Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung hôm 30/11 so sánh biến chủng Omicron với trò chơi tung xúc xắc rắn leo thang.
"Chúng ta không biết lần tung xúc xắc tiếp theo sẽ thế nào và chúng ta sẽ tiến đến đâu. Nó có thể chỉ là một biến chủng không gây tác động lớn", Ong nói trong cuộc họp báo, thêm rằng Singapore sẽ tiếp tục lộ trình chuyển sang sống chung với Covid-19 như "một quốc gia kiên cường".
Tuy nhiên, giới chức không liều lĩnh, dù tới nay chưa phát hiện ca nhiễm Omicron nào ở Singapore.
Từ ngày 3/12, Singapore sẽ siết chặt quy định xét nghiệm với tất cả hành khách nhập cảnh, gồm cả cư dân từ nước ngoài trở về và người quá cảnh ở sân bay Changi, yêu cầu kết quả xét nghiệm trước khi khởi hành và xét nghiệm PCR khi tới quốc gia này.
Singapore, quốc gia đã mở 27 hành lang đi lại không cách ly với người đã tiêm chủng (VTL), sẽ trì hoãn kế hoạch tương tự với Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Arab Saudi, các điểm trung chuyển quan trọng tới các nước bị ảnh hưởng bởi Omicron.
Những người thuộc diện hành khách VTL từ ngày 3/12 sẽ được yêu cầu xét nghiệm nhanh kháng nguyên ngày thứ ba và thứ bảy sau khi đến Singapore.
Bất kỳ ai nhiễm Omicron không được phép tự điều trị ở nhà mà phải chuyển đến cách ly tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia tới khi khỏi. Tương tự, các trường hợp tiếp xúc gần cũng phải cách ly tại trung tâm được chỉ định. Giới chức Singapore thêm rằng quy định cho phép tụ tập không quá 5 người sẽ không được nới lỏng.
Malaysia ngày 1/12 thông báo cấm nhập cảnh với hành khách từ các nước ghi nhận ca nhiễm Omicron hoặc bị liệt vào danh sách nguy cơ cao. Quốc gia Đông Nam Á cũng hoãn kế hoạch thiết lập hành lang đi lại cho người tiêm chủng với các nước trong nhóm này.
Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin thông báo không tiếp nhận hành khách trên các chuyến bay thẳng hoặc quá cảnh từ Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Zimbabwe và Malawi. Ông Khairy cho biết danh sách quốc gia bị cấm nhập cảnh sẽ được cập nhật hàng ngày.
Người dân Malaysia từ những quốc gia này có thể trở về nước nhưng phải cách ly bắt buộc 14 ngày tại cơ sở do chính phủ chỉ định.
Ngày 30/11, Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein nói chính phủ sẽ dừng kế hoạch chuyển sang trạng thái xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Bộ trưởng Khairy kêu gọi người dân tuân thủ các quy định kiểm soát dịch, lưu ý rằng "Omicron có thể dễ lây lan hơn Delta, nhưng chúng ta chưa biết độc lực của nó".
Người nước ngoài từng đến Nam Phi, Namibia, Botswana, Lesotho, Mozambique, Eswatini, Malawi, Zimbabwe, Angola, Zambia và Hong Kong trong 14 ngày qua sẽ bị cấm nhập cảnh vào Indonesia. Công dân Indonesia từng tới các địa điểm trên có thể trở về nước nhưng phải cách ly 14 ngày.
Các hành khách quốc tế và người Indonesia đến từ các nơi khác sẽ phải cách ly một tuần, thay vì ba ngày như trước. Chính phủ Indonesia cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình dịch và cập nhật các quy định phù hợp.
Bali và Jakarta sẽ phải nâng các biện pháp hạn chế cộng đồng lên cấp độ 2, thay vì cấp độ 1 như trước. Với quy định này, văn phòng và nhà hàng chỉ được hoạt động 50% công suất, trong khi siêu thị là 75%.
Những thay đổi diễn ra khi Indonesia chỉ mới bắt đầu mở cửa và cho phép nhập cảnh với người tiêm chủng đầy đủ từ 19 quốc gia từ tháng 10. Quốc gia này đến nay chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Omicron.
Từ ngày 28/11, Philippines cấm tất cả hành khách từ 14 quốc gia châu Phi và châu Âu, dự kiến kéo dài ít nhất tới 15/12. Du khách đến từ Hong Kong ban đầu cũng bị đưa vào danh sách cấm sau khi thành phố phát hiện ca nhiễm ở khách sạn cách ly, nhưng sau đó Bộ Y tế Philippines cho rằng động thái này chưa cần thiết.
Hong Kong hiện vẫn trong "danh sách vàng", yêu cầu người đã tiêm chủng đầy đủ cách ly ba ngày tại cơ sở chỉ định và xét nghiệm hai lần. Nếu cả hai lần âm tính, du khách sẽ được phép cách ly tại nhà thêm 14 ngày. Người chưa tiêm chủng phải cách ly 7 ngày tại cơ sở chỉ định và được xét nghiệm trước khi cho phép cách ly tại nhà 14 ngày sau đó.
Những nước nằm trong "danh sách đỏ" của Philippines, bị cấm nhập cảnh bất kể tình trạng tiêm chủng, gồm Áo, Cộng hòa Czech, Hungary, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Italy, Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini và Mozambique.
Bộ trưởng Y tế Francisco Duque ngày 29/11 cảnh báo Omicron xuất hiện ở Philippines chỉ là vấn đề thời gian. Thông thường, hàng triệu người Philippines ở nước ngoài sẽ trở về nhà vào tháng 12 để đón Giáng sinh cùng gia đình.
