Suốt hơn một năm qua, trong lúc nhiều quốc gia chật vật vì Covid-19 với hệ thống y tế bên bờ vực sụp đổ, cuộc sống tại "thành trì" New Zealand gần như bình thường, nhờ chiến lược đóng biên, phong tỏa, truy vết nghiêm ngặt.
Các lễ hội âm nhạc, đám cưới vẫn được tổ chức. Tính đến giữa tháng 8, nước này mới ghi nhận tổng cộng khoảng 3.000 ca nhiễm nCoV và 26 trường hợp tử vong, theo số liệu của Our World in Data.
Tuy nhiên, bước ngoặt dường như xảy ra vào ngày 17/8, khi New Zealand lần đầu tiên ghi nhận một ca cộng đồng sau nhiều tháng và nhiễm biến chủng Delta. Người dân ngay lập tức đổ xô đến các siêu thị vét sạch mì ống và giấy vệ sinh, hoặc chạy trốn đến địa điểm nghỉ dưỡng. Vài giờ sau, không ngoài dự đoán của họ, chính phủ ban lệnh phong tỏa kéo dài ba ngày.
Kể từ đó, số ca nhiễm tại New Zealand không ngừng gia tăng. Tinh thần đoàn kết của 5 triệu dân, yếu tố quan trọng giúp đất nước vững vàng trước đại dịch suốt thời gian dài, dường như cũng lung lay cùng với làn sóng tin giả trỗi dậy.
Theo dự án về tin giả của Te Punaha Matatini, viện nghiên cứu chuyên theo dõi tình trạng cực đoan trên mạng của New Zealand, cả số lượng và mức độ nghiêm trọng của tin giả trên mạng ở nước này đã thay đổi vô cùng nhanh chóng kể từ khi biến chủng Delta bùng phát và lệnh phong tỏa cấp độ 4, mức cao nhất, được ban hành.
"Kể từ tháng 8 đến nay, lượng tin giả được đăng hoặc chia sẻ tăng gần như mỗi ngày, kéo theo đó là mức độ tương tác và giọng điệu gay gắt của công chúng", Kate Hannah, chuyên gia thuộc dự án tin giả của Te Punaha Matatini, cho biết. Theo Hannah, môi trường trực tuyến vốn thiếu kiểm soát, đặc biệt là ứng dụng Telegram, "đã bình thường hóa những nội dung vô cùng bạo lực một cách rất nhanh chóng".
Nghiên cứu của Te Punaha Matatini cho thấy các phần tử cực hữu và bảo thủ đã lợi dụng đợt bùng phát gần đây của chủng Delta và chiến dịch tiêm vaccine Pfizer của chính phủ New Zealand để thúc đẩy tin giả và các tư tưởng cực đoan của mình. Các nhóm này tích cực sử dụng ảnh chế để chế giễu, bài xích những người đã tiêm vaccine và cả chính phủ của Thủ tướng Jacinda Ardern.
Hậu quả là luồng quan điểm chính trên các nhóm mà Te Punaha Matatini theo dõi dã dần chuyển từ ngần ngại vaccine sang bài xích vaccine. Các tổ chức phát tán tin giả cũng lợi dụng điều này để thúc đẩy những quan điểm khác, như phản đối chính phủ siết kiểm soát súng đạn, hay đòi cải cách luật về cần sa.
Phần lớn những ảnh chế này, vốn được "xào nấu" từ các nguồn ở Mỹ và Australia, khắc họa nỗ lực ứng phó Covid-19 như một cuộc chiến giữa cá nhân "đòi tự do" với chính phủ, trong đó các biện pháp phong tỏa, hạn chế bị cho là "độc đoán, vi phạm tự do cá nhân, phớt lờ luật pháp quốc tế".
"Họ phát tán nhiều nội dung sai lệch, từ tái sử dụng những ảnh chế hài hước cho đến bày tỏ những nội dung phân biệt giới tính, chủng tộc, những hình ảnh về thảm họa diệt chủng, Chiến tranh Lạnh cho đến các sự kiện cực đoan, bạo lực khác", Hannah cho biết. "Những nội dung đó khoét sâu chia rẽ và bất đồng".
