Trước hết chúng ta hãy bàn một chút vè sự thành đạt.
Có rất nhiều quan điểm về sự thành đạt tuỳ theo sự lựa chọn và góc nhìn của mỗi người. Có người coi sự thành đạt là phải kiếm được nhiều tiền, phải giàu có. Có người coi trọng gia đình. Lại có người coi sự thành đạt là đạt được ước mơ, sự thoả mãn đam mê của mình, hay thậm chí là sự cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội và được mọi người công nhận...
Ở đây tôi chỉ bàn về thành đạt với góc nhìn là người kiếm được nhiều tiền. Bởi vì quan niệm này được nhiều người công nhận, nó cũng dễ xác định và đánh giá. Như chúng ta đã biết, một con người muốn thành công ngoài việc học hành thì họ cần rất nhiều yếu tố và điều kiện khác nữa.
Đó là các kỹ năng mềm, đó là ý chí nghị lực, đó là thời cơ (thời thế tạo anh hùng) , đó là sự giúp đỡ và nâng đỡ (quý nhân phù trợ)...Vì vậy, chuyện có những người khi đi học rất giòi nhưng không thành công hoặc ngược lại là chuyện bình thường.
>> Lý do học 'cá biệt' mà vẫn giàu
Sau đây tôi sẽ phân tích bốn nhóm người thành đạt. Một là những người có những năng khiếu đặc biệt. Ví dụ như các ca sỹ, nghệ sỹ, các MC, các vận động viện thể thao... Những người này được trời phú cho những khả năng hơn người. Nếu họ phát huy khả năng này của minh để tạo lập cuộc sống thì khả năng thành công rất cao. Ở nhóm người này để có thành công họ không nhất thiết phải là những người có thành tích học giỏi.
Thứ hai là những người mà sự nghiệp của họ phải bắt đầu từ con đường học vấn. Ví dụ như những kỹ sư giỏi, những giảng viên đại học, những nhà khoa học, những bác sỹ... thì đa phần trong số họ phải có xuất phát điểm là những người có thành tích học tập tốt khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thứ ba là những người thành công trong bằng con đường kinh doanh, buôn bán. Đó là những người họ có đam mê và kỹ năng kinh doanh. Vì vậy đối với những người này thì cũng có thể xuất phát từ những học giỏi hoặc không giỏi. Trình độ học vấn của họ có thể cao hoặc không cao.
Thứ tư là những người thành công nhờ sự cần cù chăm chỉ, nhờ có sức khoẻ hay một chút khéo léo. Ví dụ các nghệ nhân, những người nông dân giỏi, những người thợ giỏi trong các ngành nghề khác nhau như : thợ sửa xe, thở điện, thợ làm bánh... Những người này thì thành công của họ cũng không mấy liên quan mấy đến thành tích học tập.
Về phần những người thời đi học là những học sinh giỏi nhưng khi ra đời lại không mấy thành công thì cũng có nguyên nhân. Thứ nhất có những người học giỏi cũng chỉ là hư danh, thậm chí là sự thổi phồng lên từ những người trong địa phương (như làng, xã...) hay trong dòng họ. Thực lực của họ cũng bình thường (chúng ta thường nghe câu "học giỏi nhất làng" để chỉ những dạng học giỏi này là vậy).
Tức là những người này có chút thành tích vượt trội hơn ở những nơi họ sống hoặc học tập. Nhưng do mặt bằng ở nơi đó cũng thấp nên cái sự giỏi của họ cũng không mấy cao siêu so với sự ca tụng.
Thứ hai, cũng có những người học giỏi thật nhưng ngoài chuyện học giỏi ra họ không có kỹ năng gì khác (có người thường nói đùa đó là những con gà công nghiệp). Cho nên họ cũng khó thành công sau khi đi làm.
>> Học trò cá biệt giờ thu nhập trăm triệu đồng
Thứ ba, có những người học giỏi thật sự, họ cũng có nhiều kỹ năng nhưng họ không thành công vì có thể không gặp may trong cuộc sống hoặc do họ có sự lựa chọn sai lầm về nghề nghiệp (chọn nghề trái với năng lực sở trường của mình).
Tóm lại, mối quan hệ giữa việc có những người thời đi học có thành tích tốt hay không tốt với sự thành công hay không thành công trong sự nghiệp không có một đáp án chính xác nào cả. Việc thống kê hay định kiến cũng chỉ là tương đối mà thôi.
Theo tôi nghĩ mỗi người nếu xác định được những điểm yếu, điểm mạnh của mình để có sự lựa chọn định hướng cho tương lai, nghiệp phù hợp với năng lực, sự đam mê của mình thì chắc chắn sẽ có những thành quả tốt.
Những người dù xuất phát điểm là học sinh giỏi hay không giỏi mà đến một thời điểm nào đó chưa gặt hái được thành công thì cũng không nên quá tự ti và bi quan mà hãy bình tĩnh để định vị lại bản thân, điều chỉnh lại mục tiêu cuộc sống. Và quan trọng nhất đó là phải nỗ lực để hoàn thành những mục tiêu mình đã đề ra.
Lê Quảng Đại
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.