Khi đọc được rất nhiều những trăn trở về tương lai của các bạn trẻ, tôi muốn chia sẻ về câu chuyện của mình. Tôi hy vọng giúp các bạn có được cái nhìn thoáng hơn khi bạn đang học một ngành nhưng đam mê với ngành khác, thậm chí là thi đại học nhưng rớt ngành mình mong muốn.
Tôi hiện đã học đến thạc sĩ tại Đại học Umea Thụy Điển ngành Hóa học. Tôi đang làm công việc của một BA (Business Analyst) của một công ty tư vấn quản lý (management consulting).
Công việc tôi làm và ngành học chẳng liên quan gì đến nhau hết. Sở dĩ có chuyện quái đản này xảy ra là vì: Tôi rớt đại học mong muốn (là rớt trường tôi muốn thi vào chứ không phải rớt đại học nhé).
Vài năm trước khi còn là một cậu học sinh lớp 11, tôi thấy thích kinh doanh, thích giải business case study. Tôi thích thi vào Đại học Ngoại thương vì bị "hút hồn" bởi những con người năng động trong đó, và tôi cũng chẳng thiết tha gì những trường khác nên chẳng "buồn" tìm hiểu thông tin. Thế nên cuối cùng khi nộp đơn thi đại học, tôi điền đại ĐH Khoa học tự nhiên ngành Hóa vì tôi học Hóa cũng khá, chứ chưa biết ra trường sẽ làm gì. (Cơ bản vì "ảo tưởng" là sẽ đậu Ngoại thương).
Tôi thật sự không hề biết đó là quyết định tệ hại nhất mà mình từng làm. Nhưng muộn rồi, tôi rớt Ngoại thường và vào trường Tự nhiên với sự thất vọng nặng nề về bản thân, thất vọng về việc kiêu ngạo, chảnh thì chết chứ bệnh tật gì đâu.
Tôi thật sự cảm thấy bế tắc trước suy nghĩ năm năm tới sẽ như thế nào với cái ngành Hóa học này. Tôi chỉ học tốt Hóa do bị bắt làm quá nhiều bài tập ở cấp 3, còn nếu bàn về đam mê, tôi đảm bảo là từ không trở về âm với ngành này. Lúc này tôi đứng trước ba lựa chọn:
1. Ôn thi lại, chấp nhận chậm một năm so với bạn bè.
2. Bỏ hoàn toàn đam mê kinh doanh, thử "sống thử" với khoa học xem sao. Biết đâu khác.
3. Vừa học khoa học, vừa học kiến thức về kinh doanh.
Sau này tôi nhận ra một cái bẫy ở ba lựa chọn này mà lúc đó những ai như mình đều không tránh khỏi là chúng ta thường ngần ngại với lựa chọn một vì quá sợ thi và không muốn chấp nhận mất một năm so với bạn bè. Bên cạnh đó còn là sự ngăn cản của phụ huynh. Thành ra lựa chọn mang tính thời điểm như lựa chọn số thường qua đi khoảng thời gian dễ quyết định là khi chưa đi học lâu.
Chúng ta sẽ tiếp tục thỏa mãn với lựa chọn hai vì nghĩ là cái thích đó cũng chỉ tức thời thôi, ở đây bạn bè tốt, học cũng không tệ, biết đâu ai rồi cũng sẽ khác. Sau này ai hỏi sao tôi không thi lại ngay thì mình cũng trả lời như vậy, có nhiều yếu tố khiến tôi không thể quyết định ngay trong thời điểm đó.
Nhưng mọi thứ bắt đầu sáng tỏ sau khoảng một năm tôi quyết định học song song hai ngành.
Làm sao tôi có thời gian để học thêm bên cạnh việc học ở trường mà vẫn đảm bảo qua môn và đích đến cuối cùng là ra trường với GPA lớn hơn hoặc bằng 3.0?
Không có điều kiện, không có thầy cô, tôi sẽ tạo môi trường cho mình như thế nào? Làm sao để một đứa tự học trái ngành có thể đủ cạnh tranh lại những bạn được đào tạo bài bản?
Về thời gian, tôi sử dụng hai nguyên tắc chính: Pareto (80/20) và đánh giá tính bắt buộc hay không. Năm hai trở đi tôi không có mặt ở lớp nếu không điểm danh và chỉ nhận đề cương rồi về học vì cơ bản tôi chẳng đam mê nên không cần thêm kiến thức mở rộng từ thầy cô mà chỉ cần đề cương là đủ điểm, kết hợp với trên mạng để xem 20% quan trọng nhất là cái gì. Hiểu và áp dụng làm bài tập để hấp thụ nhanh nhất cho thể.
Khuyết điểm là do không lên trường nên rất ít cơ hội hỏi bạn bè. Tuy nhiên nó cũng tránh được việc quá nhiều thông tin không cần thiết. Đặc biệt trong khi học, luôn chú ý dành thời gian cho những môn có số tín chỉ cao, không được để phải học lại hay học cải thiện vì rất tốn thời gian.
Để đạt được điểm trung bình 7.0, thực tế chỉ cần 2 - 2.5 tuần ôn luyện kỹ cho một môn bất kỳ ở đại học. Số thời gian còn lại tôi có thể đầu tư vào việc khác. Năm hai, tổng số thời gian tôi lên trường để học chỉ có tầm nửa năm, năm 3 còn 1/3 và năm cuối tôi gần như nghỉ hoàn toàn, chỉ tập trung tầm hai tháng cuối cùng cho khóa luận. Tôi tốt nghiệp GPA > 3.0/4.0, đủ như dự tính ban đầu. Cơ bản ngành học đại học giống một khóa đào tạo ngắn hạn 18 tháng đối với tôi. Hai năm rưỡi còn lại mới là đại học thật sự.
Tôi phải tự lên lịch học như các bạn học chính quy trường kinh tế và tham khảo học liệu mà mấy bạn học. Ngoài ra còn phải tham khảo chương trình nước ngoài để học. Nhiều khi nhìn thấy mấy bạn được học đúng ngành tôi tủi thân chịu không nổi. Không hiểu bài, tự đi mà làm quen rồi hỏi người ta, rồi tham gia diễn đàn để hiểu. Đã không ít lần tôi cảm thấy cực cô đơn, lạc lõng trong môi trường đang học.
Đăng Dương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.