Sau bài viết Đánh con 3 roi vì 7 điểm Lý, độc giả Trầm Lãng chia sẻ kỷ niệm và hối hận về việc đã từng đánh con trong lúc chỉ bài:
Cách đây ít ngày, tôi chở cả nhà về quê chơi. Trên xe, mọi người nhắc lại những chuyện "ngày xưa" của cả nhà như những kỷ niệm của gia đình. Rồi con gái lớn (đang học năm hai đại học) nhắc lại chuyện bị ba đánh trong lúc chỉ bài, tôi nghe mà nghẹn trong cổ.
Chuyện đó cứ ám ảnh tôi suốt mấy ngày, tôi không ngờ hành động lúc nóng giận của tôi đã để lại vết hằn trong tâm trí con đến vậy (chuyện xảy ra từ 10 năm trước).
Dằn vặt suốt mấy hôm, tôi quyết định nhắn tin xin lỗi con. Cháu nhắn lại là chỉ vui miệng kể lại chứ không có ý oán trách gì tôi: "Chuyện cũng lâu rồi nên ba đừng bận tâm nữa".
Tôi có nhẹ lòng đôi chút nhưng vẫn tự sỉ vả mình tại sao lại có hành động tệ hại như vậy, và hứa với lòng sẽ không bao giờ để sự nóng giận cho phép mình làm những điều tổn thương đến con.
May mắn là hai con tôi đều học tốt, thỉnh thoảng cũng có những học kỳ hơi sa sút vì nhiều lý do, nhưng tôi không áp lực với các cháu mà chỉ nhắc nhở các cháu cần tập trung ưu tiên cho việc học, kể cả việc học ở trường và các kỹ năng cần thiết khác.
Việc học là quan trọng, nhưng không chỉ học ở trường và kết quả học ở trường chưa hẳn phản ánh đúng nỗ lực và tiềm năng của các con. Đừng đem cái áp lực và sĩ diện của cha mẹ áp lên các con rồi vô tình làm hại con.
Hãy là người định hướng, người bạn và người đồng hành với con trên con đường hoàn thiện và phát triển bản thân về mọi mặt và giúp con chọn đúng con đường để vào đời như mong muốn và sở trường của con chứ không phải theo mong muốn duy ý chí của cha mẹ.
Độc giả Nguyễn Thanh Bình chia sẻ cha mẹ cần là người đồng hành, tìm hiểu và giúp con học tốt hơn chứ không phải là người tức giận, sẵn sàng dùng đòn roi khi con học kém:
Ngày con tôi học lớp bảy hệ mười hai năm, cháu cũng học kém môn hình học. Cầm bài kiểm tra của cháu với bốn điểm mà tôi tức nghẹn cổ. Khi bình tĩnh trở lại, tôi thấy cần phải kèm con qua giai đoạn khó khăn này.
Những ngày sau đấy, tôi hướng dẫn cháu tỷ mỉ từng bước từ vẽ hình, ghi giả thiết kết luận và trình tự chứng minh... Đối với bài đơn giản, vẽ hình xong, tôi bảo cháu gấp vở lại và chứng minh bằng miệng - không nhìn hình.
Lúc đầu bỡ ngỡ, sau đó cháu làm được và làm tốt. Từ hôm ấy, buổi tối trước khi đi ngủ, bố con tôi đều làm bài chứng minh hình, mà không cần có vở trước mặt. Hai bố con nằm trong màn, giơ tay vẽ lên phía đình màn, thống nhất đặt tên các điểm xong, tắt đèn đi và bắt đầu chứng minh bằng miệng... Qua nhiều ngày như vậy, con tôi có hứng thú hơn với môn hình học và cả môn toán nói chung.
Dần dần cháu học khá lên trông thấy và sau đấy khi vào THPT, cháu thi được vào lớp chọn một cách dễ dàng. Rồi ngày cháu học lớp 10, với việc biến đổi các biểu thức lượng giác, thầy làm nhanh trên bảng, cháu không hiểu và tỏ ra bi quan...tôi đọc cho cháu mấy câu thần chú: Cốt (cos) cộng cốt (cos) bằng hai cốt cốt (2cos.cos)...và hướng dẫn tỷ mý cách vận dụng.
Mọi khó khăn rồi cũng qua đi, cháu học xong THPT và thi đại học một cách ngon lành. Làm được vài điều nhỏ với con, bởi tôi nghĩ ngày trước mình đi học cũng lười, cũng dốt. Cũng có lúc bí cần thầy, cần bạn gợi ý rồi mới vỡ ra được. Nay con mình đi học cũng vậy, phải nâng đỡ để con qua được những lúc khó khăn, ấy là việc nên làm.
Hữu Nghị tổng hợp
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.