Tranh luận xung quanh vụ việc "Phụ huynh đánh bạn của con", độc giả Phạm Hùng nêu quan điểm:
"Tôi từng tình cờ chứng kiến tận mắt con mình bị một cậu học sinh khác sử dụng bạo lực để bắt nạt. Tôi đã vào tận lớp học, mắng cho cậu học sinh kia một trận trước mặt các bạn khác. Kết quả, cậu ấy không còn dám tái phạm nữa. Một lần khác, thấy con khóc và mách bị bạn cùng lớp dùng vở đánh vào đầu, tôi bực lắm, tính sẽ tìm cậu bạn kia để hỏi chuyện. Ai ngờ, cậu bạn đó chủ động chạy lại kể đầu đuôi sự việc và tôi hiểu ra trong chuyện này con mình cũng có một phần lỗi, nên chỉ dặn cậu bạn đó "lần sau phải nói để người lớn xử lý chứ đừng đánh nhau". Cậu đó ngoan ngoãn "dạ vâng" và vào lớp.
Quan điểm của tôi là phải luôn theo sát con, không chỉ sau cánh cổng trường, mà còn cần phải luôn nắm thông tin của con ngay cả những buổi học trên lớp để kịp thời giải quyết khi có vấn đề. Trong mọi trường hợp, phụ huynh không nên dùng vũ lực, phải kiềm chế để giải quyết tình huống một cách phù hợp nhất. Bây giờ, trong mắt các bạn cùng lớp và cùng khối lớp 2, đều biết rằng con tôi có một ông bố rất nghiêm và luôn theo sát. Lâu rồi, tôi không còn thấy cảnh con mình bị bạo lực học đường hay bị ức hiếp nữa.
Đến giờ, con tôi vẫn còn dấu sẹo ngay dưới mắt do lãnh một hòn đá của bạn, phải khâu bốn mũi, may không hỏng mắt. Gần đây, cũng có vụ "nam sinh lớp 9 đánh bạn tử vong". Giáo dục con cái mỗi người một quan điểm, tôi tôn trọng quan điểm của các bố mẹ khác, nhưng với con, tôi sẽ đóng vai trò như trọng tài: theo dõi sát con mình, nghiêm cấm con mình ăn hiếp người khác, nhưng cũng không để kẻ khác ăn hiếp con mình. Đến khi con đủ tuổi trước pháp luật, tôi sẽ để con tự chịu trách nhiệm với mọi hành vi của mình.
Tôi nghĩ, trong mọi trường hợp, không nên cho phép con mình đánh trả, vì đó cũng chưa phải là phương án tối ưu và phù hợp nhất. Tôi dạy cho con muốn trị kẻ xấu thì chúng ta không nhất thiết phải đối đầu trực tiếp bằng sức, cứ chạy lẹ rồi nhờ đến sự trợ giúp của người lớn hơn (trong trường học là thầy cô, ba mẹ, ra đường có chú công an hoặc những người lớn có tâm). Đây cũng là một cách giáo dục kỹ năng sống cho con trẻ mà nhiều phụ huynh không nhận ra. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng cách xử lý như vậy sẽ khiến trẻ thụ động hoặc gặp khó khăn khi không có ba mẹ bên cạnh. Xã hội vẫn còn rất nhiều người tốt".
>> Khó ngăn bạo lực học đường khi giáo viên 'sợ đủ thứ'
Với quan điểm trái ngược, bạn đọc Duc pham lại cho rằng cha mẹ không nên can thiệp quá sâu vào chuyện ở trường lớp của con cái:
"Năm nay tôi đã bước sang tuổi 31, con tôi đang hai tuổi, sắp tới sẽ đi học. Ngày xưa, tôi còn nhớ thời học mẫu giáo, tôi đã vật nhau với bạn học cùng lớp. Lên cấp một, tôi thường xuyên bị thầy cô đánh đòn vì hỗn hào. Sang cấp hai, tôi đánh nhau với bạn và cũng bị đánh nhiều lần. Đến cấp ba, tôi bị đánh là chủ yếu. Nguyên nhân bị đánh rất đơn giản: học giỏi nên bị ghen tỵ, nhiều bạn gái thích nên bọn con trai khác ghét...
Tôi bị như vậy nhưng cha mẹ tôi chưa một lần phải can thiệp tới những chuyện đó. Nếu có xô xát, thậm chí bị chặn đường đi học, tôi cũng tự tìm cách giải quyết thay vì nhờ tới cha mẹ. Tất cả những điều đó, tôi nghĩ ai cũng sẽ gặp phải đâu đó ít nhất một lần trong đời. Môi trường học đường cũng là một thử thách mà tự bản thân mỗi học sinh nên rèn luyện bản lĩnh và sự khôn ngoan để vượt qua. Sau này, các em sẽ bản lĩnh và tự tin hơn khi ra ngoài xã hội.
Cha mẹ chỉ nên can thiệp khi sự việc đi quá xa, thực sự nguy hiểm đến con em mình (như bị giang hồ đe dọa tính mạng, không dám đi học...). Con tôi là con trai, nên tôi sẽ cho cháu đi học võ để phòng thân khi cần và tự tin hơn trong mọi trường hợp".
>> Bạn sẽ làm gì khi con bị bạn đánh? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.