Triều Tiên hôm 18/1 xác nhận vừa thử hai tên lửa dẫn đường chiến thuật đánh trúng mục tiêu trên đảo ngoài khơi bờ biển phía đông bán đảo. Hàn Quốc trước đó cũng cho biết Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ một sân bay ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Đây là vụ thử tên lửa thứ 4 của Triều Tiên trong vòng hai tuần, bất chấp các lệnh cấm thử vũ khí và biện pháp trừng phạt từ Liên Hợp Quốc. Trước đó, nước này phóng tên lửa siêu vượt âm vào ngày 5 và 11/1, sau đó thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa hôm 14/1.
Giới quan sát cho biết tần suất và thời điểm của các vụ thử tên lửa liên tiếp này đều bất thường. Triều Tiên có xu hướng phóng tên lửa để đánh dấu những sự kiện chính trị trong nước quan trọng, hoặc bày tỏ phản đối các hoạt động quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 1 này, Triều Tiên không có ngày lễ trọng đại nào, còn Mỹ và Hàn Quốc gần đây cũng không có hoạt động quân sự đáng chú ý. Bởi vậy, Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, đánh giá các vụ phóng tên lửa liên tiếp hai tuần qua là cách để Triều Tiên phô diễn năng lực quân sự của mình và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Các vụ phóng tên lửa diễn ra giữa lúc khó khăn bủa vây nền kinh tế Triều Tiên do ảnh hưởng của Covid-19. Lãnh đạo Kim Jong-un gần đây thừa nhận đất nước đang đối mặt "cuộc đấu tranh sinh tử vô cùng lớn".
"Do đó, những vụ phóng tên lửa giúp ông Kim truyền đi thông điệp rằng các ưu tiên quốc phòng của Triều Tiên sẽ không bị bỏ bê", bất chấp khó khăn về kinh tế, Panda nhận định.
Các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ, quốc gia muốn Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, bị đình trệ kể từ khi Tổng thống Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng. Chính quyền Biden hôm 12/1 lần đầu tiên áp lệnh trừng phạt Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa.
Trong bối cảnh này, hai vụ phóng tên lửa ngay sau đó có thể là "phản ứng quyết liệt hơn" trước lệnh trừng phạt, thể hiện rằng Triều Tiên sẽ không chấp nhận nhún nhường trước áp lực từ Mỹ, Park Won-gon, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Nữ sinh Ewha của Hàn Quốc, nêu quan điểm.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một chi tiết đáng chú ý khác là các vụ phóng tên lửa diễn ra chỉ vài tuần trước Olympic Mùa đông tại Bắc Kinh, sự kiện rất nhạy cảm về mặt chính trị với Trung Quốc, dự kiến khai mạc vào ngày 4/2.
"Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không hoan nghênh Triều Tiên thử vũ khí ngay sát họ khi Bắc Kinh khai mạc Olympic. Nếu các vụ thử tên lửa như vậy tiếp diễn, chúng ta không nên loại trừ khả năng Triều Tiên có thể phật lòng với Trung Quốc vì vấn đề nào đó", Chad O'Carroll, nhà phân tích về Triều Tiên, nêu ý kiến trên Twitter.
Tuy nhiên, Panda cho rằng mặc dù Bắc Kinh có thể không vui với động thái của Triều Tiên, họ nhiều khả năng sẽ bỏ qua bởi những vụ thử không liên quan đến vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm xa, vốn được coi là "lằn ranh đỏ của Trung Quốc".
Chuyên gia Triều Tiên Leif-Eric Easley thậm chí cho rằng dựa trên những thông tin gần đây về khả năng Triều Tiên sớm nối lại hoạt động thương mại với Trung Quốc, "thời điểm thử tên lửa lần này của Bình Nhưỡng cho thấy Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở đồng tình, mà còn đang hỗ trợ kinh tế và hợp tác quân sự với Bình Nhưỡng".
"Xét đến quan hệ chiến lược với Trung Quốc, giới lãnh đạo Triều Tiên có khả năng muốn hoàn thành các cuộc diễn tập quân sự và hoạt động thử tên lửa ngay trước khi Olympic Bắc Kinh khai mạc", Easley đánh giá.
"Thời điểm thử tên lửa còn cho thấy Triều Tiên không muốn giữ im lặng trước cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra vào tháng 3, hoặc thể hiện hình ảnh yếu đuối trong lúc Trung Quốc gửi viện trợ qua biên giới cho họ", chuyên gia nói thêm.
Ánh Ngọc (Theo BBC)