Muller, 40 tuổi, đang phải hứng chịu hậu quả từ thái độ bài xích vaccine của mình. Theo quy định mới của bang Saxony, Đức, những người chưa tiêm chủng như Muller không còn được phép đến nhà hàng, sân bowling, rạp chiếu phim hay tiệm làm tóc. Từ tuần tới, anh cũng sẽ bị cấm vào hầu hết các cửa hàng.
Tuy tỷ lệ tiêm chủng ở thị trấn Annaberg-Buchholz, thuộc vùng núi Ore, bang miền đông Saxony của Đức chỉ đạt 44%, thấp nhất cả nước, Muller vẫn quyết không thay đổi thái độ.
Quan điểm của những người như Muller cho thấy một vấn đề nhức nhối đang tồn tại ở nhiều vùng của châu Âu cũng như Mỹ. Ở các nơi đó, những người không tiêm chủng đang làm bùng phát một đợt sóng lây nhiễm mới, đè nặng lên hệ thống y tế và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đà phục hồi kinh tế.
Ngay cả khi các nghiên cứu khoa học đều cho thấy tiêm chủng là cách hiệu quả nhất để ngăn lây nhiễm và giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong, nhiệm vụ thuyết phục những người hoài nghi sâu sắc về vaccine vẫn là một cuộc chiến rất khó khăn. Chính vì thế, các chính phủ Tây Âu giờ đây buộc phải dùng đến những biện pháp mạnh tay.
Ở một số nước, chúng phát huy hiệu quả. Trước tháng 7, Pháp nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất châu Âu. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố người dân sẽ phải xuất trình hộ chiếu vaccine khi đến hầu hết các địa điểm công cộng, Pháp trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
Thủ tướng Italy Mario Draghi đã tiếp bước Tổng thống Macron bằng các biện pháp thậm chí còn cứng rắn hơn. Ở Italy và cả Tây Ban Nha, nỗ lực của các đảng dân túy nhằm kích động phản ứng dữ dội chống vaccine trên diện rộng phần lớn đã bị dập tắt.
Nhưng tâm lý bài vaccine vẫn bám rễ ở nhiều nơi. Ở Trung và Đông Âu hay ở các quốc gia nói tiếng Đức cùng những khu vực ráp gianh, vấn đề còn trở nên khó khăn hơn.
Tại Italy, tỉnh Bolzano ở phía bắc đất nước, giáp Áo và Thụy Sĩ, nơi 70% dân số nói tiếng Đức, có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất cả nước. Giới chuyên gia cho rằng tình trạng gia tăng nhanh số ca nhiễm ở đây là do khu vực này nằm sát Áo, nơi dịch đang bùng phát mạnh. Mặt khác, xu hướng người dân tin tưởng vào những phương thuốc dân gian hay các biện pháp chữa trị tự nhiên cũng có thể là một phần nguyên nhân.
"Nguyên nhân chính nằm ở niềm tin vào các phương thuốc tự nhiên", Patrick Franzoni, bác sĩ dẫn đầu chiến dịch tiêm chủng ở Bolzano, cho biết. Đặc biệt ở dãy Alps, người dân nói tiếng Đức thường tin vào không khí trong lành, sản phẩm hữu cơ và trà thảo mộc hơn là các loại thuốc truyền thống.
Trên thực tế, Đức, Áo và khu vực nói tiếng Đức của Thụy Sĩ có tỷ lệ dân số chưa tiêm vaccine lớn nhất ở Tây Âu. Khoảng 1/4 dân số trên 12 tuổi ở những khu vực này chưa được chủng ngừa, so với khoảng 1/10 ở Pháp và Italy, trong khi Bồ Đào Nha gần như đã tiêm cho toàn bộ dân số.
Các nhà xã hội học nói rằng ngoài một nền văn hóa bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những loại thuốc chưa được khoa học chứng minh, xu hướng bài vaccine ở châu Âu còn được thúc đẩy bởi những đảng phái chính trị.
Pia Lamberty từ CeMAS, tổ chức có trụ sở tại Berlin chuyên nghiên cứu về thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu, cho rằng tâm lý bài trừ vaccine, theo cách nào đó chính là hệ quả của những phong trào dân tộc chủ nghĩa dân túy vốn đã làm rung chuyển chính trường châu Âu một thập kỷ qua.
"Những người cấp tiến chống vaccine không phải một nhóm lớn, nhưng đủ để tạo ra vấn đề trong đại dịch", bà nói. "Nó cho thấy thành công của phe cực hữu khi thúc đẩy phong trào này và thất bại của các chính trị gia chính thống khi không đánh giá đủ nghiêm túc vấn đề".
Kết quả là ở một số khu vực của châu Âu, "việc bạn có được tiêm vaccine hay không gần như đã trở thành vấn đề chính trị", Lamberty cho biết thêm.
Tại Áo, nơi chính phủ đang áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với người chưa tiêm chủng, một đảng chống vaccine mới thành lập gần đây đã giành được ba ghế trong nghị viện bang ở phía bắc, lâu nay vốn là thành trì của phe cực hữu. Tại Pháp và Italy, các điểm nóng về chống vaccine vẫn là nơi mà phe theo chủ nghĩa dân túy chiếm ảnh hưởng.
