Dù nguyên nhân là gì, một môi trường làm việc độc hại cũng có thể gây nguy hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần, niềm vui sống cũng như khả năng phát triển sự nghiệp của bạn.
Tôi thấy quy định hiện nay đang liệt kê môi trường làm việc độc hại có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Theo tôi, nên bổ sung một định nghĩa về môi trường làm việc độc hại là: nơi làm việc chuyên môn nhưng rối loạn về vai trò - nhiệm vụ, căng thẳng và không năng suất.
Môi trường văn phòng mà nhân viên khó làm việc hoặc không tiến bộ trong sự nghiệp do bầu không khí tiêu cực do đồng nghiệp, lãnh đạo hoặc chính văn hóa công ty tạo ra cũng có thể coi là độc hại.
Có thể lãnh đạo là một người lười biếng, không có năng lực, không tâm lý, đẩy hết việc khó cho nhân viên làm, khi công việc có trục trặc thì luôn tìm mọi cách đổ lỗi cho nhân viên, giành hết mọi thành tích về bản thân mà không để cho nhân viên có cơ hội phấn đấu; không bao giờ bảo vệ nhân viên, luôn sợ nhân viên giỏi hơn, chuyên dìm hàng nhân viên, háo sắc hoặc văn hóa công ty tập trung vào việc đố kỵ, tiến thân bằng mọi giá, các nhân viên hít thở drama nhiều hơn các cuộc họp giải quyết sự cố, nhiều hơn việc cải tiến sản phẩm và quy trình.
Hoặc người ta kết bè kết phái, trở nên thân thiết với nhau để chống lại một người hoặc nhóm người khác họ, chứ không nhằm mục đích khiến cho công việc hiệu quả hơn.
Hoặc những người đồng nghiệp liên tục đổ lỗi cho những thất bại trong công việc chung, bao biện và không bao giờ nhận trách nhiệm.
Hoặc, đồng nghiệp của bạn là những kẻ tính toán chỉ quan hệ với người khác để lợi dụng, trục lợi chứ không phải đơn thuần vì tình cảm chân thành, không biết thông cảm, chia sẻ, chuyên tìm cách đẩy việc cho người khác, ì ra không chịu làm việc hoặc chất lượng làm việc quá kém để người khác phải gánh việc hộ hoặc nói thẳng ra là xấu tính, chuyên dùng mưu hèn kế bẩn để hại người khác.
Nơi làm việc độc hại thường được coi là kết quả của những người sử dụng lao động độc hại và/hoặc những nhân viên độc hại bị thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân (quyền lực, tiền bạc, danh vọng hoặc địa vị đặc biệt), sử dụng các phương tiện phi đạo đức để thao túng tâm lý và làm phiền những người xung quanh họ; và động cơ của họ là duy trì hoặc gia tăng quyền lực, tiền bạc hoặc địa vị đặc biệt hoặc chuyển hướng sự chú ý khỏi những thiếu sót và sai lầm trong hiệu suất của mình.
Trong môi trường làm việc hiện đại, căng thẳng nên được coi là vấn đề sức khỏe hàng đầu tại công sở và là một bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, phải làm ở nơi làm việc độc hại quá lâu chắc chắn có thể gây ra hậu quả, cả về chuyên môn và đời sống riêng.
Nếu rơi vào một môi trường làm việc độc hại với liên tiếp những chuyện thị phi, sếp khó chịu, đồng nghiệp xấu tính... bạn có thể không tìm thấy cảm xúc hạnh phúc, mất hết tâm huyết với công việc của mình.
Những áp lực trong môi trường làm việc độc hại sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất làm việc và cuộc sống của người lao động. Họ dễ trở nên cáu gắt hay chán nản hơn khi đối mặt với những khó khăn, làm tổn hại đến lòng tự trọng, sức khỏe và thậm chí có thể khiến họ trầm cảm.
Việc mang những sự ức chế và "độc hại" từ nơi làm việc về nhà cũng có thể gây ra hậu quả về sức khỏe như đau đầu, mất ngủ, đau lưng, chán ăn và các tình trạng suy giảm thể chất khác rất thường gặp ở người lao động làm việc trong môi trường "độc hại".
Những công ty thành công nhất thường đồng thời cũng là những công ty có nhân viên hạnh phúc nhất. Lý do là vì nhân viên hạnh phúc thì mới có thể đạt được năng suất, động lực làm việc và sự sáng tạo cao nhất. Việc xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc vì vậy rất quan trọng. Bạn có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây:
Đối với nhân viên
1. Thay vì im lặng trước những điều bất bình trong môi trường độc hại, hãy mạnh dạn nói ra những suy nghĩ của bạn.
2. Bỏ qua những vấn đề bên lề, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và giúp bản thân tốt hơn từng ngày.
3. Hạn chế tiếp xúc với những người mà bạn cho là có tính cách "độc hại" đối với công việc của bạn.
4. Đừng để văn hóa tiêu cực ngấm vào bạn.
5. Kết giao với những đồng nghiệp tích cực đáng tin cậy.
6. Nếu môi trường đó quá độc hại và bạn đã làm hết sức có thể thì việc cân nhắc chuyển việc là điều hoàn toàn hiển nhiên.
Đối với nhà quản lý:
1. Giúp nhân viên cân bằng cuộc sống và công việc.
2. Khen thưởng và ghi nhận xứng đáng.
3. Tuyển chọn người phù hợp với văn hóa doanh nghiệp
4. Quan tâm chính sách phúc lợi cho nhân viên.
5. Tạo mối quan hệ gần gũi, đồng cảm với nhân viên.
>> 'Đừng đặt tình cảm vào quan hệ giữa công ty và nhân viên'
Một nơi làm việc độc hại là điều mà hầu như ai cũng trải qua ít nhất một lần trong sự nghiệp của mình. Tất cả chúng ta đều học được nhiều điều từ vấp ngã hơn là thành công. Khó khăn sẽ giúp bạn rèn luyện, trưởng thành hơn, có được kinh nghiệm quý báu trong việc lựa chọn bước đi tiếp theo cho sự nghiệp của mình.
Nếu như bạn đã cố gắng hết sức mà vẫn không thể cải thiện, thích nghi được với môi trường làm việc độc hại, hãy tìm một bến đỗ mới để cống hiến, đừng ngần ngại. Hãy để sức lao động và sự cống hiến hết mình của bạn được trân trọng ở một môi trường làm việc văn minh hơn.
Hy vọng sẽ không còn nhiều người lao động phải làm việc trong môi trường quá độc hại nhưng không được hưởng phụ cấp như hiện nay.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.