Qua tìm hiểu từ các đồng nghiệp, bạn bè đang công tác ở nhiều đơn vị: người làm công chức, viên chức, người làm giảng viên, giáo viên, phiên dịch, hành chính, nhân sự...tôi được biết rất nhiều chuyện bạo hành tinh thần mà nhiều người đang phải chịu đựng hằng ngày.
Những ví dụ có thể kể ra như:
- Sếp có năng lực chuyên môn, quản lý yếu kém, không có khả năng chỉ đạo, hướng dẫn nhân viên, nhân viên phải tự làm hết mọi việc nhưng.
- Sếp thường xuyên sử dụng những lời nói chỉ trích, xúc phạm danh dự đối với nhân viên, không tôn trọng nhân viên. Cố tình đánh giá năng lực, hạ thấp khả năng của ai đó cho dù họ đã hoàn thành tốt công việc của mình. Những việc có quyền lợi thì không ai giao cũng tự nhận hết về mình, những việc khó khăn thì đẩy hết cho người khác.
- Khi công việc có sai sót thì luôn tìm mọi cách đổ trách nhiệm cho người khác. Trong khi làm việc, luôn tìm cách gài bẫy cho đồng nghiệp làm sai, thường xuyên bí mật ghi âm, chụp ảnh khi làm việc và cả những câu chuyện ngoài lề của đồng nghiệp, chỉ cần nắm được sai sót của ai là sẽ tung bằng chứng ra cho cả cơ quan cùng biết để hạ nhục họ hoặc cấp thông tin cho đối tượng khác thay họ lan rộng thông tin bất lợi cho người khác.
- Đổ lỗi, vu oan, đặt điều nói xấu về những việc không có thực. Luôn tìm mọi cách "dìm hàng" những người có trình độ, năng lực chuyên môn, điều kiện kinh tế... tốt hơn mình và nâng bản thân lên vị trí cao hơn người khác mới thỏa mãn...
Nhiều người cảm thấy chán nản khi bước chân đến cơ quan. Cứ đến nơi làm việc lại thấy ức chế, chỉ muốn nghỉ việc không phải do thu nhập thấp, công việc quá nặng nề mà do môi trường làm việc quá "độc hại" khiến họ bị bạo hành tinh thần.
Nhiều người bạn của tôi chia sẻ rằng, họ luôn cảm thấy căng thẳng, lo lắng, bất an mỗi khi chuẩn bị đến cơ quan làm việc. Họ luôn có xu hướng tránh né việc trò chuyện với người khác hoặc nếu bắt buộc phải trao đổi thì luôn phải đề phòng cao độ vì không biết sẽ bị đối phương gài bẫy lúc nào. Họ cảm thấy mệt mỏi, chán chường, bế tắc sau mỗi lần đi làm về nhà. Vừa đi làm ngày thứ hai đầu tuần đã mong hôm nay là thứ sáu để ngày mai được nghỉ làm.
Những người rơi vào tình trạng này luôn có tâm thế lo lắng có người khác hại mình, không dám thể hiện hết năng lực của bản thân vì sẽ có người khác đố kỵ do họ kém hơn, cô đơn vì không có ai đủ tin cậy để chia sẻ...
Nhiều người cho rằng, nếu môi trường làm việc "độc hại" không chịu nổi, bạn liên tục cảm thấy chán nản vì những sự bạo hành tinh thần của đồng nghiệp, cấp trên thì sao lại vẫn cố làm công việc này, sao không nghỉ việc và xin việc mới?
Tuy nhiên, mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, có người lựa chọn tiếp tục làm việc vì họ cần công việc có mức lương ổn định hoặc cơ quan gần nhà tiện cho họ đưa đón con đi học hoặc công việc không quá vất vả có thời gian chăm sóc gia đình hoặc họ đã quá già để đi tìm kiếm một việc làm khác...
Nếu liên tục phải chịu đựng những hành vi bạo hành tinh thần ở nơi công sở sẽ khiến cho sức khỏe và tâm lý của nạn nhân dần trở nên suy kiệt. Tình trạng căng thẳng, mất ngủ kéo dài có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm thần nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn lo âu...
Để chấm dứt tình trạng bạo hành tinh thần nơi công sở, bạn cần phải nhận thức được rõ ràng về hành vi và những lời nói xúc phạm của người khác dành cho mình. Sau đó, hãy thực hiện một số biện pháp như sau:
Thứ nhất, học cách phản kháng đúng lúc, đúng chỗ. Luôn thẳng thắn biểu đạt suy nghĩ trái chiều của mình thay vì cả nể, nhẫn nhịn không dám nói ra những bức xúc trong lòng với kẻ bạo hành bạn.
Thứ hai, thu thập đủ bằng chứng để báo cáo cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi cần.
Thứ ba, hãy cố gắng duy trì phong thái chuyên nghiệp, khẳng định năng lực của bản thân thông qua kết quả công việc.
Thứ tư, phải cải thiện môi trường làm việc, cụ thể là cải thiện quan hệ giữa Sếp và nhân viên, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp.
Thứ năm, xây dựng văn hóa doanh nghiệp chuẩn mực, môi trường làm việc hạnh phúc để đào thải những đối tượng có hành vi bạo hành.
Thứ sáu, nếu đã sử dụng mọi biện pháp mà vẫn không thể cải thiện được tình hình, không thoát được nạn bạo hành tinh thần thì bạn nên tìm công việc mới phù hợp với trình độ, năng lực, tính cách và hoàn cảnh của bạn hơn. Bởi, càng ở lại lâu thì bạn càng phải gánh chịu nhiều sự tổn thương. Những người gây ra các nỗi đau tinh thần sẽ không thể vì thế mà ngừng bắt nạt bạn, thậm chí họ càng cảm thấy hả hê và vui sướng vì điều đó. Do đó, nếu thực sự không thể chịu đựng được thì cách tốt nhất là nên tìm một công việc mới.
Không giống với nạn bạo hành thể chất, bạo hành tinh thần là hình thức chỉ sử dụng lời nói nhằm đả kích, lấn át, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác.
Tuy rằng những hành vi này không làm tổn hại đến sức khỏe thể chất nhưng nó lại gây ra hàng loại các tổn thương về mặt tâm lý. Các nỗi đau này đôi lúc sẽ kéo dài rất lâu, thậm chí nó còn nghiêm trọng hơn những vết thương về mặt thể xác.
Thời gian một người ở cơ quan làm việc có thể còn nhiều hơn thời gian họ ở nhà. Vậy nên nếu phải làm việc và sống trong tình trạng bị bạo hành tinh thần, họ sẽ khổ sở biết chừng nào.
Thực ra, rất khó có thể giải quyết triệt để vấn đề bạo hành công sở vì đòi hỏi từ sếp đến nhân viên, phải có thiện chí cùng nhau giải quyết.Để có được một môi trường làm việc lành mạnh cần có sự nỗ lực và quan tâm của cả từng cá nhân lẫn tập thể cơ quan.
Nếu bạn đã và đang hoặc có nguy cơ là nạn nhân của bạo hành tinh thần, đừng ngần ngại tìm đến ai đó để chia sẻ, nhận sự trợ giúp hoặc quyết tâm tìm ra lối thoát cho chính mình. Hy vọng rằng dư luận xã hội và các cấp có thẩm quyền sẽ quan tâm đúng mức đến vấn này và quan tâm đến việc xây dựng môi trường công sở hạnh phúc cho nhân viên được đi làm với tâm thế vui vẻ, hạnh phúc và thiết tha được đi làm, được cống hiến cho cơ quan.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.