Ở Saxony, phong trào chống vaccine và ủng hộ đảng cực hữu Giải pháp Thay thế (AfD), lực lượng chính trị mạnh nhất tại đây, đang chiếm ưu thế. Theo giới chuyên gia, quan điểm bài vaccine chủ yếu tồn tại ở những người nghi ngờ sâu sắc về chính phủ, những tập đoàn lớn và các phương tiện truyền thông chính thống.
"Vaccine gây chia rẽ, tôi nghe điều này từ sáng tới tối", Rolf Schmidt, thị trưởng thị trấn Annaberg-Buchholz, cho hay. "Mọi người đều có niềm tin tuyệt đối và kênh truyền thông xã hội của riêng họ để củng cố niềm tin đó. Họ cho rằng những người ở phía kia đều là dối trá".
Ở Annaberg-Buchholz, thị trấn khai thác kim loại lâu đời của Đức nằm gần biên giới Czech, tình trạng chia rẽ được nhìn thấy rất rõ ràng.
Thứ hai hàng tuần, những người bài vaccine sẽ tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ nhưng ồn ào ở trung tâm thị trấn. Tuần qua, có khoảng 50 người tham gia biểu tình, hô vang các khẩu hiệu như "vaccine giết người" và phản đối chính phủ ở Berlin.
Thái độ phản kháng cũng được thể hiện rõ ở các nhà hàng, cửa hiệu. Một trong số đó là quán bar của Muller. Tấm biển đặt tại lối vào quán bar trích dẫn hiến pháp Đức, đồng thời khẳng định "dù bạn chưa tiêm chủng hay chưa xét nghiệm, bạn vẫn sẽ được chào đón như con người".
Tấm biển bỗng chốc khiến quán bar trở nên nổi tiếng khi mọi người dừng lại để chụp ảnh nó. Một chủ quán cà phê gần đó đã sao chép lại thông điệp của Muller.
Vợ chồng Karin và Hans Schneider, hai cư dân sống cả đời ở Annaberg-Buchholz và đã tiêm phòng, cho biết cách duy nhất để khiến những người hoài nghi tiêm vaccine là biến nó thành quy định bắt buộc. "Bạn không thể tranh luận với họ, bạn phải trở nên cứng rắn", Karin nói.
Ở Đức, chính phủ sắp tới muốn áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn đối với người chưa tiêm chủng, bao gồm yêu cầu họ phải xuất trình xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi lên phương tiện công cộng.
Tuy nhiên, Áo mới là nước mạnh tay hơn cả. Chính phủ vừa ban hành lệnh cấm ra khỏi nhà đối với người trên 12 tuổi chưa tiêm chủng, trừ trường hợp đi học, đi làm hay mua nhu yếu phẩm. Cảnh sát cũng được triển khai để kiểm tra chứng nhận vaccine của người dân trên đường phố.
Lệnh cấm của Áo đang là chủ đề bàn tán xôn xao ở Saxony, nơi nhiều người nhận thấy rằng những hạn chế mới sắp được ban hành vào tuần tới cũng giống vậy, chỉ khác tên.
Saxony là bang đầu tiên của Đức tìm cách gây sức ép với người chưa tiêm chủng bằng cách yêu cầu người dân xuất trình thẻ xanh vaccine hay chứng nhận bình phục sau khi nhiễm bệnh ở hầu hết địa điểm công cộng. Bắt đầu từ ngày 22/11, người chưa tiêm vaccine cũng bị cấm vào các cửa hàng không thiết yếu.
Cách Annaberg-Buchholz 10 phút lái xe, bác sĩ Constanze Albrecht đang tiêm vaccine Pfizer-BioNTech cho một người đàn ông 67 tuổi. Albrecht là thành viên của 30 đội tiêm chủng lưu động đang tản ra khắp bang Saxony để thuyết phục mọi người đi tiêm. Nhưng hầu hết các mũi vaccine mà bác sĩ Albrecht đã tiêm vào ngày hôm đó đều là liều tăng cường cho những người đã hoàn thành phác đồ từ nhiều tháng trước.
Trong khi đó, Thomas Marx, bác sĩ tại bệnh viện ở thị trấn Freising của Đức, cho biết cơ sở y tế quy mô nhỏ của mình đang phải điều trị tích cực cho 13 người, gấp ba lần công suất tối đa của họ. Trong số này có 5 bệnh nhân Covid-19, tất cả đều chưa tiêm vaccine.
"Chúng tôi đã quá tải rồi. Tuần trước, chúng tôi vừa phải chuyển một bệnh nhân nặng bằng trực thăng tới Merano", ông nói.
Tại khoa điều trị tích cực bệnh viện Schwabing ở Munich, bác sĩ Niklas Schneider tỏ ra giận dữ với phong trào bài vaccine của một bộ phận dân số.
"Thật ngạc nhiên khi những người đó quyết không tiêm chủng, dù chúng tôi hoàn toàn có đủ điều kiện tiêm cho họ", Schneider nói. "Tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi tại sao quá nhiều người lại tin vào những câu chuyện sai lầm về vaccine như thế".
Vũ Hoàng (Theo NY Times)