Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc hôm 27/1 thông báo Triều Tiên phóng hai vật thể nghi là tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía đông bán đảo. Đây là lần thử tên lửa thứ 6 của Triều Tiên trong tháng 1, sau các vụ phóng tên lửa siêu vượt âm ngày 5 và 11/1, tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa ngày 14/1, tên lửa đạn đạo chiến thuật ngày 18/1 và tên lửa hành trình ngày 25/1.
Giới phân tích cho rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang dần thể chế hóa lực lượng tên lửa, cho thấy ông muốn đưa họ vào chiến lược quân sự dài hạn và trở thành phương thức răn đe hiệu quả của đất nước. Điều này càng nhấn mạnh vai trò của các kỹ sư và nhà khoa học tên lửa, đội quân then chốt trong tham vọng này nhưng gần như không xuất hiện trước công chúng.
Các nhà khoa học
Có rất ít thông tin về danh tính và chức vụ của các nhà khoa học, kỹ thuật viên cấp trung tham gia quá trình nghiên cứu phát triển tên lửa Triều Tiên. Giới phân tích cho rằng công việc của họ luôn được bảo đảm do Bình Nhưỡng đã dồn nhiều nguồn lực để đào tạo và huấn luyện họ, tất cả đều sống và làm việc ở những khu vực riêng biệt để tránh nguy cơ đào tẩu.
"Đây là nhóm không dễ dàng thay thế, khác với các cán bộ kinh tế hay thậm chí là sĩ quan quân đội", Michael Madden, chuyên gia về chính trị Triều Tiên tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Nhiều người trong số này từng học tại Đại học Quốc phòng Kim Jong-un, nơi đào tạo các chuyên gia ngành khoa học, công nghệ quốc phòng và gần đây mở thêm một chuyên ngành về công nghệ tên lửa siêu vượt âm.
"Các nhà khoa học trong mỗi dự án thường được chia thành những nhóm nhỏ để cạnh tranh với nhau, cho phép Triều Tiên thử nghiệm nhiều hướng đi với từng vũ khí cụ thể và đánh giá công nghệ nào có tiềm năng nhất", Ken Gause, giám đốc Nhóm Quan hệ Quốc tế tại tổ chức nghiên cứu CNA ở Mỹ, đánh giá.
Báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chống phổ biến vũ khí James Martin tiến hành năm 2018 cho thấy các nhà khoa học Triều Tiên đã phối hợp với giới nghiên cứu ở những nước khác để biên soạn hơn 100 tài liệu chuyên ngành quan trọng trong công nghệ lưỡng dụng. Đây là những công nghệ có thể ứng dụng trong cả quân sự lẫn dân sự.
Quan chức
Chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng được điều hành bởi ba quan chức thân cận với Kim Jong-un, gồm cựu tướng không quân Ri Pyong-chol, chuyên gia tên lửa kỳ cựu Kim Jong-sik và giám đốc trung tâm phát triển vũ khí Jang Chang-ha.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên Pak Jong-chon gần đây cũng tiếp nhận vai trò quan trọng ở Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, cơ quan chịu trách nhiệm phát triển những hệ thống vũ khí chiến lược. Tướng Pak đã giám sát nhiều vụ thử tên lửa, trong bối cảnh Kim Jong-un không thị sát vụ phóng nào hồi năm 2021.
Yu Jim, quan chức từng phụ trách thỏa thuận quốc phòng của Triều Tiên tại Iran, năm ngoái được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Triều Tiên. "Chúng tôi đã chứng kiến nhiều thay đổi trong ngành công nghiệp quốc phòng Triều Tiên những năm gần đây", Gause nói.
Bộ máy tổ chức
Học viện Khoa học Quốc phòng (NADS) là đơn vị phụ trách quá trình phát triển tên lửa của Triều Tiên. Chuyên gia Madden cho rằng tiến bộ của mỗi dự án vũ khí có thể được đánh giá qua quan chức xuất hiện trong vụ thử.
Sự kiện chỉ có mặt nhân lực của NADS cho thấy hệ thống vũ khí vẫn trong giai đoạn nghiên cứu phát triển. Nếu quan chức trong Ủy ban Kinh tế số 2, cơ quan phụ trách công nghiệp quốc phòng trực thuộc Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, xuất hiện, dự án đang chuyển từ nghiên cứu sang chế tạo và sản xuất hàng loạt.
Quan chức Bộ tổng tham mưu quân đội Triều Tiên thị sát thử nghiệm đồng nghĩa vũ khí đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào biên chế.
"Đang có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể đưa nhiều bộ phận từ Lực lượng Chiến lược về trực thuộc Bộ tổng tham mưu khi hoàn thiện kho tên lửa và vũ khí hạt nhân, cho thấy lực lượng này có thể chuyển sang vai trò tác chiến", Madden nhận xét.
Chương trình tên lửa Triều Tiên có nguồn gốc từ các gói viện trợ của Liên Xô và sau này là Nga. Tên lửa đẩy trong những vụ thử vũ khí siêu vượt âm gần đây đều có thiết kế giống tên lửa đạn đạo thời Liên Xô. Có nhiều tranh cãi về mức độ hỗ trợ từ bên ngoài đối với chương trình tên lửa Triều Tiên trong thập niên 1990, sau khi Liên Xô tan rã.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 12/1 công bố lệnh trừng phạt nhắm vào một số người Triều Tiên, cáo buộc những thành viên của Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên ở Nga và Trung Quốc tiếp tục mua vật liệu và thông tin kỹ thuật phục vụ chương trình tên lửa của nước này. Một công ty viễn thông cùng một công dân Nga cũng bị Mỹ cáo buộc hỗ trợ những người này.
Markus Schiller, chuyên gia tên lửa tại châu Âu, cho rằng những đợt phóng thử tên lửa thành công liên tiếp trong tháng 1 cho thấy Bình Nhưỡng vẫn nhận được sự hỗ trợ công nghệ từ bên ngoài. "Tuy nhiên, dưới thời Kim Jong-un, tên lửa Triều Tiên hay gặp sự cố, cho thấy nước này đang thử nghiệm nhiều thiết kế nội địa hơn trước đây", ông nói.
Vũ Anh (Theo Reuters)