Chia sẻ xung quanh Thông tư 27 về đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới, độc giả Nguyen Tra My bày tỏ:
Việc khen thưởng cần thực hiện nghiêm túc, giấy khen của hiệu trưởng phải trao cho những học sinh thực sự xuất sắc. Tránh việc trao thưởng kiểu "cơn mưa" giấy khen, lớp 50 học sinh thì có tới 49 em được nhận giấy khen như từ trước đến nay.
Có hai hình thức khen thưởng là: giấy khen của hiệu trưởng và thư khen của giáo viên. Tất nhiên, học sinh nào cũng thích được khen và nhờ đó sẽ có thêm động lực cố gắng học tập. Nhưng với những em chưa thực sự có thành tích xuất sắc, chỉ nên nhận được thư khen của giáo viên. Đây là hình thức đánh giá mang dấu ấn cá nhân, dành riêng cho từng ưu điểm của mỗi học sinh. Nhờ vậy, các em sẽ cảm thấy thích thú hơn là những tờ giấy khen giống nhau như đúc mà bạn nào cũng giống bạn nào, theo kiểu "đồng phục".
Còn những học sinh thực sự xuất sắc, phải được công nhận bởi tập thể và xứng đáng nhận giấy khen của hiệu trưởng. Việc đánh giá nghiêm túc thành tích học tập này không chỉ nhằm khích lệ tinh thần học sinh mà còn giúp các bậc phụ huynh biết được sức học của con em mình đang ở mức nào, từ đó sẽ có kế hoạch hỗ trợ phù hợp, giúp con cải thiện thành tích.
Hiện nay, có nhiều bé kỳ nào, năm nào cũng nhận giấy khen học sinh giỏi, tiên tiến có chữ ký của hiệu trưởng. Việc này vô tình khiến các bậc cha mẹ tưởng rằng con họ học giỏi, nhưng thực chất chỉ là học vẹt, các em bị hổng kiến thức mà không được kịp thời bổ sung, vẫn lên lớp đều khiến việc học ngày càng đuối hơn.
>> 'Quá nhiều học sinh tiên tiến'
Nói rõ hơn về chuyện học vẹt, các học sinh lớp một, hai có thể chấp nhận hình thức này do các em chỉ đang mới bắt đầu hình thành tư duy. Nhưng khi học đến lớp ba, bốn, học sinh không được phép học vẹt nữa. Những kiến thức cơ bản, thuộc về bản chất như phép nhân, phép chia, phân số... các em cần phải hiểu tường tận, thực chất vì sẽ còn phải sử dụng nhiều khi lên các lớp trên. Nhiều em có thể làm phép nhân, chia nhoay nhoáy, tính toán không sai câu nào, bài tập trong sách cũng làm đâu đúng đó, nhưng nếu bạn chỉ cần hỏi con "tại sao lại làm như vậy mà không làm theo cách khác?", chắc chắn chúng sẽ ngơ ra không trả lời được. Hoặc nếu bạn đưa ra một bài toán ứng dụng rồi hỏi con dùng phép nhân hay phép chia để giải là con sẽ bối rối liền.
Nguyên nhân của tình trạng trên là bởi dạy và học vẹt theo sách giáo khoa, trong khi sĩ số lợp học lại quá đông nên giáo viên không thể đảm bảo 100% học sinh đều hiểu tường tận bản chất của kiến thức. Do đó, mỗi phụ huynh cần liên tục quan sát con để phát hiện ra những lỗ hổng kiến thức và kịp thời bổ sung cho con. Đừng quá ỷ lại vào tờ giấy khen mà cho rằng con mình đã giỏi.
Hình thức "thư khen" của giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn nên được sử dụng thường xuyên hàng tuần, hàng tháng để kịp thời khuyến khích các em cố gắng học tập. Một số loại thư khen có tác dụng tích cực có thể kể ra như "học sinh tiêu biểu của tháng", "học sinh thực hiện tốt nội quy lớp học", "học sinh tích cực hoạt động bảo vệ môi trường"... Khi được tuyên dương, động viên ngay lập tức ở lớp học, các bé sẽ cảm nhận rõ hơn giá trị hành động của mình để tăng thêm động lực phấn đấu hoặc nhận ra những hạn chế của bản thân để chú ý điều chỉnh lại sao cho xứng đáng nhất với lời khen thưởng mà mình nhận được.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.