Qua nhiều bài viết về vấn đề giới trẻ thời nay sướng hay khổ, tôi thấy nhiều bạn cho rằng thế hệ trước dễ mua nhà đất do điều kiện đất đai rộng, ít người có nhu cầu nên giá thấp, dễ mua (bỏ qua yếu tố cha mẹ cho, tặng nhà đất).
Các bạn không hiểu rằng nếu họ sống trong cảnh nghèo khó, làm việc vất vả, thu nhập chủ yếu lo cái ăn, cái mặc thì còn đâu tiền để mua nhà? Họ phải tích góp 20-30 năm mới mua được ở những chỗ xa xôi, hạ tầng còn thiếu.
Nhiều người trẻ cho rằng ngày nay họ chịu nhiều áp lực, khó mua nhà do đất đai tăng giá. Nhưng các bạn mới đi làm thời gian ngắn, một mặt vẫn hưởng thụ cuộc sống vật chất sang trọng (xe cộ, điện thoại, máy tính, du lịch, ăn uống, ...), một mặt lại đòi phải mua nhà ở những khu vực đô thị phát triển, mức độ cạnh tranh cao thì làm sao không khó được?
Cứ thử sống tiết kiệm, tích lũy lâu năm (20-30 năm), chọn mua nhà, đất ở khu vực kém phát triển trước như thế hệ trước. Khi hạ tầng xung quanh phát triển, bất động sản tăng giá thì các bạn cũng sẽ có nhà như thế hệ trước mà thôi. Thế hệ trẻ phải đánh đổi giữa việc hưởng thụ cuộc sống và tích lũy tài sản.
Một điểm nữa, các bài viết đều lấy tình trạng thiếu nhà ở các đô thị lớn làm ví dụ, trong khi những nơi đó có lượng dân số cơ học tăng nhiều và nhanh. Thực tế điều tra cho thấy gần 90% người Việt Nam đều có nhà ở.
Các vấn đề bất hợp lý khi so sánh khả năng mua nhà của thế hệ trẻ so với các thế hệ trước:
1. Người ở tỉnh lên đô thị lớn làm việc (kể cả công nhân bình thường) đều muốn có nhà. Tôi không biết ai, chính sách nào có thể thỏa mãn được nhu cầu của tất cả mọi người (nhà càng dễ mua thì dân số càng tăng).
2. Thế hệ trước có thời gian làm việc và tích lũy nhiều hơn, trong khi thế hệ trẻ có thời gian tích lũy ngắn hơn (cần so sánh cùng số năm tích lũy).
3. Nhà mua phải ở khu vực đô thị phát triển, trong khi nhiều người thế hệ trước chỉ mua được ở vùng ven kém phát triển (Gò Vấp, Bình Chánh, Thủ Đức...). Họ không mơ tới khu vực trung tâm (như quận 1, quận 3, Phú Nhuận). Sau thời gian 15-20 năm, khu vực nhà họ mua mới thành vùng phát triển ( bây giờ các bạn trẻ cũng phải tính như vậy).
4. Thế hệ trước không có nhiều thứ để hưởng thụ nên tiền tích lũy nhiều hơn.Thế hệ trẻ hiện nay mới đi làm nhưng ai cũng trang bị nhiều thứ xa xỉ. Phải hưởng thụ trước đã vì tính sĩ diện và sống ảo (nếu ai muốn mua nhà thì phải tiết kiệm chi tiêu đến mức tối đa).
5. Thế hệ trước vẫn còn người gặp khó khăn, đến bây giờ vẫn còn ở trọ hoặc phải sống ở vùng kém phát triển. Ngược lại, thế hệ trẻ hiện nay nhiều người có nhà đẹp (chỉ dành cho người có chí tiến thủ).
6. Cuối cùng, bất kỳ so sánh nào cũng phải quy đồng cho cùng mẫu số thì mới phản ánh đúng vấn đề.
Mtriaudit
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.