Ngày 5/12, cơ quan an ninh y tế Anh ghi nhận thêm 86 ca nhiễm Omicron, nâng tổng số trường hợp nhiễm biến chủng mới của nước này lên 246. Tổng số ca nhiễm Omicron một ngày trước đó là 160, đồng nghĩa các trường hợp nhiễm biến chủng này tăng hơn 50% chỉ trong một ngày.
Đan Mạch phát hiện 183 ca Omicron, tăng gấp ba lần chỉ trong 48 giờ. Cả hai quốc gia châu Âu này được xem là những nước đi đầu về xét nghiệm và giải trình gene để theo dõi quá trình lây lan và đột biến của virus.
Tiến sĩ Peter J. Hotez, hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia thuộc Đại học Y Baylor, cho hay số ca Omicron được xác nhận hiện nay vẫn quá ít so với khoảng 44.000 ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày ở Anh, chủ yếu là chủng Delta, nên khó có thể xác định được mối đe dọa thực sự của biến chủng mới. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu ca nhiễm Omicron tăng bằng 10% số ca Delta vào cuối tuần tới, nguy cơ biến chủng mới này trở thành chủng trội toàn cầu thay thế Delta là rất cao.
Biến chủng Omicron lần đầu được báo cáo ở phía nam châu Phi vào cuối tháng 11 và sau đó được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào nhóm đáng lo ngại. Giới khoa học hiện chưa có dữ liệu chắc chắn về khả năng lây lan và độc lực của Omicron, cũng như mức độ né tránh kháng thể của nó.
Kể từ khi Omicron xuất hiện, châu Âu và nhiều nước trên thế giới đã lập tức áp các biện pháp hạn chế đi lại với khu vực phía nam châu Phi để ngăn dịch lây lan. Tuy nhiên, một số chính phủ châu Âu lại chần chừ áp hạn chế đi lại trong nước trước thềm dịp lễ Giáng sinh và năm mới, sau khi phần lớn châu Âu đã phải phong tỏa trong mùa đông năm ngoái.
Thay vào đó, các nước tập trung vào hạn chế nhập cảnh và yêu cầu xét nghiệm nhiều hơn với người đến từ nước ngoài. Nhưng không ít người lo ngại rằng các biện pháp này là quá ít và quá muộn để ngăn Omicron.
"Tôi nghĩ đây có thể là trường hợp mất bò mới lo làm chuồng", Mark Woolhouse, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh kiêm cố vấn chính phủ, nói. "Đã quá muộn để tạo ra sự khác biệt cho làn sóng Omicron này".
Dù số ca nhiễm Omicron tăng hơn 50%, chính phủ Anh tới nay vẫn khuyến nghị công chúng tiếp tục cuộc sống như bình thường cùng các kế hoạch nghỉ lễ cuối năm, dù kêu gọi người dân đẩy mạnh tiêm vaccine tăng cường. Phó thủ tướng Anh Dominic Raab gọi đó là "sự bảo vệ chắc chắn nhất".
"Thông điệp của chúng tôi là hãy tận hưởng Giáng sinh năm nay", ông nói. "Chiến dịch tiêm vaccine cho phép chúng ta làm điều đó".
Không ít chuyên gia y tế công cộng cho rằng các biện pháp hạn chế đi lại ở phần lớn châu Âu không đủ để ngăn Omicron xâm nhập và lây lan. Một số nước châu Âu có thể đang phải trả giá vì lơ là cảnh giác, không áp đặt các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang trong nhà và giãn cách xã hội, hay không yêu cầu mọi người cách ly ở nhà nếu từng tiếp xúc ca nhiễm.
Jeremy Farrar, giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust và cựu thành viên hội đồng cố vấn khoa học của chính phủ Anh, trong bài viết trên Observer nói rằng sự trỗi dậy của Omicron là dấu hiệu cho thấy các nước châu Âu đang "hoang phí" những thành tựu mà họ đã đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch.
Theo ông, các nước giàu đã "bị ru ngủ" với suy nghĩ rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch đã qua. "Biến chủng này nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chúng ta vẫn ở gần điểm bắt đầu đại dịch hơn là kết thúc", Farrar nói.
Henrik Ullum, người đứng đầu Viện Huyết thanh Statens, cơ quan y tế công cộng Đan Mạch, nói lo ngại đã gia tăng sau khi hơn 180 ca nhiễm biến chủng Omicron được ghi nhận tại quốc gia này.
"Chuỗi lây nhiễm cộng đồng đang diễn ra",Ullum nói, khi quốc gia này phát hiện ca nhiễm ở những người không ra nước ngoài gần đây hoặc tiếp xúc với du khách nước ngoài.
Một số nước châu Âu gần đây tăng cường các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội giữa lúc số ca nhiễm tăng. Bỉ yêu cầu mọi người làm việc tại nhà và ra lệnh đóng cửa trường học một tuần trước Giáng sinh. Italy cấm người chưa tiêm vaccine tham gia một số hoạt động giải trí, trong khi Ireland đóng cửa câu lạc bộ đêm và hạn chế tụ tập.
Đức cấm người chưa tiêm chủng tại nhiều khu vực công cộng. Quốc gia vốn chần chừ đưa ra các quy định mang tính cưỡng chế trong đại dịch này đã có kế hoạch bắt buộc tiêm chủng vào năm tới, dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Đức tuần qua ghi nhận trung bình hơn 53.000 ca nCoV mới mỗi ngày, tăng 9% so với trung bình hai tuần trước. Số ca tử vong trung bình hàng ngày tính đến 5/12 là 298, tăng 48% trong hai tuần qua. Đức báo cáo các ca nhiễm và nghi nhiễm chủng Omicron đầu tiên vào cuối tuần trước. Thủ đô Berlin cũng xuất hiện ca nhiễm chủng mới đầu tiên vào ngày 2/12.
Trong khi đó, làn sóng phản đối biện pháp hạn chế đã nổi lên ở một số nước. Ngày 4/12, hàng chục nghìn người ở Áo đã biểu tình tuần thứ hai liên tiếp để phản đối quyết định áp lệnh phong tỏa mới nghiêm ngặt và kế hoạch bắt buộc tiêm chủng của chính phủ.
Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo các nước châu Âu chưa nỗ lực hết mình để ngăn biến chủng Delta. Tuần này, họ tiếp tục đưa ra những cảnh báo đó và kêu gọi hành động, khi Omicron đe dọa châu Âu.
Michael Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, tuần trước nói các nước châu Âu cần có thêm nhiều biện pháp phòng ngừa trong giai đoạn này để bảo vệ người dân.
"Chúng ta sẽ phải kiên nhẫn một chút để biết được tác động thực sự của Omicron, nhưng chắc chắn chúng ta đang phải đối phó với một cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng đó đang diễn ra ở châu Âu và được thúc đẩy bởi biến chủng Delta", ông nói.
Ryan thêm rằng đã đến lúc "mọi người phải tái cam kết kiểm soát một đại dịch do rất nhiều biến chủng của một loại virus gây ra".
Thanh Tâm (Theo NY Times)