Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto trong cuộc họp hôm 28/3 nhất trí hai nước sẽ gửi thông điệp "phản đối mạnh mẽ" các động thái của Trung Quốc có thể làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông, thông cáo cùng ngày cho biết.
Bộ trưởng Nobuo cho biết "thông điệp phản đối mạnh mẽ" bao gồm thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Indonesia cùng một cuộc diễn tập chung của quân đội hai nước ở Biển Đông, song chưa công bố thời gian và địa điểm cụ thể.
Thông tin được công bố trong bối cảnh đội tàu hơn 200 chiếc của Trung Quốc neo đậu tại một bãi đá ở khu vực phía nam Biển Đông từ hôm 7/3. Trung Quốc biện hộ rằng đội tàu của nước này là các tàu cá đang "trú tránh thời tiết xấu" tại khu vực.
Tuy nhiên, cảnh sát biển Philippines cho biết nhóm tàu này do dân quân biển Trung Quốc điều khiển, neo đậu tại khu vực suốt nhiều ngày mà không hề đánh bắt, dù thời tiết thuận lợi. Philippines sau đó điều chiến hạm, tàu cảnh sát biển và máy bay quân sự ra tuần tra khu vực để giám sát các tàu Trung Quốc.
Cộng đồng quốc tế đang gia tăng quan ngại trước trước sự hiện diện mà Philippines mô tả là "mang tính đe dọa" của đội tàu Trung Quốc. Nhiều nước, trong đó có Mỹ và Australia, đã bày tỏ lo ngại trước tình hình căng thẳng mới ở khu vực.
Trong cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", bà Hằng nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho hay các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam đang thực hiện nghĩa vụ được quy định trong các luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông, bồi đắp và cải tạo trái phép các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, sau đó xây dựng các công trình quân sự và điều khí tài tới đây.
Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng trong khu vực, với lượng hàng hóa trị giá ít nhất 3.400 tỷ USD đi qua mỗi năm. Nhật Bản không tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, song nước này phụ thuộc nhiều vào tuyến vận tải biển đi qua khu vực và đang có tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc tại biển Hoa Đông.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)