"Trầm cảm" - một từ trở nên ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Nhiều người cứ nghĩ, trầm cảm là một điều gì đó khủng khiếp và tội tệ lắm. Và chỉ những ai phải lâm vào cảnh tận cùng mới có thể gặp phải. Nhưng không, trầm cảm ngày nay phổ biến dưới nhiều hình thức mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới và có thể xảy ra với bất kì ai, từ một đứa trẻ 4-5 tuổi cho đến một người già 80-90 tuổi.
Nhiều người cứ nghĩ một người nào đó làm quá một vấn đề mà họ đang gặp phải và kêu đó là "trầm cảm" nhưng sự thật, phải trả qua mới thấu hiểu được cảm giác đó tồi tệ thế nào. Họ vẫn có thể ngày ngày đi làm, chu toàn mọi bổn phận, cười nói vui đùa như chưa hề có chuyện gì xảy đến. Nhưng trong thâm tâm là cả một cuộc chiến kinh khủng đang diễn ra. Không nhất thiết phải gặp biến cố hay ủ rũ, buồn bã từ ngày này qua tháng nọ mới là trầm cảm.
>> Trầm cảm vì 'tiêu chuẩn người dưng'
Khi cuộc sống hiện đại ngày nay kéo con người ta vào một guổng quay không có điểm dừng thì cứ thế, người ta bị hút vào một cách vô thức. Mọi thứ dù vui hay buồn, dù lo lắng hay sầu khổ, đều khiến con người ta phải nghĩ suy và trăn trở thì cũng là lúc trầm cảm âm thầm, lặng lẽ kéo đến.
Bỏ qua những khái niệm mang tính khoa học, triết lý về căn bệnh thời đại này, điều tôi quan tâm hơn cả là cảm nhận của chính những con người trong cuộc – những người được xem là "làm lố, làm quá" từ chính những người thân trong gia đình của mình, tôi hiểu cảm giác đó và thực sự đồng cảm với họ. Họ không biết phải diễn tả sao cho mọi người thấu hiểu. Trong khi sự thấu hiểu và được cảm thông là liều thuốc tốt nhất cho những bệnh nhân này. Họ cảm thấy mình trơ trọi, lạc lõng và cứ thế, họ để mặc mình dần chìm vào chính họ.
Người trẻ ngày nay "được ăn no, mặc ấm, được gia đình chăm lo, công việc ổn định, nhà cửa đề huề...". Vậy sao lại trầm cảm? - "Sướng quá sinh tật". Nhưng người trẻ họ cũng có những mối bận tâm của riêng họ, những điều họ không thể sẻ chia, khiến họ cứ mãi luẩn quẩn, loay hoay trong chính mê cung cảm xúc của mình và dần dần họ tách khỏi gia đình, bạn bè, công ty, cuộc sống. Họ vẫn sống, vẫn hoạt động, nhưng không còn là chính họ nữa.
>> Võ sư 'sống mòn' suốt 7 năm vì trầm cảm
Xin đừng nghĩ, trầm cảm là điều chi to lớn lắm nhưng hãy nghĩ đơn giản hơn, nó là một dạng rối loạn cảm xúc, cần được sẻ chia và cảm thông. Xin hãy lắng nghe họ một cách chân tình. Có thể không có lời khuyên, chưa có giải pháp nhưng nhu cầu nghe và được nghe đã là một liều thuốc tốt nhất rồi vì những con người ấy – họ ngại giải bày, họ sợ sự xa lánh nên việc họ đã lên tiếng, tức là nhu cầu cần được giải tỏa.
Người trẻ ơi, vẫn biết là khó khăn lắm nhưng mong chúng ta – cả tôi và bạn – hãy cùng cố gắng trong cuộc chiến không đơn độc này. Chúng ta hãy cùng lên tiếng và cùng nhau chữa lành cho tổn thương của mỗi người và lan tỏa thông điệp này ngày một rộng rãi để căn bệnh này được nhiều người nhìn nhận nó đơn giản hơn và dang rộng vòng tay yêu thương nhau hơn.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Trang Nguyen