Vì sao phụ nữ lại quan tâm đến việc làm đẹp và đua nhau thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ để làm đẹp? Có phải vì khi cuộc sống sung túc hơn thì người ta cũng dành nhiều thời gian và tiền bạc để làm đẹp cho mình? Tôi cho rằng điều này đúng một phần, nhưng đó cũng chỉ là những yếu tố thúc đẩy. Lý do chính ở đây khiến phẫu thuật thẩm mỹ ngày một phổ biến, chính là là bởi phụ nữ đã bị ngầm khuyến khích làm đẹp theo những tiêu chuẩn về hình thể mà họ cần có.
Những tiêu chuẩn về vẻ đẹp hình thể này là do xã hội gán định cho, hay nói chính xác hơn là do các nhà sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang và các nhà phẫu thuật thẩm mỹ tạo ra thông qua các chương trình quảng cáo tiếp thị sản phẩm, dịch vụ.
Khi xưa 'cái nết đánh chết cái đẹp'
Thời đại nào và xã hội nào cũng có những tiêu chuẩn về cái đẹp. Người Việt xưa quan niệm phụ nữ phải có đủ tứ đức "công, dung, ngôn, hạnh" mới là đẹp, thậm chí cho rằng "cái nết đánh chết cái đẹp" để ám chỉ vẻ đẹp tâm hồn còn quan trọng hơn cả ngoại hình. Tuy nhiên, vẻ đẹp ngoại hình xưa cũng được quan niệm khác ngày nay. Trước đây, phụ nữ đẹp phải có gương mặt phúc hậu, thân hình đầy đặn, chiều cao vừa phải, da trắng, tóc dài, thậm chí răng phải đen (phụ nữ Bắc Bộ). Những người quá cao và gầy hoặc miệng rộng, má cao (như các siêu mẫu ngày nay) còn bị chê cười, chọc ghẹo...
Sau này, cùng với sự thay đổi về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội nói chung, quan niệm về vẻ đẹp ngoại hình của phụ nữ Việt cũng dần khác xưa, nhưng chủ yếu là ở trang phục, kiểu tóc cách tân và các phụ kiện đi kèm. Những tiêu chuẩn về vẻ đẹp hình thể được xã hội mong đợi vẫn nằm trong "khả năng đáp ứng" của phụ nữ mà không cần đến phẫu thuật thẩm mỹ, bởi các tiêu chuẩn vẫn "tôn trọng" các chỉ số hình thể tự nhiên.
>> Cùng quẫn vì không kiếm được tiền để phẫu thuật thẩm mỹ
Đẹp như Tây, đẹp như Hàn Quốc
Ngày nay, vẻ đẹp mà phụ nữ Việt theo đuổi đã khác trước nhiều khi bị ảnh hưởng bởi phong cách phương Tây và đặc biệt là Hàn Quốc (qua các bộ phim truyền hình). Để cho giống Tây hoặc Hàn Quốc, vì chỉ số nhân trắc học vốn dĩ đã khác biệt, phụ nữ Việt buộc phải nhờ đến thẩm mỹ. Đơn giản nhất là có thể trang điểm, nhuộm tóc..., phức tạp hơn thì phải phẫu thuật chỉnh sửa các bộ phận.
Tuy nhiên, chính người Hàn Quốc cũng đã phải phẫu thuật thẩm mỹ để cho đẹp theo chuẩn mực mà xã hội mới đặt ra. Từ mục đích ban đầu là khắc phục "nhược điểm" tự nhiên của người Á Châu là mặt ngắn, mũi tẹt và mắt một mí, họ đã đi xa hơn trong việc phẫu thuật.
Những tiêu chuẩn vô lý về cái đẹp với những số đo, đường nét và tỷ lệ cơ thể ít người có được một cách tự nhiên đã được tô vẽ và tạo dựng bằng công nghệ trang điểm, phục trang, kỹ thuật chụp và chỉnh sửa ảnh, rồi đưa vào trong các chương trình quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ. Phụ nữ đã tiếp thu những tiêu chuẩn này một cách vô thức qua thời gian, rồi đến một lúc mặc định trong tâm thức rằng "đẹp như trong... quảng cáo mới là đẹp".
Ngành công nghiệp làm đẹp đã "đánh" trúng tâm lý muốn được đẹp và kéo dài tuổi trẻ của phụ nữ. Hình ảnh về những người phụ nữ đẹp như mơ đã được gắn liền với các sản phẩm làm đẹp từ thời trang, dược phẩm, mỹ phẩm cho đến phẫu thuật thẩm mỹ trong các quảng cáo. Phụ nữ xem quảng cáo và bị "thôi miên" rằng để được đẹp như vậy thì phải sử dụng sản phẩm và dịch vụ như được quảng cáo.
Phụ nữ chỉ là nạn nhân
Điều đáng nói là sự việc không chỉ có vậy. Ngoài phụ nữ thì chính bản thân nam giới cũng vô thức tiếp thu những tiêu chuẩn vô lý về vẻ đẹp và hình thành nên tiêu chuẩn đánh giá vẻ đẹp phụ nữ. Như vậy là cả xã hội cùng có nhận thức sai về hình thể tự nhiên. Điều này đã tạo ra một áp lực lớn lên những người không có những chỉ số hình thể như được xã hội mong đợi. Nhiều phụ nữ ngực nhỏ đã cảm thấy tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp, ngại tắm biển... Không ít người thì dành tiền bạc và thời gian để đi phẫu thuật thẩm mỹ và rồi dẫn đến những hậu quả đau lòng như chúng ta đang thấy.
Nhưng những người phụ nữ đam mê làm đẹp không đáng trách. Họ cần được thông cảm bởi thật ra họ chỉ đang cố gắng để đáp ứng những đòi hỏi của xã hội cho vẻ đẹp mà họ cần phải có. Nói cách khác, họ chỉ là nạn nhân của ngành công nghiệp làm đẹp và những bác sĩ thiếu chuyên môn và y đức. Chúng ta cần phải sớm thay đổi nhận thức về vấn đề này.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.