Citra, nhà dịch tễ học tại Đại học Gadjah Mada (UGM), hôm 22/11 cho biết dựa trên xu hướng sụt giảm ca Covid-19 ở nước này trong 3-4 tháng qua, nhiều khả năng 80% dân số Indonesia đã nhiễm biến chủng Delta.
Indonesia hiện ghi nhận hơn 4,25 triệu ca nhiễm và gần 144.000 ca tử vong. Ca nhiễm mới ở Indonesia liên tục giảm kể từ khi đạt đỉnh hồi giữa tháng 7, với trung bình 36.000 ca/ngày. Đến tháng 11, Indonesia ghi nhận trung bình 360 ca mỗi ngày, tương đương 1% giai đoạn đỉnh điểm.
Theo Citra, xu hướng ca nhiễm giảm ở Indonesia có thể do miễn dịch cộng đồng đã được hình thành tự nhiên trong nước thông qua những người mắc Covid-19 trước đó.
"Hơn 50% ca Covid-19 hiện nay không có triệu chứng, có thể 80% dân số của chúng tôi đã từng nhiễm biến chủng Delta", trang web đại học UGM dẫn lời Citra. Dữ liệu của cơ quan thống kê Indonesia (BPS) cho thấy tính đến tháng 9/2020, dân số nước này là 270,2 triệu người. 80% dân số tương đương 216 triệu người.
UGM là một trong những trường đại học lâu đời nhất và tốt nhất ở Indonesia, cũng là đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Theo Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds, Anh, năm 2021, UGM được xếp thứ nhất ở Indonesia và thứ 254 trên thế giới.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Citra cảnh báo ngay cả khi đa số người dân đã có kháng thể tự nhiên, Indonesia vẫn có thể hứng chịu sóng Covid-19 thứ ba. Theo ông, nếu Indonesia bị một chủng hoặc biến thể Covid-19 mới "tấn công", rất có thể ca nhiễm sẽ tăng đột biến bởi kháng thể người dân hiện có không hiệu quả trước một số biến chủng virus nhất định.
"Hầu hết ca nhiễm tự nhiên đều hình thành kháng thể chống lại chủng virus gây nhiễm cho họ, không phải cho các chủng khác. Vì vậy, khả năng miễn dịch tự nhiên được hình thành tại thời điểm này có thể không đáng tin cậy nếu chủng mới xuất hiện", nhà dịch tễ học cho hay.
Ông nói thêm rằng phần lớn số ca nhiễm và tử vong trong các đợt bùng phát Covid-19 gần đây ở Indonesia đều chưa được tiêm vaccine Covid-19. Do đó, Citra cho rằng một trong những nỗ lực để kiểm soát Covid-19 ở Indonesia là tiêm chủng, đặc biệt đối với người cao tuổi.
Theo trang Our World in Data, Indonesia đã tiêm hơn 224 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó 89,2 triệu dân đã tiêm đủ liều, tương đương 32,6% dân số.
Chính phủ Indonesia chưa bình luận về nghiên cứu của Citra.
Chuyên gia này cũng ủng hộ các nỗ lực của chính phủ nhằm áp đặt Hạn chế Hoạt động Cộng đồng (PPKM) cấp độ ba trên khắp Indonesia vào dịp Giáng sinh và năm mới 2022. Ông đề nghị chính phủ Indonesia giám sát nghiêm túc các biện pháp hạn chế trong kỳ nghỉ lễ sắp tới, bởi kinh nghiệm cho thấy hoạt động di chuyển của người dân trong kỳ nghỉ lễ sẽ làm tăng đột biến ca Covid-19.
Huyền Lê (Theo CNN, Reuters)