Một trong số những nguyên nhân sâu xa khiến cho con người dần cảm thấy lạc lõng, mất kết nối với hạnh phúc thực tại là do ta đã có những mong muốn nhưng không được đáp ứng hoặc được đáp ứng quá mức trong tuổi thơ. Điều này dẫn đến những dấu ấn tạo nên sự mất cân bằng trong tâm lý, hành vi, suy nghĩ và cảm xúc sau này.
Thiếu cảm giác an toàn
Một trong những nhu cầu cơ bản đầu tiên của con người là "được". Vì thế mọi đứa trẻ đều mong muốn sống trong một gia đình ấm áp và vui vẻ. Thế nhưng, một số trẻ em phải thường xuyên nghe, nhìn thấy những cảnh cha mẹ cãi nhau hoặc chứng kiến những cảnh căng thẳng không phù hợp với độ tuổi.
Nếu việc này lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài, cá nhân đó sẽ thường xuyên có tâm lý lo lắng. Khi còn nhỏ, niềm vui của đứa trẻ phụ thuộc lớn vào người nuôi dưỡng. Nếu trong gia đình thiếu vắng những khoảnh khắc vui vầy, ấm áp, sau này cá nhân đó có thể gặp khó khăn trong việc cảm nhận niềm vui trong cuộc sống.
>> Bài viết cùng tác giả: Tại sao nhiều cha mẹ đánh mắng con mất kiểm soát?
Thiếu sự chăm sóc gần gũi
Một đứa trẻ khi được quan tâm, săn sóc và gần gũi sẽ cảm thấy mình có giá trị và đáng được thương yêu. Nếu thiếu điều này, khi lớn lên cá nhân đó có thể gặp khó khăn trong việc kết nối với xung quanh, thậm chí ngay cả với người thân của mình.
Thiếu sự chăm sóc từ người khác còn dẫn tới cảm giác gượng gạo trong những hoạt động tương tác về cơ thể ở đứa trẻ, hoặc lại có khả năng làm tăng nhu cầu đòi hỏi gần gũi. Như trường hợp ở một số người lớn, nhu cầu tiếp xúc thân mật của họ cao hơn mức thông thường và không bao giờ cảm thấy đủ.
Không có người chơi cùng
Thông thường, nhiều trẻ em luôn mong có người chơi cùng với mình để trẻ không cảm thấy cô đơn. Con người là loài sinh vật tính cộng đồng, đặc tính này giúp cho con người tồn tại và cùng nhau phát triển.
Vì thế đây là một bản năng cơ bản của loài người. Sự cô đơn đã giúp con người tìm đến nhau và cùng chia sẻ với nhau.Nếu đứa trẻ thường xuyên phải ở một mình, không có người bên cạnh, sau này lớn lên cá nhân đó có thể luôn cảm thấy thiếu thốn và đòi hỏi sự chú ý hơn mức thông thường hoặc cũng có thể phát triển khả năng tồn tại độc lập, quen với sự cô độc.
>> Khi nào một đứa trẻ bị tổn thương tâm lý?
Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến một số trường hợp những người thân của cá nhân đó cảm thấy họ khó gần và mâu thuẫn về mức độ nhu cầu chia sẻ.
Thiếu sự động viên ghi nhận
Hãy nhìn những đứa trẻ khi làm được điều gì đó rất hay thích đem ra khoe với cha mẹ. Và nếu cha mẹ động viên, cổ vũ và nói rằng cha mẹ rất tự hào về con, thì bạn có thể thấy ngay nụ cười rạng rỡ được nở bừng ra trên khuôn mặt và ánh mắt trẻ thơ ấy.
Thiếu thốn sự động viên sẽ khiến cho tâm lý con người cảm thấy buồn phiền, trì trệ, chán nản, không có động lực để làm gì, hoặc ngược lại, dễ căng thẳng do quá cầu toàn, tự đặt áp lực quá lớn lên bản thân. Sự quát mắng, chỉ trích thường xuyên còn có thể dẫn đến cá nhân đó cảm thấy không đáng được yêu thương.
Sự động viên và ghi nhận sẽ giúp cho chúng ta cảm thấy tin tưởng vào bản thân. Đó là nền tảng cho những niềm tin trong cuộc sống sau này để khám phá và thực hiện được những điều mà mình mong ước.
>> Những đứa trẻ trong lồng kính
Tuổi thơ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển tâm lý của con người. Có thể nhận thấy, ngày nay một số người cảm thấy mình bị hạn chế trong việc phát triển bản thân và kết nối với những mối quan hệ xung quanh. Hoặc dù rất thành công nhưng bên trong, họ vẫn gặp khó khăn trong việc cảm nhận hạnh phúc và niềm vui thực sự trong cuộc sống.
Có thể những rối loạn tâm lý không theo thứ tự của từng thiếu thốn trong tuổi thơ như trên và còn theo nhiều cách khác nữa. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, những rối loạn tâm lý là cách tâm thức chúng ta biểu hiện rằng, trong sâu thẳm mỗi con người, ai cũng mong cầu được sống trong một mái ấm an vui. Nơi mái ấm mang lại cho mình sự an toàn, tình yêu thương, tiếng cười và đặc biệt là cảm thấy tốt đẹp về giá trị bản thân.
Khi ta còn quá nhỏ, ta chưa đủ nhận biết để hiểu và hoàn toàn bị phụ thuộc vào người nuôi dưỡng nên đã không thể tìm ra được một cách nào tốt hơn để đối phó với sự cô đơn, lo lắng tự ti, bất an khi ấy.
Nhưng dù sao thì đến một thời điểm, chúng ta đủ lớn để tự trở thành cha mẹ của chính mình. Chúng ta hãy cho mình những cơ hội để tìm hiểu, chữa lành và bù đắp lại được những vết thương và thiếu hụt trong tâm lý để sống bình an, vui vẻ, nhẹ nhõm.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.