Tình hình dường như càng thêm nghiêm trọng sau khi chính phủ mở rộng quy định bắt buộc tiêm chủng vaccine Covid-19, khiến những người từ chối tiêm đứng trước nguy cơ mất việc làm và quyền tự do. Hệ quả là những ý kiến phản đối ngày càng gay gắt, cơ quan an ninh thậm chí cảnh báo nguy cơ khủng bố, biểu tình cũng gia tăng.
Hồi đầu tháng 11, một loạt cuộc biểu tình chống tiêm chủng bắt buộc bùng phát tại New Zealand, với hàng nghìn người tham gia. Dù phần lớn diễn ra ôn hòa, một người biểu tình đã cắn cảnh sát, trong khi một hãng tin cho biết nhà báo của họ bị đám đông biểu tình quấy rối và xô đẩy.
Những tấm biển và biểu ngữ trong đám đông là một tập hợp kỳ lạ giữa cờ của thổ dân Maori, khẩu hiệu bài vaccine, truyền đạo Tin lành, hay kêu gọi bắt Thủ tướng Ardern. Chuyên gia Hannah cho biết sự kết hợp tương tự cũng xuất hiện trên mạng, nơi mạng lưới bài vaccine được cho là đang đóng vai trò như "con ngựa thành Troy" ẩn chứa nhiều hệ tư tưởng cực đoan hơn.
Sự thay đổi này gắn liền với bước ngoặt về tình hình Covid-19, khi số ca nhiễm liên tục tăng, gần như ngày nào cũng ghi nhận trường hợp tử vong, dù lệnh phong tỏa đã được áp đặt.
Chính quyền New Zealand nhận thức rõ nguy cơ làn sóng tin giả từ các nhóm cực đoan có thể thổi bùng bạo lực. Lực lượng an ninh đã tăng cường bảo vệ giới chức, sau khi hàng loạt thành viên quốc hội và nội các bị dọa giết. Các cơ quan của quốc hội còn thêm một khoản ngân sách nhỏ để hỗ trợ các nghị sĩ đổi ổ khóa hoặc hệ thống an ninh.
Mặc dù chưa bị nhà vận động bài vaccine nào đe dọa, Thủ tướng Ardern từng nhiều lần bị dọa giết kể từ khi nhậm chức, bao gồm một số người bị tòa án buộc tội. Bà cũng thường xuyên trở thành chủ đề tranh luận trên mạng và bị một số người biểu tình công kích. Trong khi đó, Chris Hipkins, lãnh đạo Hạ viện và là người phụ trách phản ứng với Covid-19, cho biết một văn phòng của ông liên tục bị những người bài vaccine tấn công.
Trong một số bài viết tháng này, hãng tin New Zealand Newshub nhận định "các biện pháp hạn chế tăng cường, hoặc quy định tiêm chủng, có thể kích động những kẻ cực đoan bạo lực thực hiện hành vi bạo lực khủng bố".
"Tình hình đang bắt đầu leo thang. Hãy xem xét chuyện này một cách nghiêm túc", nghị sĩ Công đảng New Zealand Kieran McAnulty cho biết hôm 16/11, sau khi bị một nhà vận động bài vaccine công khai chỉ trích.
McAnulty đã đề nghị các cơ quan quốc hội xem xét tăng cường biện pháp bảo vệ nghị sĩ. Tuy nhiên, New Zealand lâu nay nổi tiếng là một đất nước yên bình cùng chính quyền cởi mở, khi người dân có thể dễ dàng tiếp cận các cơ quan chính phủ cũng như quốc hội. Các nghị sĩ cũng thường không có đội vệ sĩ đi theo đảm bảo an ninh.
"Tôi luôn tin rằng để người dân dễ dàng tiếp cận các nghị sĩ là điểm đặc biệt của New Zealand và không muốn thay đổi điều đó. Thật đáng buồn khi sự cởi mở của chúng tôi bị một nhóm nhỏ những kẻ hung hăng phá hoại", nghị sĩ McAnulty bày tỏ.
Ánh Ngọc (Theo Guardian)