Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, trong 265 triệu liều được triển khai từ giữa tháng 12/2020 đến cuối tháng 4, có 31.500 trường hợp gặp tác dụng phụ, tương đương khoảng 12 ca trên 100.000 liều.
"Tỷ lệ gặp phản ứng phụ có hại sau khi tiêm vaccine Covid-19 thấp hơn mức trung bình của các vaccine khác vào năm 2019. Đánh giá hiện cho thấy phản ứng bất thường nghiêm trọng trên toàn cầu cực kỳ hiếm. Lợi ích của vaccine cao hơn nhiều so với rủi ro", CDC cho biết.
Theo CDC, phổ biến nhất là các phản ứng nhẹ bao gồm sốt trên 38,6 độ C và sưng tại chỗ tiêm, chiếm hơn 80%. Các trường hợp còn lại là "phản ứng bất thường" gồm phát ban dị ứng, sưng mặt và sốc phản vệ.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Y khoa Lancet hồi tháng 4 về tác dụng phụ của các loại vaccine Covid-19 trên 600.000 người, dưới 1/4 số người tiêm gặp các tác dụng phụ hệ thống như đau đầu, mệt, sốt, tiêu chảy, lạnh run, đau cơ, buồn nôn và hay gặp ở người tiêm vaccine AstraZeneca hơn Pfizer.
Cứ ba người tiêm thì có hai người có tác dụng phụ tại chỗ như đau tại nơi tiêm, sưng, ngứa, sưng hạch nách, tấy đỏ và thường gặp ở vaccine Pfizer hơn. Các tác dụng phụ hệ thống hay tại chỗ của vaccine Covid-19 đa phần chấm dứt sau một đến hai ngày.
Chứng đông máu và giảm tiểu cầu là một tác dụng phụ nghiêm trọng song hiếm gặp, có thể xảy ra trong vòng hai tuần sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Theo số liệu từ Anh, tỷ lệ đông máu kèm giảm tiểu cầu trong những người tiêm vaccine AstraZeneca là khoảng một trên 250.000 người tiêm. Số liệu từ Đức là một trên 100.000 người. Con số này thấp hơn nhiều tỷ lệ cục máu đông sau dùng thuốc tránh thai (một trên 1.000 người mỗi năm).
Chiến dịch tiêm chủng ở Trung Quốc khởi đầu chậm chạp do công chúng do dự chủng ngừa. Tuy nhiên, chương trình đã tăng tốc trong tháng 5, với gần 585 triệu liều được triển khai, tính đến ngày 27/5.
Trung Quốc sử dụng 7 loại vaccine nội địa, trong đó vaccine Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp trong tháng 5.
Báo cáo của CDC Trung Quốc đưa ra sau khi hãng Sinopharm công bố kết quả nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn ba trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, hôm 27/5. Theo đó, vaccine Covid-19 Sinopharm sản xuất ở cơ sở Bắc Kinh có hiệu quả 78,1% khi chống lại các ca nhiễm có triệu chứng và 73,5% với những ca không triệu chứng. Hơn 200 triệu liều vaccine Sinopharm đã được tiêm khắp thế giới.
Mai Dung (Theo SCMP, Lancet)