Bé nhà tôi năm nay vào lớp một, cũng như nhiều học sinh khác trên cả nước bé cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như do dịch bệnh nên cháu phải nghỉ học gần như là cả kỳ hai năm lớp mẫu giáo 5 tuổi, gia đình lại không cho đi học thêm trước khi vào lớp 1, bởi vậy nên việc học chữ ở lớp mẫu giáo coi như là không học được nhiều.
Khi vào lớp 1 thì cũng do dịch bệnh nên mấy tuần đầu học sinh không được đến trường, bởi vậy khi đến trường các cháu phải học đuổi để kịp chương trình: một buổi học hai bài luôn trong khi kiến thức cơ sở thì chưa có.
Đi học trực tiếp ở trường cũng không được nhiều thời gian, chủ yếu là học trực tuyến. Đã thế gia đình cũng không cho đi học thêm ở trường, ở các trung tâm, học ở nhà cũng chỉ tầm từ 30 phút đến một tiếng.
Không cho cháu đi học thêm không phải vì sợ tốn tiền mà bởi vì gia đình muốn cho cháu được vừa học vừa chơi thoải mái, không đánh mất đi tuổi thơ của mình; hơn nữa là bởi gia đình muốn rèn cho cháu kỹ năng cực kỳ quan trọng đó là kỹ năng tự học.
>> Con tôi giỏi tiếng Anh nhờ karaoke
Gặp nhiều bất lợi như vậy nên việc cháu gặp khó khăn khi học là hiển nhiên. Cô giáo của cháu thường gọi điện, nhắn tin là cháu học kém, không theo kịp. May là nhờ tôi có chút chuyên môn sư phạm, tôi từng bước dạy dỗ con mình.
Thời điểm này là gần hết học kỳ 2 thì bé nhà tôi đã có thể học tập khá tốt, theo kịp bạn bè: đã đọc được, viết được và đã biết học toán khá tốt.
Giờ đây, cụ thể là từ thời điểm này, cháu đã có thể theo kịp bài trên lớp, thi kết thúc học kỳ 1 vừa qua cháu được toàn điểm khá giỏi. Mỗi ngày đến lớp học trực tiếp hay ở nhà học trực tuyến không còn là nỗi sợ nữa mà thực sự là những ngày vui của cháu.
Những cách đơn giản mà hiệu quả mà tôi áp dụng để dạy con mình xin được nhắc lại ở đây là: không đi học thêm, chú trọng tự học, hạn chế chê trách, khen ngợi động viên kịp thời, ngoài việc học kỹ các bài cũ thì cũng phải dành thời gian để học qua bài mới, kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến, từng bước khuyến khích con đọc sách thường xuyên.
Khi đại dịch Covid 19 xảy ra, hầu như tất cả mọi mặt đời sống xã hội đều bị ảnh hưởng một cách tiêu cực, lĩnh vực giáo dục chắc là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Toàn bộ ngành giáo dục phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, giáo viên, học sinh không được đến trường. Cả giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh (PHHS) phải thích nghi với hình thức học tập trực tuyến.
Khi triển khai hình thức học trực tuyến thì từ nhà trường, gia đình rồi đến học sinh đều gặp nhiều khó khăn. Ngoài những khó khăn về mặt cơ sở vật chất như không có thiết bị để học, đường truyền không ổn định... thì có một khó khăn rất lớn mà mọi người dễ dàng nhận thấy: học sinh do chưa quen với hình thức học tập mới này nên hiệu quả học tập chưa cao, có nơi còn phải dừng việc học trực tuyến đối với bậc tiểu học. Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả của việc học trực tuyến?
>> Phụ huynh chiều con lại còn hoạnh họe giáo viên
Ngoài những chuẩn bị cần thiết như không gian học tập yên tĩnh, thoáng mát, đường truyền internet ổn định... để học sinh có thể học trực tuyến được hiệu quả thì ở đây tôi xin nói rõ thêm về một số giải pháp đã và đang được triển khai, đồng thời chia sẻ thêm kinh nghiệm của bản thân để có thể nâng cao hiệu quả của việc học trực tuyến cũng như của việc học tập nói chung.
