Giới nghiên cứu đang phản ứng với Omicron khẩn trương hơn mọi biến chủng nCoV trước đây. Biến chủng này có tới 50 đột biến so với chủng gốc, trong đó khoảng 32 đột biến trên protein gai, thành phần giúp virus xâm nhập tế bào, làm dấy lên lo ngại về mức độ lây lan và độc lực của nó.
Các bác sĩ Nam Phi ngày 23/11 bắt đầu nghi ngờ về một biến chủng mới, sau khi Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi (SAMA) Angelique Coetzee ghi nhận triệu chứng khác thường ở một số bệnh nhân Covid-19.
Bác sĩ Coetzee khi đó cho biết hàng loạt bệnh nhân Covid-19 đến phòng khám tư của bà ở thủ đô Pretoria với biểu hiện cực kỳ mệt mỏi, nhưng không ai bị mất khứu giác hay vị giác. "Triệu chứng của họ rất khác lạ và nhẹ hơn nhiều so với những người mà tôi từng điều trị", Coetzee cho biết.
Trong vòng 36 tiếng sau, các nhà nghiên cứu đã thu thập và phân tích mẫu bệnh phẩm từ 100 người nhiễm, rồi lập tức cảnh báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo nhà di truyền học Tulio de Oliveira của Trường Y Nelson Mandela.
Một tiếng sau khi phát cảnh báo đầu tiên cho cộng đồng y học thế giới, các chuyên gia Nam Phi bắt tay vào thí nghiệm về mức độ hiệu quả của vaccine với Omicron. Trong gần một tuần sau đó, hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới, cả chính phủ lẫn tư nhân, đều đang cùng nhau chạy đua với thời gian tham gia vào nỗ lực này.
Họ đều đang gấp rút rà soát lại dữ liệu từ những ca nCoV gần đây, sàng lọc hành khách mới nhập cảnh và giải trình tự gene biến chủng mới để tính toán xem nó đã lan xa tới đâu. Mức độ khẩn trương của cuộc đua cho thấy sức ép mà chính phủ các nước đang hứng chịu khi phải quyết định một cách nhanh chóng những biện pháp cần thiết nhằm ứng phó với biến chủng mới.
"Nhiều nước và hãng dược đang điều tra biến chủng mới. Tôi tin chúng ta sẽ sớm hiểu rõ hơn về nó", nhà virus học Bỉ Marc Van Ranst thuộc Đại học Công giáo Leuven ngày 28/11 chia sẻ.
Van Ranst cho rằng những nghiên cứu nhanh nhất có thể được công bố trong một hoặc hai tuần tới. Ông không vội ủng hộ kết luận biến chủng gây bệnh nhẹ từ các nhà khoa học Nam Phi, lưu ý mẫu nghiên cứu của các đồng nghiệp ở nước này đang tập trung vào người trẻ.
"Omicron chưa chạm đến nhóm dân số già. Chúng ta cần chờ xem triệu chứng khi điều này xảy ra", ông nói.
Theo giới chuyên gia, nỗ lực toàn cầu nhằm làm rõ câu hỏi liệu vaccine có giảm hiệu quả trước biến chủng mới hay không sẽ giúp giảm nhiễu loạn thông tin và chính sách chống dịch vài ngày qua trên khắp thế giới.
Trong lúc chờ thêm thông tin về Omicron, nhiều nước đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp đề phòng như tiếp tục ra quy định đeo khẩu trang, hạn chế đi lại và đóng biên giới như một cách "câu giờ". Hàng loạt nước siết nhập cảnh từ khu vực phía nam châu Phi, dù nhiều nhà khoa học và lãnh đạo Nam Phi chỉ trích động thái này, cho rằng thông tin về Omicron đã bị "thổi phồng".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 30/11 bày tỏ quan ngại sâu sắc về các lệnh hạn chế đi lại, kêu gọi chính phủ các nước xem xét những biện pháp thay thế, trong đó có xét nghiệm nhiều lần nhằm "tránh nguy cơ lây lan và cho phép hoạt động đi lại và kinh tế diễn ra".
Penny Moore, nhà virus học thuộc Viện Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi, cho biết nhóm nghiên cứu của bà đang tiến nhanh nhất trong cuộc đua giải mã về mức độ bảo vệ của vaccine Covid-19 trước biến chủng mới.
Bà cùng đội ngũ cộng sự thu thập mẫu máu từ người đã đạt miễn dịch với nCoV và chuẩn bị thí nghiệm với phiên bản nhân tạo của Omicron. Quá trình tạo ra "virus giả" có đầy đủ đột biến của Omicron tốn nhiều công sức, nhưng có thể giúp nhóm nghiên cứu thu được kết quả hoàn thiện sau khoảng 10 ngày.
Moore cho biết trong tuần qua nhóm đã nhận được khoảng 50 đề nghị hợp tác từ các đồng nghiệp trên thế giới, mong muốn tăng tốc nỗ lực toàn cầu tìm hiểu về Omicron.
Bà nhắc lại bài học từ biến chủng Beta, cũng được phát hiện đầu tiên bởi Nam Phi. Theo bà, thế giới đã gặp may mắn khi Beta không tiến hóa về tốc độ lây nhiễm.
Alex Sigal, nhà virus học ở Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi, chọn hướng đi khác: Ông và cộng sự "nuôi" virus sống. Vì muốn mô phỏng khả năng lây nhiễm thực tế của biến chủng, họ sẽ thí nghiệm phiên bản virus này với mẫu máu của người đã được tiêm vaccine lẫn người đã bình phục Covid-19.
Sigal thừa nhận phương pháp của nhóm cần nhiều thời gian hơn, nhưng hứa hẹn mang lại bức tranh hoàn thiện hơn về hiệu lực của vaccine trước biến chủng mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng những công cụ cần thiết để "giải mã" Omicron hiện chủ yếu tập trung ở các nước giàu, đồng nghĩa virus ở nhiều khu vực nghèo hơn trên thế giới chưa được giám sát chặt chẽ. Hơn 80% trong số khoảng 5 triệu trình tự gene được đăng lên cơ sở dữ liệu Gisaid đến từ châu Âu và Bắc Mỹ.
"Chúng ta đang bay mù ở nhiều nơi khác trên thế giới, trong đó có những khu vực tỷ lệ tiêm chủng đang rất thấp", Peter Bogner, người sáng lập Gisaid, hệ thống giúp thúc đẩy chia sẻ dữ liệu về nCoV, nói. "Điều quan trọng nhất bây giờ là cần cải thiện tầm nhìn ở những khu vực mà chúng ta đang bay mù đó".
Trung Nhân (Theo NY Times/Brussels Times)