Tôi sống ở ngoại thành Sài Gòn những đã ở thành phố này từ năm 1993, đến nay tròn 30 năm. Vì tôi sống 30 năm ở Sài Gòn nên tôi đã chứng kiến nhiều đợt sốt đất.
Năm 1993 Sài Gòn bắt đầu có sốt đất, nhưng lúc đó đất vẫn còn rất rẻ. Vào những năm này, khi ai đó nghe nói bạn ở Gò Vấp là họ nói nơi này xa xôi lắm. Đến năm 1998 lại có sốt đất và chu kỳ cứ diễn ra 5 năm một lần, nhưng lúc này (năm 1998) đất Sài Gòn vẫn còn rẻ.
Năm 1998 vì cần xe máy để đi làm, nên tôi mua một chiếc xe Dh cũ hết 15 triệu đồng. Nếu lúc đó mang số tiền đó mà mua đất thì tôi có thể mua được khoảng 100 mét vuông tại khu vực quận Bình Tân bây giờ (lúc đó còn là huyện Bình Chánh).
Tại sao tôi biết như vậy, vì năm 1996, bạn tôi mua một ao rau muống hơn 200 mét vuông có giá 8 triệu đồng (nay là tỉnh lộ 10, đoạn giữa Chợ Cây Da Sà và ngã tư Bà Hom). Sau đó cứ chỗ nào cho xà bần xây dựng là bạn tôi xin và lấp dần lên, đến nay bạn tôi có gần 50 phòng trọ, thu nhập mỗi tháng khoảng 50 triệu từ cho thuê phòng trọ.
Do sống ở Sài Gòn lâu, đã trải qua bao lần sốt đất, do vậy tôi thấy giá đất chỉ có lên, nếu có xuống chỉ là tạm thời. Do vậy tại sao tôi có tiền dư lại đi mua đất, vì đấy là kênh trú ẩn an toàn nhất của đồng tiền.
Các cụ có câu "liệu cơm gắp mắm" là như vậy, chúng ta không thuộc những người thiểu số (tài giỏi) thì chúng ta phải dựa trên sức mình để mua nhà đất cho nó phù hợp.
Nếu ban đầu ít tiền, chúng ta có thể mua đất ở xa và coi nó là của để dành; chúng ta vẫn ở nhà thuê để đi làm cho gần rồi tiếp tục tích lũy; khi tích lũy đủ lớn có thể bán miếng đất đã mua trước đó để chuyển về gần; nếu cứ làm như vậy sau một thời gian thì vẫn có thể có nhà ở Sài Gòn hoặc Hà Nội
Tuy nhiên, ngày nay các bạn trẻ đang có xu hướng sống hưởng thụ, họ không chịu tích lũy mà có tư tưởng xả láng. Mà người không có tư tưởng tích lũy mà chỉ có tư tưởng xả láng thì đừng bao giờ than rằng giá nhà cao mà lương thì thấp, mọi thứ đều có giá của nó.
Nhiều người cho rằng giá nhà đất ở các thành phố lớn cao thì mua nhà ở tỉnh, tuy nhiên hiện nay giá nhà ở tỉnh cũng không còn rẻ, thứ hai là chúng ta sinh sống và làm việc ở thành phố thì không thể mua nhà ở tỉnh, nếu có mua thì cũng chỉ là tài sản để dành, vì không thể sử dụng được, do ở quê thực sự rất khó tìm được công việc, dù chỉ là làm công nhân. Bên cạnh đấy, các dịch vụ như y tế, giáo dục, văn hóa thì ở quê chưa so được với thành phố.
Nếu làm trong các công ty có chủ là người nước ngoài ở Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai sẽ biết, họ tuy mở công ty ở các tỉnh lân cận của Sài Gòn, nhưng đa số họ vẫn có xe đưa rước đi về thành phố chứ không nhiều ông chủ người nước ngoài ở lại nơi họ mở công ty.
Tôi đầu tư cho con học tới nơi tới chốn, nhưng đâu phải cứ đầu tư là con có thể học được. Con tôi năm nay mới học lớp 8, cháu học khá tốt, nhất là môn Toán và tiếng Anh.
Ngay từ bây giờ tôi đã nói chuyện với cháu là con chịu khó học tiếng Anh mỗi ngày, học làm sao để đến năm lớp 11 hoặc 12 thi lấy chứng chỉ IELTS 7.0 (cháu thuận tiện ở chỗ là mẹ cháu dạy tiếng Anh) để sau này nếu có cơ hội thì đi du học.
Tôi nói với cháu là ba mẹ có thể chưa đủ khả năng cho con đi du học 4 năm đại học, nhưng nếu con muốn học thạc sỹ ở nước ngoài 2 năm ba mẹ vẫn lo cho con được. Đồng thời tôi cũng định hướng cho cháu là con nên chọn những ngành học mà con có thể đi đến đâu con cũng làm việc được.
Do vậy ý của tôi là nếu con tôi không học giỏi, thì căn nhà chính là cái mà tôi để lại cho cháu để cháu không phải vất vả. Còn nếu con tôi giỏi, cháu chẳng cần tôi để lại tài sản cũng vẫn có thể kiếm được nhiều căn nhà hơn.
Thoa Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.