serbia. Cân bằng giữa phương Tây và các nước không thuộc phương Tây như Nga và Trung Quốc, từ đó biết bạn hưởng lợi lớn hơn từ bên nào".
Serbia là nước châu Âu đầu tiên phê duyệt vaccine Sinopharm, nhận một triệu liều tại sân bay Belgrade vào ngày 16/1. Tháng 5, Trung Quốc phân phối thêm 1,5 triệu liều, hai triệu liều khác sẽ cập bến thời gian tới. Serbia cũng nhận gần 400.000 liều Sputnik V, lô hàng 100.000 liều mới nhất được giao ngày 23/3.
Thục Linh (Theo Conversation)