Nhớ lại gần đây tôi đã nhận một số cuộc gọi tự động (cũng từ các callbot hơi thô sơ) của một số công ty sử dụng để gọi cho khách hàng, thực sự tôi thấy rất thiếu tôn trọng khách hàng.
Tôi là con người, nhưng các công ty đó lại sử dụng máy để chủ động nói chuyện với tôi, một sự thiếu tôn trọng trầm trọng, và nếu tôi đánh giá chất lượng dịch vụ, tôi sẽ cho điểm không cho sự chăm sóc khách hàng.
Một số anh chị có thể cho tôi là người cổ hủ, tôi chấp nhận. Nếu công ty cung cấp một dịch vụ sử dụng một hệ thống trí tuệ nhân tạo và tôi chủ động làm việc với nó và tôi biết tôi đang làm việc với nó sẽ là chuyện khác. Còn nếu dùng một robot chủ động làm việc với tôi, thì nói thật là tôi không thể chấp nhận dịch vụ như vậy. Đó là cảm xúc.
Thời gian gần đây, cụm từ AI, trí tuệ nhân tạo hay các Chatbot AI là những thứ được bàn tán, trao đổi, viết lách, quay clip trên các trang, kênh mạng xã hội tốn khá nhiều "giấy mực".
Tôi làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, nên mảng nghiên cứu này phải nói là mảng công nghệ cuốn hút chúng tôi từ nhiều năm nay. Các công ty công nghệ lớn của thế giới thì khỏi phải nói như OpenAI ra mắt sản phẩm ChatGPT nổi đình đám gần đây, Google thì ngoài sản phẩm LaMDA, còn có hẳn platform VertexAI cung cấp cho các doanh nghiệp nền tảng, mô hình xây dựng các phần mềm AI, bên cạnh đó có Facebook (MetaAI), Oracle... đã đầu tư rất nhiều tiền của vào lĩnh vực này.
Ngày nay, các thuật toán máy học (machine learning) càng tốt và tối ưu hơn, hạ tầng mạng, máy móc công nghệ cũng phát triển vượt bậc làm cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) càng giải quyết tốt hơn, trí tuệ hơn.
Tuy nhiên tôi muốn trao đổi ở đây là cảm xúc và trách nhiệm pháp lý mà các hệ thống này, những tổ chức phát hành hệ thống dạng này và người sử dụng hệ thống AI cần phải xem xét.
Thứ nhất, về cảm xúc, hệ thống có thể trí tuệ hơn, tương lai rất gần sẽ giải quyết logic và chính xác hơn một số công việc mà hiện tại con người đang làm, nhưng trong đó sẽ không có cảm xúc.
Thứ hai, trong tương lai rất gần, con người sẽ sử dụng các hệ thống AI rất nhiều, và nó sẽ đưa ra hướng giải quyết rất khoa học và trí tuệ, nhưng sẽ không có cảm xúc phức cực kỳ phức tạp của con người.
Vậy hậu quả của việc con người dựa vào đó để hành xử có thể gây ra nhiều điều không thể lường trước được. Đó là vấn đề trách nhiệm pháp lý. Vậy nên tôi nghĩ bên cạnh của sự phát triển nhanh của công nghệ, thì các tổ chức phát triển công nghệ, quốc gia cần phải xem xét đến việc các hệ thống AI cần tuân thủ một bộ luật, bộ luật đó bảo vệ con người, bảo vệ xã hội và bảo vệ "tình cảm giữa con người với con người".
Trong chuỗi phim khoa học viễn tưởng ra mắt đầu tiên năm 1984 "Kẻ hủy diệt" khi người máy thống trị thế giới, con người phải đấu tranh để bảo vệ con người trước các robot. Đây là bộ phim viễn tưởng và xã hội con người thực tế chắc không đến mức như bộ phim.
Nhưng các bạn thử tưởng tượng nếu con người nhờ các hệ thống AI giải quyết hết tất cả, sẽ không cần phải học, không cần phải nhớ, không cần tư duy và đều hành xử theo/ như các hệ thống AI mà không có sự hiểu biết, tư duy thì con người sẽ như thế nào?
Phong
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.