1. Học kỹ những bài học cũ.
Sau mỗi bài học thì người giáo viên và PHHS luôn nhắc nhở các em ôn lại bài cũ, tuy nhiên thường là PHHS chỉ cho con em mình học lại bài vừa học mà bỏ qua việc rất quan trọng, đó là: sau một vài bài học thì PHHS cần phải cho con ôn lại các bài đã học này.
Việc này ở trên lớp giáo viên cũng đã làm nhưng PHHS nên chú trọng điều này, đặc biệt là với các học sinh lớp 1, 2...
2. Giáo viên và phụ huynh nên giới thiệu qua bài học mới
Cập nhật các phương pháp giáo dục hiện đại giờ đây khi học ở trên bậc đại học thì với mỗi môn học các giảng viên thường sẽ giới thiệu các giáo trình, tài liệu tham khảo để các sinh viên nghiên cứu trước. Sau đó các giảng viên sẽ giảng dạy và giải đáp thắc mắc cho sinh viên trong những buổi học.
Điều này chúng tôi cũng đã được lĩnh hội khi học đại học. Khi đó chúng tôi phải học một môn học rất khó, vị giáo sư dạy môn này đã giới thiệu cho sinh viên chúng tôi một bộ giáo trình của môn học và có nói rằng: các anh chị cứ đọc qua đi, không hiểu cũng đọc qua, khi các anh chị đã đọc qua rồi thì đến giảng đường nghe tôi giảng, giải đáp thắc mắc... các anh chị sẽ hiểu. Lẽ ra cách thức học tập này phải được áp dụng ở tất cả các cấp học chứ không chỉ tận bậc đại học.
Việc học trực tuyến khó khăn một phần bởi các em học sinh khó hiểu bài do chưa quen với hình thức học tập mới nên học tập không được tập trung, để học sinh học tập tập trung thì học sinh phải hiểu bài. Để hiểu bài mới thì việc người giáo viên hướng dẫn để các em về nhà tìm tòi, suy nghĩ trước bài học mới là việc làm rất quan trọng.
>> Sáu cách giúp trẻ hứng thú học online
Việc cuối mỗi buổi học ở trường thì người giáo viên dành ra một chút thời gian để giới thiệu qua bài học sắp tới là việc rất đơn giản nhưng hiệu quả lại cực cao. Việc này không cần đến việc phải đi học thêm để học trước chương trình, bởi sau mỗi buổi học, trước khi kết thúc khoảng năm phút thì người giáo viên vừa hệ thống bài học cũ, đồng thời cũng nên giới thiệu qua về bài học mới cho học sinh về nhà tự nghiên cứu, tìm tòi.
Lúc ở nhà, phụ huynh khi kèm các con học bài cũ xong thì cũng nên hướng dẫn con em mình học bài mới một chút. Nói việc giáo viên và phụ huynh cho các em ôn lại các bài học cũ hay giới thiệu qua bài mới không phải là một việc làm đơn thuần, làm cho có mà là một việc vô cùng quan trọng là hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học.
Theo tâm lý học thì những gì ta đã được nghe, đã được học qua sẽ tạo thành "vết" trong não bộ, khi học sinh ôn lại các bài đã học thì những "vết" đó dần dần hiện rõ, những gì chưa hiểu thì giờ đây các em sẽ có thể hiểu bài một cách dễ dàng hơn. Cũng chính vì điều này nên phụ huynh cũng đừng quá lo lắng khi trong quá trình học sẽ không tránh khỏi chuyện con em mình không hiểu bài, học kém... bởi sự học giống như đường xoắn trôn ốc, kiến thức sẽ được thẩm thấu dần dần, kiến thức của bài học hôm nay có thể được lặp lại ở mức độ cao hơn một chút ở bài học khác.
