Với vai trò quan trọng của thận là lọc máu, duy trì cân bằng muối và điện giải, điều chỉnh huyết áp..., những bệnh lý liên quan đến cơ quan này đều đòi hỏi sự thăm khám thường xuyên. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 khiến việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân đang mắc bệnh thận trở nên khó khăn hơn bình thường. Do lo sợ lây bệnh, nhiều người ngại đến bệnh viện khám định kỳ hoặc trì hoãn chữa bệnh. Cùng lúc này, các bệnh nhân thận nếu mắc Covid-19 có thể diễn biến nặng rất nhanh, thậm chí gây tử vong.
Ngược lại, một số nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân mắc Covid-19 cũng gây ảnh hưởng đến thận, tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Thống kê tại Trung Quốc và Mỹ, khoảng 24-57% bệnh nhân Covid-19 nặng có biểu hiện tổn thương thận cấp mặc dù trước đó không có bệnh lý thận. Theo nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 gây tấn công trực tiếp vào tế bào thận tương tự như cơ chế tấn công tế bào phổi. Virus gây tắc các vi mạch máu của thận, suy giảm chức năng; shock nhiễm khuẩn làm tổn thương ống thận...
Nghiên cứu mới đây của Ziyad Al-Aly - Giám đốc Trung tâm Dịch tễ học lâm sàng (Mỹ) đăng trên tạp chí của Hiệp hội Thận học Mỹ, bệnh nhân F0 sau khi khỏi bệnh có nguy cơ gặp phải triệu chứng tổn thương thận, dù những tổn thương này có thể không có biểu hiện.
Chăm sóc, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân
TTƯT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Niệu khoa - Hội Niệu khoa châu Á, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, tại Việt Nam, Covid-19 là mối nguy với bệnh nhân mắc bệnh thận mạn, nhất là những người đang lọc máu và ghép thận. Các chuyên gia khuyến nghị với người mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối thời dịch nên thực hiện theo hướng dẫn chăm sóc và điều trị, ngăn ngừa nhiễm trùng. Bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ cần ăn uống, vệ sinh, khoa học, bổ sung vitamin và vận động thể chất phù hợp để nâng cao sức đề kháng.
TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó chủ tịch Hội Thận học TP HCM, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ thêm, để chăm sóc tốt đối tượng này cần bệnh viện có trang thiết bị hiện đại, sàng lọc và phòng dịch tốt. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh có thể chuyển sang phương pháp lọc màng bụng tại nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, áp lực của người bệnh và gia đình bệnh nhân sẽ nặng nề hơn.
"Bệnh thận mạn tính là thách thức với người bệnh và gia đình, vì bệnh không thể chữa khỏi. Muốn kéo dài sự sống cần phải chạy thận và chăm sóc suốt đời. Người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ tử vong sớm vì không đủ điều kiện chữa trị, chi phí, chế độ dinh dưỡng, điều kiện ăn ở đi lại... Có đến trên 50% người bệnh chạy thận tử vong dưới 5 năm lọc máu và số người sống từ 10 năm trở lên chỉ chiếm khoảng 15 - 20% tổng số người chạy thận chu kỳ", bác sĩ Tạ Phương Dung nói.
Theo bác sĩ Vũ Lê Chuyên cho biết, bệnh thận mạn tính là dạng bệnh thận phổ biến nhất hiện nay, nguyên nhân hàng đầu xuất phát từ bệnh đái tháo đường. 50% người bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối do đái tháo đường. Tại Mỹ và một số nước châu Á, tỷ lệ này lên tới 60%. Một nguyên nhân khác của bệnh thận mạn tính là huyết áp cao. Khi huyết áp tăng cao, tăng áp lực lên cầu thận, dẫn đến suy giảm chức năng của thận.
Tỷ lệ trẻ mắc bệnh thận bẩm sinh cũng gia tăng, chủ yếu là các bệnh như thiểu sản thận hai bên, thận đa nang, van niệu đạo sau, bàng quang thần kinh... Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, những bệnh nhi mắc bệnh lý cầu thận như hội chứng thận hư, viêm thận lupus... bỏ điều trị, dùng thuốc không rõ nguồn gốc đến khi bệnh tiến triển nặng lên, dẫn tới suy thận mạn. Suy thận cấp nếu kéo dài trong 3 tháng không hồi phục sẽ dẫn đến suy thận mạn. Muốn cứu sống các em phải trông đợi vào ghép thận nhưng đó là hành trình điều trị gian nan.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân
Bên cạnh điều trị, để nâng cao chất lượng sống, chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng rất cần thiết. Nhóm dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể như bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất cho bệnh nhân phải được đảm bảo. Thức ăn chứa nhiều natri, kali, canxi, phốt pho, rượu bia... cần phải hạn chế.
Giảm lượng natri (muối) và protein (đạm) trong khẩu phần ăn hàng ngày vì muối và đạm quá nhiều sẽ tạo gánh nặng cho thận. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng muối mà người trưởng thành sử dụng là 5 gram mỗi ngày. Những người bị bệnh thận nên dùng ít hơn, chỉ 2-4 gram mỗi ngày. Hạn chế ăn các món ăn nhiều muối như kho, dưa muối, các loại mắm.
Người bị thận yếu không nên uống quá nhiều hay quá ít nước. Chăm chỉ tập thể dục để duy trì, ổn định huyết áp, làm giảm mỡ máu, tăng cường sức khỏe tim mạch. Hạn chế sử dụng rượu bia và ngưng hút thuốc lá.
Bác sĩ Tạ Phương Dung chia sẻ thêm, nhiều người Việt lạm dụng thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc chống viêm không steroid và nhiều loại thuốc kê đơn khác được không theo toa bác sĩ. Điều này gây hại trực tiếp cho thận. Không ít loại thực phẩm chức năng quảng cáo như thuốc nên gây hiểu lầm và người bệnh không biết nên đã sử dụng như thuốc chữa bệnh.
Bác sĩ Vũ Lê Chuyên khuyến cáo nhóm đối tượng nguy cơ cao bị tổn thương thận hoặc đang bị bệnh thận cần kiểm tra chức năng của thận thường xuyên. Những đối tượng này gồm người trên 60 tuổi, người sinh ra nhẹ cân, mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường, có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc mắc bệnh thận mạn phải lọc máu hay ghép thận, béo phì, có dấu hiệu bất thường ở thận.
Số liệu thống kê năm 2020 của Hội Thận học thế giới, thế giới có khoảng 850 triệu người bệnh lý mạn tính ở thận như suy thận cấp, suy thận mạn, sỏi thận, viêm cầu thận, viêm thận bể thận cấp, hội chứng thận hư, nang thận, ung thư thận, thận nhi... Trong đó, khoảng 2,5 triệu người bệnh thận đang sống nhờ các biện pháp thay thế như lọc máu, ghép thận.
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận, bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là khoảng 800.000 người, mỗi năm có khoảng 8.000 ca bệnh thận mới.
Ngọc An
Ba chuyên gia thận học TTƯT.PGS Vũ Lê Chuyên, TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương sẽ mang đến những thông tin để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người mắc bệnh thận trong chương trình tư vấn trực tuyến do Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, báo điện tử VnExpress, báo Thanh Niên thực hiện vào lúc 20h ngày 14/10/2021.