"Sáng vội đi làm, tối muộn mới về, cả ngày ngồi máy tính, đêm về lại bật điện thoại chốt đơn... Đó là vòng lặp cuộc sống của tôi. Nhà cách công ty khoảng ba km, nên tôi cũng từng lên kế hoạch đi bộ đi làm để tăng vận động. Thế nhưng, sau vài bữa đi bộ đến công ty trong tình trạng nhễ nhại mồ hôi, tôi lại nản và quay lại chạy xe. Xem đếm bước chân trên đồng hồ đeo tay, có khi cả ngày tôi di chuyển chưa nổi một km. Cũng vì lười vận động mà dù còn trẻ, cơ thể tôi đã rệu rã như người già. Có lẽ đã đến lúc tôi phải lên kế hoạch tập thể dục một cách nghiêm túc trước khi quá muộn".
Đó là chia sẻ của độc giả Đường chân trời trước thực trạng tỷ lệ người trẻ mắc bệnh người già đang ngày càng tăng, thậm chí mắc cùng lúc nhiều bệnh nhưng không biết. Năm 2023, Bộ Y tế ghi nhận khoảng 5-7% số ca đột quỵ là người dưới 45 tuổi. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, tỷ lệ này còn cao hơn, liên quan lối sống và áp lực công việc trong môi trường đô thị hóa. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam nhiều gấp 4 lần nữ, rất đáng báo động.
Lười vận động, phụ thuộc vào phương tiện, máy móc được xem một trong những là nguyên nhân chính khiến bệnh "người già" âm thầm quật ngã nhiều người trẻ. Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA, Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới, hơn 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực.
Đồng quan điểm, bạn đọc Votanhung bình luận: "Có người nói tôi thần kinh vì khuyên họ 'còn trẻ, còn khỏe phải biết chăm sóc sức khỏe'. Họ cười tôi và nói lại rằng 'đang khỏe thì cần gì phải chăm sóc'. Bản thân tôi đã có ý thức chủ động rèn luyện, tự chăm sóc sức khỏe của bản thân ngay từ năm 25 tuổi. Nhờ đó, đến bây giờ, khi đã ở tuổi U50, tôi thấy mình vẫn còn rất khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, chẳng khác nào độ tuổi đôi mươi. Việc này chẳng hề tốn kém, tôi không mất xu nào, chủ yếu chỉ lên mạng tìm hiểu và tự luyện tập thể dục, thực hành lối sống lành mạnh mỗi ngày".
>> 30 tuổi mắc ung thư vì 'ly bia nể mặt bạn nhậu'
"Người trẻ bây giờ thích ngồi cà phê hay quán nhậu. Ở một số cơ quan, người mỗi sáng đến nơi người ta ngồi đọc báo cả buổi, rồi 4h chiều lại về đi nhậu. Vậy làm sao mà không bệnh? Mỗi ngày chỉ cần đi bộ 30 phút là đã đủ vận động theo khuyến cáo của y học rồi, chứ có mất nhiều thời gian đâu. Chủ yếu là người Việt hầu hết rất lười vận động. Bắt taxi mà họ cũng đòi tài xế phải đón tận cửa, thay vì đi bộ băng qua đường để lên xe", độc giả Lê Tùng nói thêm.
Trong khi đó, nói về nguyên nhân khiến người trẻ Việt ngày càng mắc nhiều bệnh "người già", bạn đọc Quangthiephcdc phân tích: "Vấn đề tập thể dục, thể thao mỗi ngày là rất tốt. Nhưng ngoài ra chúng ta còn phải kết hợp với chế độ ăn uống khoa học nữa mới hiệu quả. Tôi thấy nhiều người chạy hùng hục mấy vòng hồ, hoặc hì hục đạp xe quanh công viên, nhưng cuối giờ chiều lại kéo nhau ra ngồi quán bia đến tối muộn mới về. Rốt cục bụng vẫn to như cái trống. Thế thì tập làm gì?".
Đó cũng là suy nghĩ của độc giả Nguyễn Kênh: "Tôi thấy nhiều người rủ nhau đi đá bóng. Thế nhưng, vừa nghỉ giữa hiệp là họ cầm ngay điếu thuốc lá rít lấy rít để. Đá xong trận bóng họ lại kéo nhau đi nhậu nhẹt, bia bọt. Thành ra, người ta ra sân vận động thì ít mà bê tha thì nhiều".
- Nhiều người Việt lười đi bộ vài trăm mét nhưng lại 'hùng hục' chạy thể dục
- Nhiều người đi bộ, đạp xe vài trăm mét cũng than mệt
- Tôi sợ khi thấy người chạy bộ, tập thể dục đầy đường
- Nhiều người cười nhạo khi tôi đạp xe đi làm 20 km mỗi ngày
- 'Đi xe đạp 26 km một ngày tiện lợi hơn ôtô, xe máy'
- Người Việt cần sớm phổ cập văn hóa đi bộ