Bộ Quốc phòng Canada ngày 31/3 cho biết hộ vệ hạm HMCS Calgary đi qua vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 29-30/3, khi thực hiện hải trình từ Brunei qua Biển Đông. Đây là khu vực Trung Quốc chiếm giữ, bồi đắp và quân sự hóa trái phép một số đảo nhân tạo nhằm phục vụ cho yêu sách chủ quyền phi pháp, vốn bị các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế bác bỏ.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Canada Daniel Le Bouthillier cho biết tuyến đường qua Biển Đông là "phù hợp nhất" cho hộ vệ hạm Calgary. Một quan chức quốc phòng Canada cho biết phía Trung Quốc đã điều một chiến hạm bám đuôi hộ vệ hạm Calgary.
Chuyến đi của hộ vệ hạm Calgary diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc điều đội tàu hơn 200 chiếc tới neo đậu trái phép gần đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ hôm 7/3. Các tàu này trong nhiều ngày không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi, sau đó chúng tỏa đi các khu vực khác trong quần đảo Trường Sa.
Cộng đồng quốc tế đang gia tăng quan ngại trước trước sự hiện diện mà Philippines mô tả là "mang tính đe dọa" của đội tàu Trung Quốc. Nhiều nước, trong đó có Mỹ và Australia, bày tỏ lo ngại trước tình hình căng thẳng mới ở khu vực.
Trong cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", bà Hằng nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho hay các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam đang thực hiện nghĩa vụ được quy định trong các luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Chuyến đi của chiến hạm Calgary có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc, vốn xấu đi sau vụ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt tại sân bay Vancouver vào tháng 12/2018. Trung Quốc sau đó bắt hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor, động thái được cho nhằm trả đũa vụ bắt Mạnh Vãn Chu.
Đây không phải lần đầu tiên Canada điều tàu chiến tới hoạt động ở Biển Đông, nhưng giới chức nước này thường phủ nhận các chuyến đi như vậy là nhằm phát đi bất cứ thông điệp nào. Tuy nhiên, các tài liệu nội bộ được tờ Canadian Press tiết lộ năm ngoái cho thấy hoạt động triển khai tàu chiến tới Biển Đông thường được thảo luận ở cấp cao nhất trong chính phủ Canada trước khi được phê chuẩn.
Canada năm ngoái cho hộ vệ hạm HMCS Ottawa đi qua eo biển Đài Loan nhằm "thể hiện ủng hộ với các đối tác và đồng minh thân cận nhất, an ninh khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp".
Các quan chức quốc phòng Canada được yêu cầu giữ kín về chuyến đi của hộ vệ hạm Ottawa hồi tháng 9/2019, sau khi ba tiêm kích Trung Quốc áp sát hai chiến hạm Canada khác quá cảnh eo biển Đài Loan.
Hộ vệ hạm Calgary và Ottawa thuộc lớp Halifax với lượng giãn nước 4.770 tấn, dài 134 m và có thể đạt tốc độ tối đa 54 km/h. Chiến hạm được trang bị 8 tên lửa diệt hạm Harpoon, 16 tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 ESSM, một tổ hợp phòng thủ tầm cực gần Phalanx Block 1B, một pháo hải quân 57 mm, 24 ngư lôi Mk. 46 323 mm và một trực thăng CH-148.
Nguyễn Tiến (Theo Canadian Press)