Anh ngày 5/12 ghi nhận 246 ca nhiễm biến chủng Omicron, sau đó tăng lên 437 ngày 7/12. Đến ngày 9/12, nước này phát hiện 817 ca Omicron, mức tăng gần gấp đôi sau mỗi hai ngày.
Giáo sư John Edmunds, nhà dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London kiêm thành viên nhóm cố vấn khoa học về tình huống khẩn cấp của chính phủ (SAGE), cảnh báo rằng Omicron ở Anh có thể lây lan nhanh hơn ở Nam Phi, nơi đầu tiên báo cáo biến chủng mới hồi cuối tháng 11.
Dù số ca nhiễm Omicron hiện tại chỉ chiếm một phần nhỏ trong trung bình 48.000 ca nhiễm mới mỗi ngày ở Anh, Cơ quan An ninh Y tế của chính phủ Anh cảnh báo nếu tiếp tục tốc độ này, "chúng tôi sẽ thấy ít nhất 50% số ca nhiễm mới là chủng Omicron trong 2-4 tuần tới".
Edmunds đồng tình với nhận định đó. Phát biểu tại hội thảo trực tuyến của Hiệp hội Y khoa Hoàng gia hôm 9/12, ông cho rằng "rất có khả năng" ca nhiễm Omicron ngoài cộng đồng cao hơn nhiều so với báo cáo và con số này sẽ tăng vọt trong những tuần tới.
Số ca nhiễm Omicron tăng theo cấp số nhân tại Anh, quốc gia đã dỡ bỏ gần như toàn bộ biện pháp hạn chế phòng dịch, khiến không ít người lo ngại. "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang đối mặt với một mùa đông khủng khiếp", Peter English, cựu cố vấn về kiểm soát dịch bệnh ở Anh, nói.
Biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/11. Tuy nhiên, khả năng lây lan và độc lực của nó vẫn chưa được làm rõ, khi các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nỗ lực chạy đua với thời gian để giải mã về mức độ nguy hiểm của biến chủng này.
Dù còn nhiều điều chưa biết về Omicron, giới chuyên gia Anh nhận định những diễn biến hiện nay là đáng lo ngại. Jeffrey Barrett, giám đốc sáng kiến về giải trình tự gene nCoV tại Viện Wellcome Sanger ở Anh, nói những dữ liệu mới đã cho thấy rõ Omicron sẽ lây lan nhanh "ngay cả ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng rất cao như Anh".
Với 70% dân số Anh đã tiêm chủng đầy đủ và 32% đã tiêm liều tăng cường, số ca nhiễm Omicron tăng gấp đôi sau mỗi hai ngày là điều "thực sự đáng chú ý".
"Tôi nghĩ chúng tôi chưa thấy tốc độ tăng như vậy kể từ tháng 3/2020, khi virus bắt đầu lây lan ở Anh và không ai trong chúng tôi thực sự biết bất kỳ điều gì về nó", ông nói.
Ngay cả khi Omicron ít nghiêm trọng hơn như các nghiên cứu sơ bộ từ Nam Phi, các chuyên gia vẫn cảnh báo nếu số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân và chỉ một phần nhỏ trong số đó phải nhập viện, hệ thống y tế vẫn có thể đối mặt nguy cơ quá tải và số ca tử vong tăng.
Tiến sĩ Barrett cho biết Omicron khiến ông lo lắng hơn những biến chủng trước. Dù các ca nhiễm Omicron có dấu hiệu ít nghiêm trọng hơn và vaccine dường như vẫn hiệu quả, ông cho rằng "bất kỳ quốc gia nào không nên đánh cược" với biến chủng mới.
Trước tình hình ca nhiễm tăng và cảnh báo của các chuyên gia, cố vấn, chính phủ Anh ngày 8/12 đã quyết định tung "đòn phủ đầu", kích hoạt "Kế hoạch B" ứng phó dịch bệnh.
Sau nhiều tháng "sổ lồng", Anh lần đầu tiên yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng và phải trình chứng nhận tiêm chủng tại một số địa điểm, đồng thời kêu gọi làm việc tại nhà nếu có thể. Đây được coi là sự thay đổi đáng chú ý của Thủ tướng Boris Johnson, người đã phản đối các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn ngay cả khi châu Âu tiếp tục là tâm dịch thế giới trong những tháng qua.
"Không ai muốn phải tái áp đặt các biện pháp này. Nó gây tổn hại lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực khách sạn và bán lẻ. Nhưng thật tiếc chúng tôi phải làm điều đó", Edmunds nói. "Tôi không cho rằng bất kỳ điều gì chúng tôi làm bây giờ là phản ứng thái quá".
Cố vấn y tế chính phủ Anh thêm rằng chỉ hạn chế đi lại là không đủ để giải quyết vấn đề.
Susan Hopkins, cố vấn y tế trưởng của Cơ quan Anh ninh Y tế Anh, cảnh báo "ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Omicron có khả năng lây nhiễm cao và cho thấy nó có thể làm giảm hiệu quả của vaccine", dẫn kết quả nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm.
Cơ quan An ninh Y tế Anh hôm 8/12 công bố dữ liệu chỉ ra nguy cơ Omicron lây lan trong các hộ gia đình tăng, một chỉ số quan trọng cho thấy mức độ lây lan của biến chủng. Tuy nhiên, cơ quan này nhấn mạnh đây mới là những dữ liệu sơ bộ và cần nghiên cứu sâu hơn.
Giới chuyên gia lo lắng Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) có thể chịu nhiều áp lực trong thời gian tới. Tiến sĩ English cho biết có rất nhiều nhân viên NHS đã nghỉ việc hoặc bị kiệt sức sau nhiều tháng đối phó với đại dịch.
"Chúng tôi sẽ có thể đối mặt với một làn sóng khác, rất có thể do Omicron gây ra. Tôi thực sự cảm thông với những đồng nghiệp đang vất vả làm việc tại các cơ sở y tế vào lúc này", ông nói.
Một số bệnh viện Anh một lần nữa phải hủy dịch vụ chăm sóc tự chọn, chiến lược để giải phóng nguồn lực và tập trung điều trị cho bệnh nhân Covid-19, theo tiến sĩ Chaand Nagpaul, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Anh. Nhiều bệnh nhân phải chờ đợi hàng giờ trên xe cứu thương trước khi có thể nhập viện.
"Dù số ca nhập viện vì Covid-19 hiện tại thấp hơn rất nhiều so với mùa đông năm ngoái, chúng tôi không được tự mãn và phớt lờ thực tế số ca nhiễm Omicron tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày", ông nói.
Giới chuyên gia cho rằng Anh cần phải có những biện pháp mạnh hơn cả "Kế hoạch B", đặc biệt khi Giáng sinh và năm mới cận kề, để tránh nguy cơ xuất hiện những bữa tiệc siêu lây nhiễm.
Giáo sư Edmunds nói cần tiêm tăng cường cho người dân "càng nhanh càng tốt" bởi nó sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể trong nỗ lực ứng phó Omicron.
"Chúng tôi chắc chắn chưa thoát khỏi tình thế nguy hiểm", Edmunds cảnh báo. "Tôi nghĩ hai tháng tới Anh sẽ chứng kiến một làn sóng Omicron khá lớn. Chúng tôi sẽ ghi nhận rất nhiều ca nhiễm, kéo theo nhiều ca nhập viện và có thể là nhiều ca tử vong. Tôi khá chắc chắn về điều này".
Thanh Tâm (Theo NY Times, Guardian)