Khi học sinh ôn lại các bài vừa được học thì các em sẽ dễ dàng hiểu rõ kiến thức đã học như đã nói ở trên. Đôi khi chúng ta phải tạm công nhận những kết quả dù chưa hiểu lắm là vì vậy.
Minh họa những điều này với các em học sinh đang học lớp một chẳng hạn. Những ngày đầu năm học thì dù được giáo viên dạy trên lớp, phụ huynh kèm ở nhà nhưng đa số các em học trước quên sau, lúc thì viết thiếu nét, không đúng cỡ chữ, khi thì không biết làm toán... làm cho rất nhiều phụ huynh căng thẳng, stress nhưng chỉ sau vài tuần đầu tiên, với những em mà được giáo viên lẫn phụ huynh kèm cặp chu đáo thì các em này sẽ rất nhanh tiến bộ: đánh vần tốt, viết đúng, biết làm toán. Lúc này thì nhiều PHHS sẽ bớt căng thẳng hơn những ngày đầu năm nhiều.
Sở dĩ các em tiến bộ như vậy vì được ôn đi, ôn lại các kiến thức đã học một cách thường xuyên. Với các em học sinh ở các lớp khác nếu được ôn tập thường xuyên các bài đã học thì các em cũng có thể học tốt.
Còn khi đã được giới thiệu qua bài học mới, được tìm tòi, nghiên cứu trước thì như đã nói ở trên: việc này đã tạo thành "vết" trong não bộ , lúc đó khi được học bài mới các em học sinh sẽ dễ dàng hiểu bài hơn, buổi buổi học trực tuyến hay học tập trực tiếp cũng sẽ đạt hiệu quả cao.
>> Cả lớp chỉ mình con tôi không học online
Dù có những lợi ích to lớn của việc giới thiệu qua bài học tiếp theo ở mỗi cuối buổi học nhưng thật ngạc nhiên là công đoạn này lại không được ghi nhớ như là một trong những công đoạn của người giáo viên trong giờ lên lớp. Chúng ta thường chỉ nghe dến những câu như "kiểm tra bài cũ" chứ không được nghe "giới thiệu bài mới" khi đi học.
Nên chăng Bộ Giáo dục cần ra quy định: việc giới thiệu qua bài học tiếp theo là một công đoạn của người giáo viên trong mỗi giờ lên lớp. Trước khi có quy định này thì người giáo viên và phụ huynh nên làm việc này để các em học sinh có thể học tốt.
3. Kết hợp linh hoạt giữa học trực tiếp và học trực tuyến
Dù muốn hay không thì học trực tuyến là xu hướng không thể đảo ngược. Giờ đây chắc không còn học sinh nào mà học tập tốt nếu không khai thác tài nguyên trên internet.
Giáo viên nên giới thiệu cho học sinh và PHHS những trang web, những khóa học online tốt nhất liên quan đến môn của mình. Căn cứ vào đây PHHS có thể mua những khóa học này để cho con em mình.
Nếu học sinh vừa biết tiếp thu tốt khi học trực tiếp vừa biết khai thác kiến thức khi học trực tuyến hay các clip GD trên internet, tivi thì em HS này chắc chắn sẽ học tốt.
>> Lo con nghiện game vì học online
4. Rèn cho các em học sinh có thói quen đọc sách thường xuyên
Để tính lâu dài thì cần phải rèn luyện thói quen đọc sách thường xuyên cho HS. Sở dĩ tôi nói điều này vì trong quá trình dạy học và qua thực tế cuộc sống tôi nhận thấy rằng: những học sinh mà có thói quen đọc sách thường xuyên thì khả năng tự học sẽ rất cao, khi đó học trực tuyến hay học trực tiếp thì những học sinh này đều có thể thích nghi tốt; còn đối với giáo viên thì với những người có thói quen đọc sách thường xuyên sẽ có khả năng tự học, tự nghiên cứu rất cao bởi vậy những người giáo viên này thường có trình độ chuyên môn tốt.
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.