Số ca nhiễm mới trong hai tuần gần đây tại Singapore khoảng 19-38, thấp hơn so với khoảng 40-60 trường hợp được báo cáo vào đầu tháng 4/2020, dù nước này hiện đối mặt với các biến thể nCoV có tốc độ lây lan nhanh và mạnh.
Hiện, Singapore có khoảng 240 người phải viện, trong đó 18 trường hợp đang thở oxy và hai người cần chăm sóc đặc biệt. Trong lúc đó, một số điểm nóng dịch bệnh như Malaysia, Indonesia ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày, với số lượng người nhập viện đe dọa hệ thống y tế.
Tiến sĩ Asok Kurup, chủ nhiệm khoa Bệnh truyền nhiễm thuộc Học viện Y khoa, cho biết: "Ban đầu, tôi ủng hộ việc phong tỏa, nhưng các số liệu hàng ngày khá ổn định và cho thấy Covid-19 đang kiểm soát được".
Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH), nói: "Đường cong dịch bệnh khá bằng phẳng và quan trọng là các ca mắc không tăng theo cấp số nhân".
Theo ông Fisher, Singapore có thể yên tâm vì một phần ba dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Ông cho rằng đất nước đang "bắt đầu hưởng lợi", vì những người đã tiêm phòng, dù chỉ tiêm một liều, có ít khả năng lây truyền virus và mắc bệnh nặng hơn. Các bệnh viện không bị quá tải và có thể ứng phó với đại dịch. Tuy các biến thể đáng lo ngại có thể làm giảm tác dụng của vaccine mRNA, Fisher cho rằng mức giảm chỉ 5% - 10%, đồng nghĩa vaccine vẫn có hiệu quả.
Giáo sư Hsu Liyang, Trường Y tế Công cộng NUS Saw Swee Hock, nhận xét: Singapore đang ở vị thế tốt hơn so với năm 2020. "Chúng ta hiểu loại virus này hơn, biết cách hạn chế sự lây lan và có phương pháp điều trị được chứng minh qua thử nghiệm lâm sàng. Ta có vaccine an toàn và hiệu quả, cùng với khả năng đẩy mạnh xét nghiệm và củng cố cơ sở cách ly", ông nói.
Giáo sư Alex Cook, đồng nghiệp của ông Liyang, hoàn toàn đồng ý: "Các biện pháp kiểm soát dịch rất hiệu quả, ý thức chấp hành tốt, năng lực xét nghiệm cao, tốc độ tiêm chủng diễn ra nhanh chóng, biên giới cũng được bảo vệ tốt hơn". Theo ông, mối nguy chủ yếu đến từ "các biến thể dễ lây lan hơn", khiến các biện pháp an toàn "không hiệu quả như năm ngoái".
Ông Cook cho rằng vì mức độ miễn dịch của lao động nhập cư hiện cao hơn nhiều, Singapore có thể tránh được đợt bùng phát tại các khu trọ như năm ngoái. Covid-19 từng bùng phát rất nhanh tại những địa điểm này, với hơn 1.000 ca mỗi ngày vào giữa tháng 4/2020, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế.
Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài để cuộc sống trở lại bình thường. Các quốc gia trên thế giới hy vọng chương trình vaccine sẽ giúp họ đạt miễn dịch cộng đồng, từ đó khống chế dịch bệnh. Mục tiêu ban đầu là 50% dân số cần được tiêm phòng để đạt miễn dịch cộng đồng, song nay tăng lên 60% - 80%.
Cần lưu ý miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào một số yếu tố. Trong đó, phải kể đến tốc độ lây nhiễm (R0). Thời điểm đầu đại dịch, ước tính một người có thể truyền bệnh cho hai người. Nếu một nửa dân số miễn dịch, người bệnh có thể chỉ lây cho một người. Nói cách khác, đường cong dịch bệnh sẽ phẳng. Covid-19 lúc này chỉ xuất hiện như những cụm dịch nhỏ chứ không bùng phát thành làn sóng lớn, gây áp lực lên hệ thống y tế.
Tuy nhiên, các biến thể nCoV hiện lây lan nhanh hơn, với ước tính một người có thể lây cho 7-10 người khác, đồng nghĩa cần nhiều người có miễn dịch hơn. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ bằng cách đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine, các nước mới có cơ hội chiến thắng Covid-19.
Song ngay cả khi có miễn dịch cộng đồng, người dân vẫn sẽ mắc bệnh dù quy mô lúc này có thể không lớn. Theo giáo sư Ooi Eng Eong từ Trường Y Duke-NUS: "Covid-19 không biến mất hoàn toàn, nhưng số ca nhiễm sẽ không làm bệnh viện quá tải và nhiều người tử vong". Ông lạc quan vaccine sẽ khôi phục cuộc sống gần như trở lại bình thường như trước đại dịch.
"Ta cần phát triển hệ thống theo dõi Covid-19 kể cả khi người dân đã tiêm vaccine, nhằm chủ động đối phó với các biến thể có khả năng lẩn tránh miễn dịch", giáo sư Eong nhấn mạnh thêm.
Giáo sư Fisher đồng ý khi phần lớn người dân được tiêm phòng, Covid-19 có thể được coi là bệnh nhẹ. Điều này thậm chí có thể diễn ra vào cuối năm nay. "Vaccine giúp giảm sự lây lan và làm bệnh nhẹ hơn. Chúng ta có thể bỏ quy định cách ly với người nhập cảnh, nhưng điều đó yêu cầu độ phủ vaccine rất cao trong nước", ông cho hay. Ngoài ra, du khách đến từ vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao vẫn phải cách ly bắt buộc.
Theo tiến sĩ Kurup, mọi người chỉ có thể đi lại tự do khi phần lớn dân số toàn cầu được tiêm chủng, song điều này rất khó đạt do nguồn cung vaccine chênh lệch giữa các nước. Trong lúc đó, theo giáo sư Leo, người dân cần đặc biệt tuân thủ các nguyên tắc an toàn, đi khám khi bị ốm vì virus rất khó lường. Việc người dân chấp hành nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch vẫn là cách duy nhất để kiểm soát Covid-19.
Mai Dung (Theo Straits Times)