Cảnh sát biển Philippines cho biết khoảng 200 tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc chủ quyền Việt Nam từ hôm 7/3 và bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt, dù thời tiết thuận lợi. Philippines cho biết lực lượng này do dân quân biển Trung Quốc điều khiển và đã yêu cầu Trung Quốc rút đội tàu, nhưng Bắc Kinh từ chối với lý do các tàu đang neo đậu để tránh thời tiết xấu.
Trong cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế, thêm rằng các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam đang thực hiện nghĩa vụ được quy định trong các luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
"Tôi nghĩ sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc tại bãi đá ngầm trên Biển Đông là thông điệp của Bắc Kinh nhằm nhấn mạnh những yêu sách chủ quyền của họ trong khu vực, thông qua sự hiện diện của đội tàu hơn 200 chiếc. Đây là hành động mang tính khiêu khích, nhất là trong bối cảnh đang có nhiều vấn đề liên quan đến 'dân quân biển' của Trung Quốc", Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên ngành luật quốc tế tại Đại học Indonesia, chia sẻ với VnExpress.
Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng đội tàu không chỉ làm nhiệm vụ đánh cá mà còn đặt ra thách thức với các nước trong khu vực. "Trung Quốc không che giấu nỗ lực cải thiện lực lượng dân quân biển, đặc biệt là khả năng khai thác hải sản và chiến đấu. Có khả năng đội tàu này được triển khai nhằm thử phản ứng của các nước trong khu vực, cũng như Mỹ", ông nhận định.
"Những gì đang diễn ra ở bãi đá ngầm này cho thấy cách tiếp cận được Trung Quốc áp dụng nhiều lần nhằm âm mưu làm xói mòn chủ quyền của các nước láng giềng, cũng như trật tự và luật pháp quốc tế trên Biển Đông, đó là triển khai hoạt động với quy mô vượt xa khả năng của những quốc gia lân cận", Andrew Erickson, phó giáo sư thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, nêu quan điểm.
Hình ảnh do cảnh sát biển Philippines công bố cho thấy đội tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm hiện nay có vẻ ngoài và phương thức hoạt động tương tự lực lượng 84 tàu vỏ thép được đóng cho cái gọi là "dân quân biển Tam Sa". Lực lượng này từng triển khai thường trực đến những đảo nhân tạo được Trung Quốc cải tạo trái phép trên Biển Đông.
Dân quân biển là lực lượng bán quân sự trực thuộc chính quyền các tỉnh ven biển Trung Quốc, ban đầu được thành lập với mục đích cứu hộ cứu nạn. Những năm gần đây, lực lượng này đã phát triển khá tinh vi và được nâng cao vai trò, chuyên thực hiện các nhiệm vụ từ vận tải đến thu thập thông tin tình báo và thực thi tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu kêu gọi chú ý đến lực lượng dân quân biển trong báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2017. Theo đó, Bắc Kinh đang sử dụng hạm đội tàu cá thương mại để thực hiện chiến lược xâm lấn "vùng xám", thực thi yêu sách chủ quyền và thúc đẩy lợi ích theo hướng có tính toán ở dưới ngưỡng khơi mào xung đột quân sự.
"Chúng được vận hành bởi thủy thủ đoàn chuyên nghiệp tuyển mộ từ quân đội Trung Quốc và không chú trọng đến hoạt động đánh bắt hải sản, mà tập trung vào gây hấn để thực thi yêu sách của Bắc Kinh. Những con tàu là vũ khí chính trong chiến lược vùng xám của Trung Quốc trong khu vực", Erickson nói.
Đội tàu dân quân biển Trung Quốc có kích thước lớn và khung thân vững chắc hơn nhiều so với tàu cá thông thường, cho phép chúng uy hiếp hay thậm chí là đâm húc tàu cá những nước lân cận tại Biển Đông. Khi đối đầu với hải quân Mỹ hoặc các cường quốc quân sự, chúng lại trở thành "vũ khí của kẻ yếu", buộc các tàu chiến đối phương phải xem xét phương án hành động.
"Vỏ bọc dân sự của đội tàu sẽ phục vụ rất tốt mục đích tuyên truyền", Erickson nói thêm và nhận định sự xuất hiện của hơn 200 tàu là quá nhiều với hoạt động giám sát thông thường, cho thấy đây là tín hiệu thể hiện cách tiếp cận bằng sức mạnh và số lượng để chèn ép láng giềng của Bắc Kinh.
Peter Dutton, cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng triển khai lượng lớn tàu cá đến bãi đá ngầm trên Biển Đông nằm trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc gần đây.
"Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm cạnh tranh với Mỹ trong lúc diễn ra hội đàm tại Alaska. Họ xét xử hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Movrig, sau đó triển khai tàu tại bãi đá ngầm trên Biển Đông. Những hành động này nhằm phát thông điệp đến cả Đông Nam Á, Australia và nhiều nơi khác rằng Trung Quốc sẵn sàng dùng sức mạnh để đạt được những gì họ muốn", Dutton nói.
Giới chuyên gia cảnh báo lực lượng dân quân biển Trung Quốc có thể phục vụ hoạt động mở rộng kiểm soát, thực thi các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông nếu không gặp cản trở, tương tự hành động tại bãi cạn Scarborough hồi năm 2012. Tuy nhiên, họ cũng đề cao kiềm chế và tránh sử dụng vũ lực trên Biển Đông.
"Điều quan trọng là tất cả các bên cần ngăn chặn nguy cơ leo thang làm bùng phát chiến tranh trong khu vực", chuyên gia Aristyo Rizka Darmawan nêu quan điểm.
Vũ Anh