Chuẩn bị nấu cơm trưa thì một người quen gọi điện tới nhờ tôi tư vấn. Chú bảo: "Con trai thứ hai của chú muốn học một trường cao đẳng trong hai năm rưỡi, sau này ra trường làm thiết kế web. Cháu nghĩ có nên cho đi học không? Chú nuôi đứa đầu đã cạn tiền rồi, bây giờ thằng thứ hai học phí 50-60 triệu cho hơn hai năm học, chưa kể ở Hà Nội tiền ăn ở đắt đỏ. Không biết nó có tu chí học hành không hay chú lại phải bán ruộng đi trả nợ. Cho nó học chắc năm sau chú phải bán ôtô, đi xe máy thôi".
Trước đó, nhiều người cũng hỏi tôi có nên cho con đi học đại học, cao đẳng, trường này trường kia không? Tôi nghĩ mình không giỏi đến mức đến mức có thể tư vấn được, chỉ kể câu chuyện của mình để họ tham khảo.
Lúc mất, năm 2012, mẹ để lại cho tôi một tài khoản ngân hàng có hơn 60 triệu đồng. Tôi đã dùng số tiền này cho hai chị em học đại học. Tôi mua một chiếc xe máy và khi muốn kinh doanh, tôi đã dùng 10 triệu cuối cùng.
Tôi chỉ dùng số tiền đó khi thật sự cần thiết, bế tắc hay không còn cách nào nữa mình mới dùng đến.
>> Tôi mua vàng để dành từ năm hai đại học
Trong những năm đi học hầu như tôi chỉ dùng tiền trên đóng học phí. Học phí một năm lúc đó khoảng trên dưới 10 triệu.
Tiền phòng trọ, điện, nước, mạng khoảng 500 nghìn, ăn uống, chi tiêu vặt hết một triệu (tiết kiệm lắm) đó là chi phí tôi ở chung phòng với bạn trong ba năm. Sau khi em gái lên học đại học, hai chị em ở chung với nhau thì chi phí này tăng lên gần như gấp đôi. Tiền học phí thiếu bao nhiêu tôi sẽ rút tiền trong ngân hàng, còn ăn ở và chi phí khác tôi đi làm thêm kiếm tiền.
Bố có hỗ trợ nhưng thu nhập của bố rất thấp, vì ở quê bố cũng phải chi tiêu sinh hoạt. Và mỗi lần về quê, tôi không được như mọi người về nhà sẽ được bố mẹ nấu đồ ăn ngon cho ăn, chuẩn bị thứ này, thứ kia cho, mình phải để dành tiền về nhà tự mua thức ăn nấu gì ngon cho cả nhà, về nhà phải dọn dẹp nhà cửa, dọn từ trong nhà ra đến cổng, bát đĩa, nồi niêu đem đi rửa lại hết... Về nhà không phải để nghỉ ngơi, về nhà có rất nhiều việc để làm.
Tôi bắt đầu năm thứ tư thì em gái lên học đại học. Em gái rất chăm chỉ nên để tập trung cho em học hành tôi khuyên không đi làm thêm kiếm tiền. Vậy là suốt bốn năm em kiên trì học, cuối năm thứ tư em được thầy nhận làm việc tại công ty của thầy và bắt đầu có thu nhập thêm.
Năm 2016 tôi chuẩn bị ra trường, số tiền trong tài khoản ngân hàng còn 10 triệu đồng. Năm 2018, tôi đã rút toàn bộ ra để kinh doanh, lần đầu tiên kinh doanh thất bại nhưng đó chỉ là khởi đầu.
>> Tốt nghiệp đại học rồi làm gì?
Vậy nên, cái phụ huynh lo lắng không phải là có nên cho con học đại học, cao đẳng hay không? Liệu học trường đó ra trường có việc ngay, có kiếm được tiền hay không? Đáng lo nhất là số tiền cho con trong những năm tháng ăn học. Con thích đi học thì phụ huynh hãy cứ cho đi học, tiền học phí cứ lo cho đầy đủ. Nhưng tiền chi tiêu sinh hoạt thì bớt đi một chút, bớt dần, không nên cho đủ, vì cho đủ rồi có khi các em còn xin thêm.
Ví dụ, ăn ở một tháng hết 3 triệu đồng thì chỉ cho 2,5 triệu, rồi 2 triệu... để con học cách quản lý tiền và mọi chi tiêu. Các em phải biết tự xoay sở cuộc sống của mình. 18, 19 tuổi bắt đầu trưởng thành rồi, ra ngoài sống độc lập rồi, phải dần học cách tự lo cho cuộc sống. Những năm tháng ấy sức khỏe có thừa, phải tận dụng.
Thật ra, cho con đi học là một khoản đầu tư lớn, có người lời, có người lỗ. Mỗi con người sẽ có một kết quả khác nhau. Phải biết cách vượt qua khó khăn thì cuộc sống mới sung sướng. Phải sống tử tế thì mới hay gặp may.
Cuộc sống của tôi sau hơn mười năm đúc kết lại là thế, sung sướng và may mắn Chẳng có lời khuyên nào là đúng với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người, phải bắt đầu mới biết được kết quả, sai làm lại, ngã thì đứng lên.
Những ngày đã cũ là kinh nghiệm, chứ không phải để hối tiếc.
Hương Quê
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.