Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km dự kiến khai thác từ tháng 9 tới theo đúng kế hoạch. Dự án có quy mô 4 làn xe rộng 17 m. Hiện, toàn tuyến được bố trí 18 điểm dừng khẩn cấp, dừng khẩn cấp mỗi bên chỉ có ở cuối tuyến. Giai đoạn hoàn chỉnh đường mới được mở rộng thành 32 m, 6 làn xe, trong đó có hai làn khẩn cấp.
Nhận định về việc cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đưa vào hoạt động khi chưa có làn khẩn cấp hai bên, độc giả Htc lo ngại: "Tại sao cao tốc không có làn dừng khẩn cấp, nếu xe nào đang đi mà có sự cố thì biết dừng ở đâu đây? Dừng giữa làn xe chạy sẽ vô cùng nguy hiểm?".
So sánh việc cao tốc không có làn khẩn cấp, bạn đọc Henry cho rằng: "Làm cao tốc mà không có làn khẩn cấp thì khác nào xây chung cư mà không có lối thoát hiểm".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của làn khẩn cấp trên cao tốc, độc giả Thuan Quy Nguyen chia sẻ: "Tôi cho rằng, tuyến đường này cần bổ sung ngay phải có làn dừng khẩn cấp thì mới hội đủ tiêu chuẩn về đường cao tốc. Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5729:1997, đường cao tốc là loại đường chuyên dùng cho ôtô với đặc điểm: tách riêng hai chiều (mỗi chiều tối thiểu phải có hai làn xe); mỗi chiều đều có bố trí làn dừng xe khẩn cấp trên đường có bố trí đầy đủ các trang thiết bị, các cơ sở phục vụ cho việc bảo đảm giao thông liên tục... Có như vậy mới đảm bảo an toàn khi tuyến cao tốc đi vào hoạt động".
>> Hai xe cứu thương 'chôn chân' vì dòng ôtô chiếm làn khẩn cấp
Trong khi đó, với quan điểm trái ngược, bạn đọc Voca lý giải nguyên nhân tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm chưa cần làn khẩn cấp vẫn có thể hoạt động tốt: "Nhu cầu đi lại, mật độ giao thông ở tuyến này không quá cao, nên có thể làm trước như vậy là phù hợp. Phần tiền thừa (khi chưa làm làn khẩn cấp) có thể làm được thêm 25 km cao tốc ở nơi khác.
Mà quan trọng nhất, cao tốc chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi mạng lưới được hình thành và kết nối. Nếu cố làm cho đúng chuẩn ngay từ đầu thì sẽ phải mất nhiều năm nữa mới đủ vốn để kết nối chúng thành mạng lưới. Bây giờ, cứ tranh thủ kết nối trước đã để phát huy hiệu quả toàn hệ thống, mặt bằng cũng giải tỏa sẵn rồi, nên khi nào lưu lượng xe tăng cao thì mở rộng sau cũng không có trở ngại gì.
Nếu học về quản lý dự án và kinh tế vi mô, các bạn sẽ hiểu cách người ta tính toán và so sánh phương án tài chính. Lấy ví dụ đơn giản, tại sao không làm sân bay 100 triệu khách ngay từ đầu, mà phải nâng dần công suất thiết kế lên thành 25, 50, 75 triệu khách trước? Phần công suất chưa sử dụng chính là phần vốn không tạo ra lợi nhuận, chúng tạo ra thêm chi phí vận hành, bảo trì, trả lãi vay, giảm thời hạn khai thác, sử dụng của một phần dự án, và khiến phương án tài chính tổng thể không phải là phương án tối ưu.
Tương tự, việc nâng cấp đường cao tốc có thể sẽ tốn thêm vốn so với khi làm hết một lần, nhưng nếu phần vốn tăng thêm nhỏ hơn chi phí của việc đọng vốn nếu làm một lần (ví dụ lãi vay trên phần chênh lệch với giai đoạn 1 của dự án, giảm thời gian khai thác...) thì việc chia giai đoạn nâng cấp vẫn sẽ hiệu quả hơn".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.