"Theo các nguồn tin am hiểu tình hình, căn cứ tên lửa Hoejung-ni nhiều khả năng sẽ là nơi đóng quân của đơn vị cấp trung đoàn trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Nếu loại vũ khí này chưa được biên chế trong tương lai gần, căn cứ có thể tiếp nhận tên lửa đạn đạo tầm xa", Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ cho biết trong báo cáo hôm qua.
Hoejung-ni là căn cứ rộng khoảng 6 km vuông, nằm dọc chiều dài 4 km tại thung lũng biệt lập ở tỉnh Chagang, miền bắc Triều Tiên, cách biên giới Trung Quốc khoảng 25 km và cách thủ đô Bình Nhưỡng 280 km. Tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 được Triều Tiên thử nghiệm cuối tháng trước đã phóng từ tỉnh Chagang.
Ảnh vệ tinh thương mại do Maxar chụp cuối tháng 1/2021 cho thấy chưa có dấu hiệu của đơn vị ICBM nào tại cơ sở này, cũng không có trận địa phòng không nào trong bán kính 10 km xung quanh Hoejung-ni. "Căn cứ tên lửa phòng không gần nhất nằm cách đó 50 km", báo cáo của CSIS có đoạn.
Tuy nhiên, nhiều hoạt động đang diễn ra ở đây, trong đó có những đợt mở rộng cơ sở hạ tầng với quy mô nhỏ. Trên ảnh vệ tinh, có ít nhất hai cơ sở kiểm tra với những vòm che bê tông cốt thép xây xuyên vào sườn núi với chiều dài 35 m. Chúng đủ lớn để tiếp nhận mọi loại bệ phóng tên lửa di động của Triều Tiên hiện nay, nhiều khả năng được dùng để lắp đầu đạn, nạp nhiên liệu, kiểm tra hệ thống và bảo dưỡng tên lửa.
CSIS cho rằng Hoejung-ni chỉ là một trong 20 căn cứ tên lửa đạn đạo chưa từng được Triều Tiên công khai. Căn cứ bắt đầu được xây dựng từ 20 năm trước, nhưng mới hoàn thiện gần đây. Các chuyên gia Mỹ cho rằng triển khai ICBM tại căn cứ gần biên giới phía bắc sẽ giúp Triều Tiên hạn chế nguy cơ hứng đòn phủ đầu, do đối phương lo ngại nguy cơ công kích nhầm lãnh thổ Trung Quốc.
Triều Tiên hôm 30/1 thử tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12, đánh dấu cuộc thử nghiệm vũ khí mạnh nhất của Bình Nhưỡng kể từ năm 2017. Giới nghiên cứu tính toán tên lửa có thể đạt tầm bắn hơn 4.500 km, cho phép nó dễ dàng vươn tới đảo Guam và quần đảo Aleutian, nơi đặt những căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ.
Loạt thử nghiệm vũ khí nhiều tháng qua của Triều Tiên đang dần trở thành thách thức lớn với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Lãnh đạo Mỹ đang tập trung nhiều hơn cho bài toán quan hệ với Trung Quốc, vốn đang ở mức trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua, cũng như tình hình căng thẳng biên giới Nga - Ukraine.
Dù kêu gọi đối thoại suốt một năm qua, chính quyền Biden vẫn duy trì các lệnh trừng phạt nhắm vào Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an có động thái tương tự. Bình Nhưỡng chỉ trích Mỹ cùng đồng minh không từ bỏ chính sách thù địch và tuyên bố khả năng tái khởi động thử nghiệm ICBM.
Vũ Anh (Theo Reuters)