Hôm 29/5, nước này ghi nhận 4.182 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ ngày 1/4. Số ca mắc và nhập viện tăng 20% trong tuần qua, chủ yếu ở những người trẻ tuổi chưa tiêm đủ hai liều vaccine.
"Hơn một nửa, khả năng là đến ba phần tư bệnh nhân nhiễm biến chủng Ấn Độ", Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết.
Biến chủng lây lan đe doạ kế hoạch gỡ lệnh giãn cách xã hội trong tháng tới, cung cấp cái nhìn sơ bộ cho câu hỏi "Liệu tiêm chủng có đưa đất nước trở lại bình thường hay không?".
Thủ tướng Boris Johnson cho biết: "Rõ ràng vaccine đang có tác động lớn. Câu hỏi đặt ra là: Lớn đến đâu? Các loại vaccine hiệu quả thế nào?".
Các nước láng giềng Anh cũng bắt đầu lo ngại. Một số nước châu Âu, nơi có chương trình tiêm chủng chậm hơn, đã áp lệnh hạn chế với du khách Anh để ngăn ngừa biến thể xâm nhập. Pháp kể từ ngày 31/5 chỉ chấp nhận người nhập cảnh từ Anh vì các lý do thiết yếu. Đức yêu cầu người đến từ Anh cách ly hai tuần. Ngày 1/6, Áo bắt đầu cấm các chuyến bay thẳng từ Anh.
Các nhà khoa học Anh chưa biết chính xác biến chủng Ấn Độ lây lan nhanh hơn bao nhiêu so với trước đây. Dữ liệu cụ thể dự kiến được công bố trước 21/6, từ đó chính phủ sẽ quyết định có nên gỡ hoàn toàn phong tỏa hay không.
Nếu gỡ bỏ các hạn chế, người dân sẽ được phép tụ tập trong các quán bar, câu lạc bộ đêm. Điều này luôn dẫn tới các cụm dịch, theo Adam Finn, thành viên Ủy ban Tiêm chủng Anh. "Dấu hỏi lớn nhất là số ca nhiễm đó có gây ra đợt dịch mới nghiêm trọng hay không", ông nói. Sự có mặt của biến chủng Ấn Độ khiến tình hình mơ hồ hơn rất nhiều.
Các nhà khoa học Anh cho biết hai liều vaccine có hiệu quả chống biến thể. Nước này đã tiêm chủng cho phần lớn dân số một cách nhanh chóng. Chiến lược là tiêm liều đầu tiên cho càng nhiều người càng tốt. Đến nay, 74% dân số đã được tiêm một liều, 47% tiêm chủng đầy đủ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia có hai lý do để lo ngại về B.1.617.2. Đầu tiên, theo ước tính, biến chủng có thể lây truyền nhanh hơn 50% so với B.1.1.7, được phát hiện lần đầu ở Anh năm ngoái. Thứ hai, một liều vaccine ít hiệu quả ở B.1.617.2 hơn so với B.1.1.7.
Theo Tạp chí Y tế Công cộng Anh, tiêm một liều vaccine giúp giảm 33% nguy cơ nhiễm B.1.617.2, ở biến thể B.1.1.7 là 50%. Sau khi tiêm liều thứ hai, hiệu quả chống B.1.617.2 là 81%.
Chính phủ đang chạy đua để hoàn thành chương trình tiêm chủng ở những khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ quyết định giảm thời gian giữa các liều từ 12 tuần xuống còn 8 tuần nhằm bảo vệ được nhiều người nhất có thể.
Thục Linh (Theo WSJ, SCMP)