Do chênh tỷ giá nên nhiều người đi xuất khẩu lao động sau vài năm tích luỹ có thể "xây được nhà, có vốn làm ăn". Nếu họ cũng sinh hoạt bình thường như ở Việt Nam (bạn bè, đình đám xã giao, mua xe cộ...) thì rất khó tiết kiệm nổi tiền. Đã chấp nhận đi làm ở Nhật, Hàn hay bất kỳ đâu ở nước ngoài cũng phải chấp nhận sinh hoạt kiểu lương tám triệu, tiêu bốn triệu.
Nếu bạn làm công nhân ở Việt Nam, một tháng lương tám triệu mà chỉ tiêu bốn triệu đồng, một năm bạn tiết kiệm được 48 triệu đồng. Nếu bạn làm công nhân ở Nhật một tháng lương khoảng 38 triệu đồng, một tháng bạn tiết kiệm được 15 triệu thì một năm tiết kiệm được 180 triệu đồng.
Nói cách khác tiết kiệm được nhiều là do tỷ giá cao hơn, chứ bạn phải đánh đổi rất nhiều và chấp nhận cuộc sống tương đương chi tiêu 3-4 triệu đồng một tháng ở Việt Nam. Thậm chí nhiều người việc cắt tóc cũng tự cắt tóc cho nhau chứ không dám đi tiệm.
Vậy nên cứ ở Việt Nam nhưng sống kiểu đi làm ở Nhật, cũng sẽ tiết kiệm được tiền "đầu tư buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ, hay đơn giản là xây được cái nhà", dù chậm hơn.
Nhiều du học sinh kiếm tiền bằng cách làm thêm. Hầu như các bạn du học sinh mà tôi quen đều làm part-time. Cá biệt có vài bạn làm ba việc part-time một lúc. Mỗi ngày ngủ khoảng 3-4 tiếng tại phòng trọ, lên lớp nằm vật ngủ bù tiếp. Một số người cày kiếm tiền gửi về nhà để trả nợ. Một số cày 25 man (1 man = 10 nghìn yên) một tháng chỉ để mua giày, quần áo hàng hiệu vì bên đó giá quá rẻ so với giờ công lao động.
DMT
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.