Một trong những chủ đề đang gây nhiều tranh luận trái chiều thời gian gần đây là việc dùng tiền để khuyến khích con làm việc nhà. Có ý kiến phản đối vì cho rằng hành động này sẽ khiến con trẻ có cái nhìn lệch lạc về đồng tiền, mất đi tinh thần trách nhiệm với bản thân và gia đình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ cách làm này bởi sẽ dạy cho trẻ biết giá trị của sức lao động, đồng thời kích thích được tinh thần làm việc giúp đỡ cha mẹ của con cái. Theo tôi, vấn đề này còn có nhiều điều để bàn.
Ở đây, không bàn đến tính đúng - sai của việc trả tiền cho con làm việc nhà, bởi mỗi người sẽ có một quan điểm riêng, có những lý lẽ, lập luận để bảo vệ cho chính kiến của mình. Tôi chỉ xin nêu ra một ví dụ cụ thể của bản thân để đóng góp thêm một góc nhìn, cho các bạn thấy ý nghĩa nhất định của việc dùng tiền động viên con cái làm việc.
Gia đình tôi có hai con: bé lớn gần 10 tuổi, bé nhỏ hai tuổi. Như bao đứa trẻ bình thường khác, các con tôi cũng ham chơi và lơ là làm việc nhà, kể cả là các việc cá nhân. Buổi chiều tối, mỗi khi vợ chồng tôi nhắc con đi tắm, chúng đều tìm cách chạy trốn ra ngoài. Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi nhắc các bé đánh răng thì đứa khóc lóc, đứa ăn vạ, chứ chẳng chịu làm ngay. Hay như mấy việc nhà như lau bàn, cất quần áo... đều là một thách thức lớn để bảo các con làm giúp cha mẹ.
>> Dạy con làm việc nhà không đòi trả công
Hiều tính cách của trẻ, vốn thích quậy phá chứ ít đứa nghe lời ngay nên tôi không ép buộc theo kiểu mệnh lệnh bắt con phục tùng mà nghĩ ra một cách khác. Tôi nói với các con rằng: "Con hãy đi tắm ngay bây giờ, bố sẽ thưởng cho con 1.000 đồng để con bỏ ống heo tiết kiệm, sau này muốn mua gì thì mua. Bố để sẵn phần thưởng trên bàn nhé". Thế là con tôi đầy thích thú, chạy ngay đi lấy quần áo và tự mình đi tắm, chẳng cần bố mẹ phải nhắc thêm một câu nào.
Sau đó, tôi còn đặt cả chuông báo hẹn giờ, nhắc nhở cho cả bố mẹ và các con nhớ đến giờ đi tắm. Con tôi từ đó luôn chủ động thực hiện việc đi tắm đúng giờ để được nhận tiền bố cho. Nhờ vậy, tôi rút ra được một bài học rằng trẻ nhỏ nên trao cơ hội được làm những việc nhỏ một cách chủ động.
Cha mẹ nào chẳng mong con cái mình thuần thục các kỹ năng sống cơ bản để sau này có thể tự lập. Nhưng trẻ nhỏ chưa đủ ý thức để phải biết ý nghĩa của những việc làm đó. Chúng chỉ thích vui, thích được khen ngợi, được tặng thưởng, nên cha mẹ chỉ cần lấy đó làm động lực khích lệ là con cái sẽ làm. Thế nên, một phần thưởng nhỏ xíu, đôi khi có giá trị chỉ bằng một cái kẹo, cũng sẽ có tác dụng ngay tức thì với con trẻ.
>> Bạn có đồng tình với quan điểm dạy con như trên? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.