Thái Lan chưa ghi nhận ca nhiễm chủng Omicron, nhưng có thể sẽ hoãn kế hoạch thay xét nghiệm PCR đối với người nhập cảnh bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Ngày 28/11, Bộ trưởng Y tế Công cộng thông báo du khách đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe bị cấm nhập cảnh từ 1/12. Ngoài ra, những người đến từ các nước châu Phi khác sẽ không được phép vào Thái Lan theo chương trình Sandbox, cho phép nhập cảnh không cách ly ở một số tỉnh như Phuket. Họ sẽ được yêu cầu cách ly 14 ngày và xét nghiệm PCR ba lần.
Hành khách quốc tế tới sân bay New Delhi và một số sân bay lớn khác ở Ấn Độ từ ngày 1/12 có thể phải đợi thêm ít nhất 6 tiếng để hoàn thành quy định xét nghiệm bắt buộc mới với các nước có nguy cơ. Sàng lọc ở sân bay và cảng đã được mở rộng.
New Delhi không cấm các chuyến bay từ Nam Phi, Hong Kong và Botswana nhưng hành khách đến hoặc quá cảnh ở các địa điểm này sẽ phải xét nghiệm PCR khi đến Ấn Độ và chờ kết quả trước khi rời sân bay.
Mọi bang đều được yêu cầu truy vết người đến từ nước ngoài trong tháng qua, đồng thời tăng cường xét nghiệm. Ấn Độ đã giải trình tự gene hàng trăm mẫu sinh phẩm từ ngày 26/11, nhưng chưa phát hiện trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.
Bang Maharashtra đã áp quy định cách ly bắt buộc 7 ngày đối với du khách quốc tế đến từ các nước có nguy cơ trong thông báo của chính phủ, theo Bloomberg. Hành khách chỉ được phép tiếp tục các chuyến bay nếu có kết quả xét nghiệm âm tính. Tất cả người nước ngoài bay tới thành phố Bengaluru, phía nam Ấn Độ, cũng phải cách ly 7 ngày.
Tuần trước, Ấn Độ thông báo nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 15/12, nhưng kế hoạch đang được cân nhắc lại.
Giới chức các bang cũng có những biện pháp mạnh tay để tăng tỷ lệ người tiêm chủng mũi hai. Bang Kerala tuyên bố người không tiêm mũi hai sẽ không được điều trị miễn phí nếu nhiễm virus.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 30/11 thúc giục giới chức lập tức siết giám sát nhập cảnh, ngay sau khi cơ quan y tế báo cáo ca nghi nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.
"Biến chủng có thể phá tan những nỗ lực ngăn chặn Covid-19", ông Moon cảnh báo.
Ngày 28/11, Hàn Quốc áp lệnh cấm nhập cảnh với 8 quốc gia châu Phi, gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi.
Du khách đã tiêm chủng từ các nước khác phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính khi đến nơi, sau đó làm xét nghiệm lần hai tại trung tâm y tế địa phương và tự cách ly cho đến khi có kết quả. Người có kết quả âm tính được miễn cách ly nhưng phải làm thêm xét nghiệm vào ngày thứ sáu hoặc thứ bảy sau khi đến Hàn Quốc.
Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Hàn Quốc lần đầu vượt ngưỡng 5.000 vào ngày 1/12, sau khi chính phủ nới các biện pháp giãn cách xã hội từ đầu tháng 11 - bước đầu tiên trong nỗ lực quay lại cuộc sống bình thường.
Nhật Bản ngày 1/12 tuyên bố từ chối nhập cảnh với công dân 10 quốc gia phía nam châu Phi, khu vực lần đầu phát hiện biến chủng Omicron, ngay cả khi họ là thường trú nhân ở quốc gia Đông Á này. Danh sách 10 nước gồm Angola, Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe.
Quy định mới được bổ sung sau khi Tokyo đầu tuần này công bố lệnh cấm nhập cảnh với tất cả người nước ngoài không thuộc diện thường trú nhân tại Nhật Bản. Quy định này có hiệu lực từ ngày 2/12 và chính phủ Nhật cho biết chưa ấn định ngày nới lỏng.
Các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt hơn cũng được tái áp đặt. Công dân Nhật Bản và người nước ngoài có giấy tờ thường trú ở nước này đều phải cách ly 10 ngày tại cơ sở do chính phủ chỉ định sau khi nhập cảnh.
Nhật hiện ghi nhận hai ca nhiễm biến chủng mới, gồm một người đến từ Peru, nhập cảnh tháng trước, và một người đàn ông đến từ Namibia.
Omicron khiến Australia quyết định trì hoãn hai tuần kế hoạch mở cửa với lao động nhập cư có tay nghề và du học sinh, vốn được ấn định có hiệu lực từ ngày 1/12. Công dân trở về từ các nước phía nam châu Phi bắt buộc phải cách ly hai tuần.
Người Australia đã tiêm chủng đi từ các nước khác phải cách ly 72 giờ khi đến Sydney và Melbourne. Các bang khác của Australia chưa mở cửa biên giới quốc tế.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 29/11 nói nước này sẽ chuyển sang sống chung với Covid-19 từ cuối tuần, nhưng vẫn đóng biên với hầu hết khách quốc tế thêm 5 tháng. New Zealand không tiếp nhận người nước ngoài đi từ 9 quốc gia phía nam châu Phi. Công dân New Zealand đi từ những nước này được nhập cảnh nhưng vẫn phải cách ly tập trung 14 ngày.
Thanh Tâm (Theo SCMP)