Tôi cho rằng, giải pháp để học tiếng Anh đơn giản hơn là học sinh có cơ hội nói và giao tiếp tiếng Anh. Các em được tập phản ứng nghe nói một cách tự nhiên, rồi từ đó sẽ dạy viết, và chỉnh sửa ngữ pháp. Cái gì dễ thì học trước, khó học sau.
Vừa học vừa chơi, cho. Học sinh ở các lớp mẫu giáo, tiểu học chỉ dạy các bài hát bằng tiếng Anh, đảm bảo học sinh có thể hát karaoke được. Trong những năm này, học sinh sẽ học thuộc khoảng 50 bài hát tiếng anh mỗi năm. Đảm bảo học sinh sẽ dần thích môn tiếng Anh, trong các năm học tiếp theo, thầy trò dậy đều nhàn cả.
Cách dạy này đã được tôi thử nghiệm với hai con trai. Cháu đầu tôi cho học theo chương trình sách giáo khoa, dạy thêm học thêm đủ kiểu trong vòng 6 năm. Cháu không hiểu gì mà rất sợ môn tiếng. Đến nay cháu đã học xong đại học rồi mà môn tiếng Anh vẫn bằng không.
Cháu thứ hai tôi không cho học thêm buổi nào. Trong 6 năm đầu đi học, tôi trực tiếp học hát cùng với cháu đến khi cháu hát được karaoke. Tôi kiểm tra hát đúng nhịp đúng lời là tôi cho qua. Cháu nhà tôi cũng rất thích chơi game. Tôi "giao kèo" với cháu mỗi tuần thuộc một bài thì mỗi ngày cho chơi game 1,5 tiếng. Đến nay cháu thuộc khoảng 200 bài hát tiếng Anh. Cháu đã học đến lớp 10 và học rất tốt môn tiếng Anh, có thể cho các bạn và kiêm luôn dịch các bài hát tiếng Anh ra tiếng Việt. Mỗi bài hát tiếng anh cháu chỉ nghe qua hai lần là dịch được ra tiếng Việt.
>> Việt Nam tụt hạng tiếng Anh - người Việt ít nhu cầu hay cách dạy cũ kỹ?
Tôi hỏi sao dịch ra tiếng Việt hay thế. Cháu nói dịch ra tiếng Việt phải dịch theo cảm xúc vui buồn ca sĩ khi hát. Ngoài học tiếng Anh ra cháu lại học thêm được môn âm nhạc và thẩm âm rất khéo. Hiện tại cháu chỉ thích nghe nhạc tiếng Anh và bình luận bằng tiếng Anh trên mạng. Đôi lúc tôi có hỏi cháu để cháu dịch ra cho tôi nghe.
Tại sao phần lớn học sinh Việt Nam dốt tiếng Anh? Do giáo trình dạy không khoa học, chỉ dạy ngữ pháp cho học sinh. Tại sao vậy? Vì việc này dễ bắt lỗi nhất, thầy cô lại nhàn không phải nói nhiều, giảng nhiều nhưng vẫn biết học sinh làm bài đúng hay sai.
Không cho học sinh tự phát triển tư duy, học theo giáo trình cứng nhắc làm học sợ môn tiếng Anh. Ngữ pháp và văn phong rất rộng lớn, trong khi tư duy về trí nhớ có hạn bởi vì còn học nhiều môn khác quan trọng hơn.
Chưa một nơi nào trên thế giới lại dạy môn tiếng Anh như ở ta cả, lạc hậu vô cùng. Phải nói rằng ai cũng học tiếng Anh trên 10 năm nhưng đi nước ngoài nói chuyện giao tiếp với quốc tế thì không biết gì.
Theo tôi để học tiếng Anh hiệu quả trong các trường phổ thông nên thay đổi giáo trình dạy môn tiếng Anh là tập nghe trước, tập nói sau; tập đọc trước tập viết sau, cuối cùng là học ngữ pháp. Hy vọng là môn tiếng anh không phải là môn đánh đố với đa số học sinh.
>> Chia sẻ bài viết kinh nghiệm học tiếng Anh của bạn tại đây.