Tôi không nhớ ngày xưa đi học lớp 1 thế nào, nhưng chắc chắn không phải như con tôi đang học. Tôi nhớ là chỉ học buổi sáng thôi, buổi chiều về cắt cỏ, cắt bèo, quét sân, nấu cơm.
Ăn cơm xong cất dọn là phải nhanh không tụi đầu ngõ lại gọi ời ời. Đi chơi chán đến khi nghe tiếng mẹ vang lên là đứa nào về nhà nấy. Tôi không biết áp lực học hành là gì cho đến khi học cấp 3.
Con tôi bây giờ, học hai buổi ở trường, về nhà làm bài tập từ chiều, ăn cơm tắm rửa xong, lại tiếp tục học đến 10 giờ đêm. Mà bài tập khó lắm, chắc chắn con không thể tự học được. Tôi là phụ huynh mà còn xây xẩm mặt mày. Thứ bảy, chủ nhật còn lại phải học thêm tiếp ở nhà cô, không thì lại không theo kịp các bạn, cô áp lực, trò áp lực.
>> Sự bất lực từ cải cách sách giáo khoa
Tôi mua cho con hai chiếc bút chì, sau một tuần tôi đã mua luôn cả một hộp dùng dần. Nhìn đống vỏ gỗ từ những chiếc bút chì của con, làm tôi bần thần. Ngày nào cô cũng có phàn nàn, bạn này viết xấu, bạn kia đọc chậm, mà các môn khác, nào là đạo đức, kể chuyện, hoạt động trải nghiệm, tôi thấy con tôi không có chút ấn tượng gì.
Không thấy cô nào chê cháu kể chuyện chưa hay, tập thể dục còn chậm hay chưa hòa đồng. Mà các kỹ năng đó, lâu dần sẽ là cả một hành trang cho các con bước vào đời: kỹ năng nói và trình bày trước đám đông, kỹ năng rèn luyện thể chất cân bằng cuộc sống hay kỹ năng giao tiếp.
Tôi không biết học viết cho thật đẹp, cho nắn nót từng li từng chút để làm gì khi máy tính đã làm thay tất cả những việc đó. Có thể các con sẽ học được đức tính cần cù tỉ mỉ, nhưng liệu có quá không, khi tất cả mọi người coi đó là chuẩn mực của một học trò giỏi.
>> Học sinh Nhật được phát sách giáo khoa miễn phí
Hai mươi năm nữa, khi con tôi bắt đầu bước vào cuộc sống, chắc cái bút là thứ lỗi thời. Bây giờ đến hợp đồng cũng là chữ ký điện tử rồi. Tờ hóa đơn giá trị gia tăng trước kia phải nắn nót viết từng chữ, dấu chấm, dấu phẩy, giờ đã là hóa đơn điện tử rồi. Người ta còn không cần đến cái bút để ký.
Trong một thời đại biến đổi không ngừng như hiện nay, khi máy móc gần như làm thay con người tất thảy, tôi không nghĩ rằng giáo dục lại đang có những bước lùi như vậy. Thay vì một chương trình giảm tải lý thuyết, hàn lâm như hứa hẹn, mà lại là một chương trình khó và nặng nhiều hơn.
Chương trình lớp 1 hiện nay là không thể áp dụng nếu học sinh không đi học trước ít nhất là nửa năm. Giờ đây muốn con thành người, người ta bảo phải học trường tư, quốc tế, nơi mà cập nhật xu thế đào tạo, các con được phát triển toàn diện. Các trường tư người ta đua nhau tuyển các cô giáo giỏi trường công với lương gấp 3, 4, 5 lần.
Tôi thấy tiếc vì ngôi trường của con tôi vừa được đầu tư mấy chục tỷ để xây lại. Nhưng những gì tôi nhận lại, tôi thấy thật hoang mang lo lắng. Tôi nghĩ vấn đề không phải là tiền, không phải là nguồn lực, tôi nghĩ có một vấn đề rất đáng lo lắng trong chính sách và đường hướng của nền giáo dục.
Không phải những ngôi trường to đẹp khang trang là đang thể hiện sự khỏe mạnh của nền giáo dục. Chúng ta hãy nhìn vào khuôn mặt của những đứa trẻ đến lớp, trong lớp và rời trường. Cái chúng ta cần như ai đó đã nói "là một cuộc cải cách thật sự".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Thu Huyen